Nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, gây ô nhiễm môi trường

Thứ Hai, 05/09/2022, 05:10

Người dân có thể sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi dữ liệu, cung cấp cho cơ quan chức năng để “phạt nguội” đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường nơi công cộng. Đây là một trong những quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022. 

Theo đó, đối với nhóm hành vi xảy ra nơi công cộng như vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định; hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định…, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP điều chỉnh theo hướng đảm bảo tính khả thi cả đối với lực lượng có thẩm quyền xử phạt lẫn các đối tượng bị xử phạt.

Nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, gây ô nhiễm môi trường -0
Ảnh minh họa

Đánh giá về những quy định xử phạt có hiệu quả, giúp ngăn chặn các hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, để tăng cường hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, Nghị định đã bổ sung nhiều quy định đối với nhóm hành vi xảy ra nơi công cộng như vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định; hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định; vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt…

Mức phạt đối với các hành vi trên đã được điều chỉnh giảm để đảm bảo tính khả thi với số đông người dân, phù hợp với thẩm quyền xử phạt của các lực lượng tại địa phương như chiến sỹ Công an, trưởng Công an cấp xã, trưởng đồn Công an.

Nghị định cũng đã đơn giản hóa trình tự thủ tục xử phạt đối với các hành vi trên bằng hình thức phạt tại chỗ với một số hành vi có mức phạt dưới 250.000 đồng. Đối với các nhóm hành vi này, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP cũng đã dẫn chiếu áp dụng Nghị định 135/2021/NĐ-CP để có thể sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để “phạt nguội” theo quy định.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, thời gian qua, dư luận cũng quan tâm khi Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Việc đưa ra chế tài này để thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đồng thời, Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, thời hạn chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Do đó, đối với hành vi này chưa áp dụng ngay tại thời điểm Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Quy định cụ thể về phân loại rác, thời điểm phân loại rác tại nguồn ở từng tỉnh, thành phố sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh khẳng định, các hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định theo hướng nâng cao tính răn đe, phòng ngừa các các hành vi cố tình vi phạm, trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Các hành vi gây ô nhiễm môi trường ngoài biện pháp xử phạt nặng bằng tiền, còn đồng thời bị đình chỉ hoạt động hoặc tước giấy phép môi trường, buộc khắc phục hậu quả vi phạm.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Vì vậy Nghị định xử phạt cũng đã quy định hành vi vi phạm xuyên suốt theo trình tự từ thực hiện đánh giá tác động môi trường, vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường, bảo vệ môi trường trong triển khai xây dựng dự án hoặc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… đảm bảo dễ dàng tra cứu, áp dụng.

Nghị định cũng thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, đặc biệt là việc thu lại số lợi bất hợp pháp của tổ chức, cá nhân có được do hành vi vi phạm mang lại; qua đó khắc phục triệt để tư tưởng cố tình vi phạm để trốn chi phí đầu tư cho môi trường.

Hoàng Nam
.
.
.