Luận điệu sai trái về xây dựng Nhà nước pháp quyền  XHCN Việt Nam

Thứ Hai, 18/07/2022, 09:02

Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN được xác định là nội dung trọng tâm của đổi mới chính trị tại Việt Nam. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực thảo luận, lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá, nhiều đối tượng xấu đã xuyên tạc, công kích, đưa ra các bài viết làm sai lệch bản chất vấn đề. Một số bài viết cho rằng đã là nhà nước pháp quyền thì không thể đi đôi với XHCN, đưa ra “kiến nghị” đòi bỏ nội dung XHCN trong đề án xây dựng nhà nước pháp quyền.

Thậm chí, một số người nhân danh cấp tiến, đổi mới để vu cáo rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện “đứng trên pháp luật” nên không thể có nhà nước pháp quyền; cho rằng việc đưa ra định hướng XHCN chỉ để mang lại lợi ích cho Đảng chứ không phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc; việc đặt đề án xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là nhằm che đậy cho bản chất độc tài của chế độ… Những luận điệu trên  thể hiện rõ ý đồ chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử, tư tưởng về nhà nước pháp quyền xuất hiện từ sớm, gắn với các nhà tư tưởng nổi tiếng như Socrates (469-399 Tr.CN), Aristoteles (384-322 Tr.CN), Cicero (l06-43 Tr.CN), John Locke (1632 - 1704), Montesquieu (1698 - 1755), Jean Jacques Rousseau (1712 - 1778), I.Kant (1724 - 1804), Hegel (1770 - 1831) v.v… Mục tiêu của nhà nước pháp quyền là xây dựng và thực thi một nền dân chủ, đảm bảo quyền lực chính trị thuộc về nhân dân.

Những yếu tố cơ bản để xây dựng một nhà nước pháp quyền là xã hội có dân chủ, đất nước có một hệ thống pháp luật đầy đủ và mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Nhà nước pháp quyền vừa là một giá trị chung của nhân loại, vừa là một giá trị riêng của mỗi một dân tộc, quốc gia. Tuỳ thuộc vào đặc điểm lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội và trình độ phát triển mà các quốc gia khác nhau sẽ xây dựng một mô hình nhà nước pháp quyền cụ thể một cách thích hợp.

Tại Việt Nam, mô hình mà chúng ta lựa chọn là nhà nước pháp quyền XHCN. Điều này đã được ghi nhận cụ thể tại khoản 1, Điều 2 Hiến pháp 2013: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là hoàn toàn phù hợp cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Như vậy, đây là bộ máy quyền lực của chính quần chúng nhân dân lao động, phục vụ lợi ích của đại đa số người dân trong xã hội.

Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ và trách nhiệm tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân. Mọi hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền đều kiên quyết bị xử lý.

Trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo không có nghĩa là “đứng trên pháp luật”, “không tuân thủ pháp luật” như những gì các đối tượng xấu cố tình bôi nhọ. Tất cả các tổ chức của Đảng và đảng viên đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Việc Việt Nam xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Sau 35 năm thực hiện đổi mới, kinh tế nước ta duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao (khoảng 6%/năm), cơ cấu kinh tế thay đổi theo chiều hướng tích cực, tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Môi trường hoà bình, ổn định được giữ vững, là tiền đề quan trọng để đất nước phát triển. Công tác xoá đói giảm nghèo được triển khai mạnh mẽ, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước đã giảm bình quân trên 1,4%/năm giai đoạn 2016 – 2020. Lĩnh vực y tế, văn hoá, giáo dục cũng đạt được nhiều thành tựu. Trong quan hệ quốc tế, vị thế của Việt Nam ngày càng tăng cao và được bầu giữ nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế. Đây là những minh chứng rõ ràng khẳng định Việt Nam đang phát triển đúng hướng.

Quá trình phát triển cũng bộc lộ những hạn chế, khiếm khuyết, trong đó có vấn đề tham nhũng, suy thoái, những hiện tượng tiêu cực trong đời sống văn hoá, xã hội còn diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề tồn tại kéo dài khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng tới sự uy nghiêm của luật pháp và niềm tin của người dân vào thể chế. Tuy nhiên, những tồn tại đó có nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập, mở cửa, luật pháp chưa đầy đủ, còn những kẽ hở bị lợi dụng; công tác quản lý Nhà nước còn những yếu kém, còn tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái, nhũng nhiễu.

Vấn đề là Đảng, Nhà nước ta nghiêm túc nhìn nhận hạn chế, thiếu sót, đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để chấn chỉnh, đặc biệt là việc xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Vì vậy, không có lý do gì để các đối tượng tự xưng “nhà dân chủ” để giở trò “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, xuyên tạc tình hình, bôi nhọ Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Anh Tú
.
.
.