Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai: Đừng chỉ “tung” ra những từ ngữ gây rắc rối

Chủ Nhật, 08/01/2023, 08:47

Dự thảo Luật Đất đai đã chính thức được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1/2023. Đây là một dự thảo luật được dư luận đặc biệt quan tâm vì nội dung luật không chỉ ảnh hưởng đến cơ quan quản lý đất đai, mà tác động đến cuộc sống của mỗi người dân, doanh nghiệp. Lấy ý kiến nhân dân đối với một dự luật phức tạp là điều cần thiết. Nhưng tiến hành thế nào để đảm bảo tính khoa học, minh bạch, tránh hình thức, “làm cho có” lại là một câu chuyện đáng bàn.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này.       

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai: Đừng chỉ “tung” ra những từ ngữ gây rắc rối -0
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 P.V: Thưa GS, xin ông cho biết, việc lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai so với những luật khác có gì khác biệt không?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Trừ “luật mẹ” là Luật Hiến pháp, trong các luật thì có 2 luật được coi là quan trọng, cần thiết phải lấy ý kiến toàn bộ người dân. Đó là Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai. Bộ Luật Dân sự điều chỉnh những hành vi của người dân: Điều gì được làm, điều gì khuyến khích làm và điều gì không được phép làm. Tất cả những cái đó sát sườn với hành vi của người dân. Còn Luật Đất đai là bộ khung điều chỉnh đối tượng mà ai cũng cần, ai cũng phải có đất, ít nhất là đi thuê. Chính vì vậy mà đất đai trở nên tối cần thiết với tất cả mọi người, ai cũng cần để sinh hoạt, vui chơi, kiếm sống và mong đợi thu nhập ngày càng cao. Thậm chí có những cá nhân sử dụng nhiều cách thức để có thể tham nhũng về giá trị đất đai để làm giàu. Nhưng lại cũng có những người bươn bả cả đời cũng không tìm được miếng đất để "cắm dùi", che thân trong cuộc sống của mình. Nói khái quát hơn, mỗi thửa đất là một mảnh của hành tinh trái đất, nên đất đai không chỉ cần cho từng người mà là nơi nuôi dưỡng cả loài người. Chính vì vậy, việc lấy ý kiến toàn dân về Luật Đất đai cũng được đặt ra với tầm quan trọng tương đương như Bộ luật Dân sự.

Chúng ta cũng biết Luật Đất đai là luật phức tạp, trong nhóm những người bị tác động chắc chắn có đối tượng yếu thế, nghèo, không tự bảo vệ được mình. Và cũng có nhóm quá giàu, thậm chí một thửa đất "vàng" họ cũng không coi là gì cả. Với thực trạng như vậy, nếu hỏi ý kiến những người giàu lên từ đất thì họ lại chỉ quan tâm đến các "sơ hở luật pháp" để kiếm nhiều tiền. Nhưng nếu hỏi những người nghèo thì họ lại chỉ mong có chính sách gì sao cho đất rẻ đi để dựng tạm được nơi che mưa, che nắng cho gia đình mình. Nhiều người nói với tôi rằng họ muốn góp ý lắm, nhưng nhìn vào văn bản luật dày cộp, đọc không hiểu gì. Luật này ảnh hưởng tới nhiều nhóm người khác nhau thông qua góc nhìn lợi ích. Cần tới Luật Đất đai, nông dân nghĩ khác, công nhân nghĩ khác, thương gia nghĩ khác, đều mong cách gì mà đất đai nuôi dưỡng được tầng lớp mình. Nhìn từ đầu tư phát triển, nhà đầu tư nghĩ đến cơ chế lấy đất thuận lợi, nhưng những người đang sử dụng đất lại chỉ mong được bồi thường thỏa đáng khi bị mất đất. Hơn nữa, việc hỏi ý kiến các tầng lớp nhân dân là điều cần thiết, nhưng phân tích ý kiến đó để tiếp thu bằng những tiêu chí gì để tiếp thu hợp lý lại cũng là công việc rất phức tạp.

P.V: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh phải có cách thức lấy ý kiến người dân phù hợp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức và cần xác định vấn đề trọng tâm, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, đối tượng bị tác động trực tiếp. Theo ông, để việc lấy ý kiến nhân dân được thực chất, không hời hợt thì cần triển khai những biện pháp gì?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội là hoàn toàn đúng: Phương pháp lấy ý kiến là quan trọng.

Để tránh tình trạng lấy ý kiến một cách hời hợt, hình thức, chúng ta cần chuẩn bị thêm những văn bản bổ sung cho lấy ý kiến, chứ không chỉ “tung” ra một văn bản luật rắc rối, ít người hiểu được. Nếu chỉ đưa ra một văn bản luật thì ý kiến nhận được sẽ rất chung chung. Người dân thường ai mà hiểu được thực chất vấn đề trong các điều khoản của luật phức tạp ấy. Và với đông đảo người dân, hiểu về chính sách dễ hơn hiểu về luật. Người dân thường không quan tâm tới chuyện luật hóa chính sách, họ chỉ quan tâm đến chính sách xem tác động vào thân phận họ như thế nào, trước chính sách là vậy thì nay được thay đổi thế nào. Vì vậy, chúng ta phải có một văn bản mô tả về chính sách, sau đó giải thích rằng chính sách này thể hiện ở những điều luật nào để người dân có thể góp ý dễ dàng.

Ngoài ra, cũng cần có những báo cáo viên rành chuyên môn, phân tích kỹ lưỡng mối quan hệ giữa chính sách với điều luật. Ngay như tôi, có nhiều điều luật phải đọc vài ba lần mới hiểu được xem ở đây ngụ ý chính sách gì. Vậy thì những người không có chuyên môn sẽ rất khó hình dung ra bức tranh từ tổng thể đến chi tiết. Thậm chí, cũng cần có những tài liệu nhiều trang để nói về tác động của chính sách, sau đó mới nói đến chuyện chính sách thể hiện trong các điều luật như thế nào. Quan trọng nhất là làm thế nào để người ít hiểu biết nhất cũng có thể hiểu được mình chịu sự tác động của luật đến đâu.

Mặt khác, mối quan hệ chính sách giữa Luật Đất đai với những Luật khác có liên quan cũng rất quan trọng. Vừa rồi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo phân tích về sự liên quan của Luật Đất đai đối với các Luật khác. Số lượng luật liên quan mật thiết cũng đến vài chục luật. Chắc chắn, tất cả những luật quy định về việc đầu tư trên đất là có liên quan. Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Luật Đất đai cũng liên quan đến các luật về quản lý tài sản gắn liền với đất như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... Mối quan hệ luật pháp này cũng gắn với lợi ích của các hoạt động kinh tế, xã hội, môi trường.

P.V: Thưa ông, lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai thì nên tiến hành đồng thời, hay triển khai theo lộ trình?

Đừng chỉ “tung” ra những quy định gây rắc rối -0
Việc thu hồi đất phải đảm bảo đời sống của người bị thu hồi đất tốt hơn hoặc ít nhất là bằng trước khi bị thu hồi đất. Ảnh minh họa

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Tôi cũng cho rằng, trước khi lấy ý kiến nhân dân thì chúng ta đã gửi văn bản dự thảo Luật đi tất cả các bộ, ngành để lấy ý kiến trong khu vực các cơ quan quản lý Nhà nước. Tất nhiên là mỗi bộ, ngành chỉ quan tâm tới một góc của Luật này thôi. Ví dụ, Bộ Xây dựng chỉ quan tâm đến vấn đề nhà ở phát triển như thế nào, kinh doanh bất động sản ra làm sao trong mối liên quan đến Luật Đất đai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại quan tâm tới việc tập trung, tích tụ đất đai để tạo ra nền nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao... Thời gian lấy ý kiến các bộ, ngành cần ít nhất cũng một tháng. Các bộ có những chuyên gia, họ sẽ có phân tích kỹ lưỡng mối quan hệ giữa quản lý của bộ, ngành đó liên quan đến Luật Đất đai. Tiếp sau đó mới là lấy ý kiến toàn dân như hiện nay. Như thế, các ý kiến sẽ đầy đặn hơn.

Tôi đã quan sát, có nhiều trường hợp chủ trương ở Trung ương thì rất lớn nhưng tại địa phương thì có nơi làm tốt, nhưng có nơi chỉ làm cho qua chuyện. Tôi vẫn cho rằng cần có tài liệu hướng dẫn các cấp địa phương về những chính sách đất đai đổi mới ra sao. Đến địa phương thì địa phương có thể bổ sung những ý kiến gắn với trọng tâm vướng mắc về đất đai ở đó. Đây không phải chỉ là quyền lợi được góp ý kiến, mà phải hiểu là trách nhiệm, nếu không góp ý thì quyền lợi của anh bị mất. Vì có thể, do sơ ý mà đội ngũ soạn thảo viết điều luật không nắm hết mọi tình tiết lắt léo về đất đai ở mọi nơi. Khi viết các điều luật chỉ cần hớ hênh một chút là có thể sẽ có một nhóm người bị thiệt hại khi thi hành Luật. Rồi cũng từ vướng mắc cũng lại gây những bất cập trong quá trình triển khai sau này.

P.V: Trong số 9 nội dung trọng tâm được đưa ra lấy ý kiến người dân, theo ông, liên quan đến vấn đề giá đất cần có những điều chỉnh như thế nào, bởi đây là điểm mấu chốt xảy ra mâu thuẫn khi tiến hành thu hồi đất?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng về phần giá đất chưa ổn, giá đất cũng là cái có liên quan đến tham nhũng của khu vực quản lý và khiếu kiện của khu vực người dân bị Nhà nước thu hồi đất để giao, cho thuê cho các nhà đầu tư. Giá đất thấp bồi thường cho dân là gây khiếu kiện, giá đất thấp để tính tiền sử dụng đất, tiều thuê đất khi giao đất cho doanh nghiệp đầu tư đều là nguyên nhân của tình trạng tham nhũng của "quan" và khiếu kiện của "dân" ở mức độ cao. Như vậy, việc định giá đất dựa vào nguyên tắc phù hợp giá trị thị trường là giải pháp duy nhất phải làm. Ở đây, lấy ý kiến về chế độ quản lý giá đất dựa trên giá trị thị trường lại cần đến những vấn đề kỹ thuật có chiều rất sâu.

Nghị quyết số 18-NQ/TW đã quyết định bỏ Khung giá đất của Chính phủ, vì Khung giá đất không thể là công cụ để quản lý việc xây dựng Bảng giá đất của các địa phương. Quyết định của Nghị quyết hoàn toàn đúng. Nhiều địa phương quy định Bảng giá đất thấp hơn giá trị thị trường, gây tham nhũng và khiếu kiện, rồi lại đổ cho tại Khung giá đất thấp nên không thể đưa Bảng giá đất lên cao.

Câu chuyện đơn giản như vậy thôi, nhưng cũng nhiều nhà đầu tư lại la lớn lên rằng bỏ Khung giá đất gây ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản. Tôi cho rằng việc này là "rõ hơn ban ngày", chỉ có điều chúng ta chậm đổi mới quản lý giá đất nên vấn đề Khung giá đất đã tồn tại 20 năm mới nhận ra sự "vô duyên" trong quản lý tài chính đất đai. Việc này rất đơn giản, chẳng có gì phải lấy ý kiến cả. Vấn đề quan trọng là giá đất của Nhà nước phải như thế nào để giá do Nhà nước quy định luôn xấp xỉ giá trị thị trường. Đấy chính là điều quan trọng nhất.

Tất nhiên việc quản lý giá đất như thế nào cho phù hợp cần thu hẹp diện lấy ý kiến theo chiều sâu kỹ thuật của các nhóm chuyên gia chuyên ngành định giá đất đai, bất động sản. Người dân khó hình dung cả chính sách lẫn pháp luật. Kể từ Luật Đất đai 2003, nguyên tắc "giá đất do Nhà nước quy định phải phù hợp thị trường đã được xác lập về mặt pháp luật. Thế nhưng đến nay cũng đã 20 năm, trải qua cả Luật Đất đai 2013, giá đất của Nhà nước quy định vẫn quá thấp kém so với giá trị thị trường. Đó chính là nguyên nhân làm ra "khiếu kiện về giá đất" vẫn ở mức cao và số lượng quan chức rơi vào vòng lao lý vì tham nhũng đất đai cũng rất cao. Cải cách trong quản lý giá đất là rất cấp thiết.

Việc lấy ý kiến của toàn dân về quản lý giá đất cần tập trung vào các nhóm chuyên gia có trình độ về định giá đất, kể cả các chuyên gia nước ngoài. Rất nhiều ý kiến hiện nay nói rằng, nên cần áp dụng  cơ chế thu hồi đất chung cho tất cả các trường hợp để đảm bảo sự công bằng. Ai bị thu hồi đất đều nhận được bồi thường như vậy thôi. Không nên để thỏa thuận vì thỏa thuận thì sẽ có người được nhiều hơn, có người ít hơn. Tôi cho rằng sao chúng ta lại bắt dân chỉ được công bằng ở mức thấp (giá trị bồi thường thấp), điều cần làm là nâng mức bồi thường lên ngang giá trị thị trường thì sự công bằng của dân sẽ đạt ở mức cao.

Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định một nguyên tắc chia sẻ lợi ích từ bài toán đầu tư giữa Nhà nước, nhà đầu tư và những người đang sử dụng đất. Nguyên tắc này cũng chi phối việc giải quyết lợi ích khi Nhà nước thu hồi đất và hạn chế lại các trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã quy định trong Hiến pháp 2013. Các nhà đầu tư dự án chỉ vì lợi ích riêng của mình hay chủ động từ mình tìm kiếm đất đai, Nhà nước chỉ can thiệp khi có lợi ích quốc gia, công cộng, tức là khi vì lợi ích toàn dân.

Chúng ta không thể đánh tráo khái niệm lợi ích công và lợi ích tư. Sự nhập nhèm lợi ích là nguyên nhân tạo ra những đại gia bất động sản chỉ trong một sớm một chiều. Vấn đề lợi ích này về đất đai giản dị hơn, có thể giải thích chính sách rõ ràng để lấy ý kiến toàn dân. Điều cuối cùng tôi muốn nói là lấy ý kiến xong rồi thì biện pháp, tiêu chí nào được đặt ra để tiếp thu ý kiến. Chúng ta cần lưu ý rằng lợi ích luôn tạo nên các cuộc "vận động chính sách ngầm" vì tư lợi. Nếu không giải quyết tốt các tiêu chí tiếp thu thì việc lấy ý kiến toàn dân trở nên hình thức.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Yến (thực hiện)
.
.
.