Kỳ vọng nhiều chính sách đột phá để phát triển giáo dục
Hôm nay (ngày 5/9), hơn 23 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước chính thức bước vào năm học mới 2023-2024. Đây được xem là năm học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông (GDPT) với việc triển khai Chương trình GDPT 2018 đồng bộ, đi được hơn nửa chặng đường. Giáo dục với phạm vi đổi mới rộng, số lượng công việc nhiều, năm học 2023-2024, giáo dục đòi hỏi cần tiếp tục có sự quan tâm nhiều hơn nữa của toàn xã hội để ngành Giáo dục hoàn thành nhiệm vụ, tạo đà hoàn thành lộ trình đổi mới GDPT.
Lễ khai giảng lấy học sinh làm trung tâm
Năm học 2023-2024, toàn thành phố Hà Nội có hơn 2.800 trường học với hơn 2,2 triệu học sinh, chiếm gần 1/10 học sinh cả nước. Lễ khai giảng được yêu cầu bảo đảm trang trọng, ngắn gọn, lấy học sinh làm trung tâm, quan tâm đến học sinh đầu cấp. Sau khi kết thúc lễ khai giảng, các cơ sở giáo dục tổ chức sinh hoạt đầu năm học.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Bên cạnh việc trang hoàng trường lớp, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để phục vụ năm học mới, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các nhà trường cần có biện pháp hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc diện chính sách. Ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát động phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng sách giáo khoa, quần áo, đồ dùng học tập để không học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không thể đến trường.
Không chỉ Hà Nội, lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 cũng được các địa phương trên toàn quốc tổ chức gọn nhẹ trên tinh thần lấy học sinh làm trung tâm. Tại TP Hồ Chí Minh, lễ khai giảng được tổ chức đồng loạt trong sáng 5/9 đúng nghĩa “Ngày hội toàn dân đưa trẻ tới trường”.
Sau phần lễ, nhà trường tổ chức phần hội để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các em học sinh, như ngày hội “Bé vui đến trường”, tập trung các hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú với các trò chơi vận động, các hoạt động phát triển thẩm mỹ, trò chơi dân gian, xem xiếc, múa rối,… tạo không khí vui tươi phấn khởi cho trẻ.
Theo chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, năm học mới 2023-2024, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất đến dự lễ khai giảng tại các trường nhưng không đánh trống khai giảng và không phát biểu. Điều này nhằm đảm bảo việc tham dự của lãnh đạo tỉnh không ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức khai giảng tại các trường.
Giảm áp lực, căng thẳng cho nhà giáo
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ trước thềm năm học mới: Không chỉ triển khai chương trình GDPT mới trên diện rộng, bao phủ 3 cấp học mà trong năm học này, hoạt động đổi mới còn cần đi vào chiều sâu, ở từng nội dung giáo dục, từng môn học, hoạt động. Thực tế này đòi hỏi phải chuẩn bị nhiều hơn các điều kiện dạy học, giáo viên cần được hỗ trợ hơn nữa về phương pháp, kỹ năng để bảo đảm có thể đổi mới theo chiều sâu và tăng cường chất lượng đổi mới.
Bên cạnh đó, năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng thừa nhận, toàn ngành đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về đội ngũ, đó là tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, trong đó thiếu giáo viên là vấn đề chủ đạo. Cùng với đó, áp lực của đổi mới và áp lực của cuộc sống như thu nhập không tăng đã khiến một bộ phận không nhỏ giáo viên đã nghỉ việc... Số lượng giáo viên nghỉ hưu hàng năm khá lớn, bình quân khoảng 10 nghìn người, trong khi đó, tình hình tuyển dụng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn.
Năm 2022, mặc dù Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt, giao cho Chính phủ bố trí hơn 27 nghìn biên chế/tổng số hơn 65 nghìn biên chế giáo viên, bù đắp được phần nào nhu cầu tuyển dụng nhưng so với số lượng còn thiếu thì con số này vẫn khiêm tốn, chưa giải quyết được căn bản tình trạng thiếu giáo viên. Do đó, điều quan trọng nhất là làm sao có đủ giáo viên; làm sao để thầy cô thực sự sống bằng nghề tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn và có điều chỉnh phù hợp để thầy cô giảm bớt khó khăn, đặc biệt ở những môn học tích hợp cấp THCS.
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo ráo riết hơn nữa đối với các trường đại học sư phạm trong đào tạo nguồn giáo viên để đủ nguồn tuyển; điều chỉnh Nghị định 116 để tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương cũng như hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Bộ GD & ĐT đang làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng giáo viên mầm non theo chuẩn của Luật Giáo dục cũ, đặt ra yêu cầu đến năm 2030 thầy cô phải đạt chuẩn.
“Tôi cho rằng, với ngành Giáo dục, có lẽ cần có nhất lúc này là một Nghị quyết giao cho Bộ GD&ĐT chuẩn bị và trình Chính phủ, Quốc hội các phương án tăng cường điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục. Nếu không có những điều kiện tối thiểu như đủ giáo viên, trường lớp; trường lớp được kiên cố, khang trang; đủ nhà công vụ cho giáo viên vùng xa; đủ trang thiết bị cho giáo dục; đủ đầu tư tài chính cho các hoạt động giáo dục thì dù chúng ta có nỗ lực cũng khó đạt được như kỳ vọng”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ.