Kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn: Tai nạn giao thông giảm sâu, cử tri đồng tình

Thứ Bảy, 18/02/2023, 06:58

Báo cáo công tác của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 1/2023 cho biết, "cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng CSGT trong việc ra quân kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông và đây là nguyên nhân chính làm giảm số vụ TNGT so với các kỳ nghỉ Tết trước đó".

Liên quan nội dung này, sáng 17/2, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện đã trả lời phỏng vấn Báo CAND.

PV: Là cơ quan tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, đại biểu có thể thông tin cụ thể hơn về vấn đề này?

ĐBQH Hoàng Anh Công: Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng CSGT cả nước đã ra quân xử lý hơn 22.000 vụ vi phạm về nồng độ cồn, tăng gần 600% so với 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong đó các địa phương xử lý nhiều là Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Thái Nguyên, Nam Định... Trong 7 ngày Tết, cả nước xảy ra 152 vụ TNGT, làm chết 89 người, bị thương 11 người; so với kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần giảm 12 vụ, giảm 3 người chết; đặc biệt so với kỳ nghỉ Tết trước khi có dịch COVID-19 (năm 2019) giảm 71 vụ, giảm 51 người chết, giảm 101 người bị thương.

dbqh-hoang-anh-cong.jpg -0
Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện trả lời phỏng vấn Báo CAND.

Như vậy có thể thấy, qua việc làm quyết liệt của lực lượng CSGT đem lại lợi ích rất lớn, có thể ban đầu người dân thấy hơi bất tiện, có phản ứng vì họ cho rằng ngày Tết có thể có chén rượu mừng xuân năm mới... Tuy nhiên, qua kết quả xử lý họ thấy tác dụng lớn hơn nhiều, TNGT giảm, tính mạng, tài sản của người dân được đảm bảo an toàn, việc đi lại trên đường thông suốt, bình an thì người dân hoan nghênh, đánh giá cao, cử tri nhiều địa phương đã gửi ý kiến về việc này.

Về góc độ Ban Dân nguyện, chúng tôi ghi nhận, đánh giá đây là việc làm ý nghĩa, rất tốt của lực lượng CAND, trong đó nòng cốt là lực lượng CSGT trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho người dân. Vì là việc tốt nên cần đánh giá, biểu dương, đồng thời cũng động viên anh em CSGT trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

PV: Người Việt Nam có thói quen uống rượu bia, cùng với đó là thói quen uống rượu bia xong vẫn lái xe, dù hình thức xử phạt đã tăng nặng lên nhiều lần...

ĐBQH Hoàng Anh Công: Đúng vậy, việc xử lý nồng độ cồn thì không mới, trước khi có dịch bệnh COVID-19, năm 2019 mình đã làm quyết liệt vấn đề này rồi, tình hình vi phạm khi đó trầm hẳn xuống. Nhưng khi dịch bệnh xảy ra làm thay đổi phương pháp quản lý xã hội, cả hệ thống chính trị trong đó có lực lượng Công an đều ưu tiên tập trung cho chống dịch nên tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia lại tăng cao...

Đặc biệt, một số người cho rằng, ngày Tết thì có thể "thả ga", nhưng "thả ga" thì tai nạn nhiều, do đó cần phải tiết chế việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông để đảm bảo ăn Tết được vui tươi, an toàn, cho chính bản thân và xã hội. Việc xử lý nồng độ cồn cần được thực hiện quyết liệt để tạo ý thức cho người dân. Cũng cần phải có thời gian. Quay trở lại bài học mũ bảo hiểm, trước đây khi mới bắt buộc đội mũ có người thấy khó chịu, không muốn đội, tuy nhiên giờ đã đi vào nền nếp, đi xe máy mà không đội mũ bảo hiểm thì cảm giác mất an toàn cho bản thân và thấy ngượng với những người xung quanh. Sau này việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông cũng thế, nếu chúng ta làm tốt, tạo ý thức cho người dân thì sẽ giảm thiểu tình trạng này.

PV: Việc tăng cường ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn nhằm ngăn chặn các nguy cơ gây TNGT nghiêm trọng được xác định là chủ đề xuyên suốt trong năm 2023 của lực lượng CSGT. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này?

ĐBQH Hoàng Anh Công: Theo tôi, đây là việc quan trọng, đúng, trúng, kịp thời. Sở dĩ nói đúng vì đây là việc phải làm, theo quy định của pháp luật. Còn trúng là thời điểm này phải làm, và chúng ta cố gắng đừng chạy theo phong trào, mà phải trở thành công việc thường xuyên, liên tục, như ăn cơm, uống nước hằng ngày. Việc phát hiện, xử lý vụ việc sẽ tạo ra tiếng vang, cảnh tỉnh rất lớn, đặc biệt đối với một số người tuỳ tiện uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông, có những người "say mướt mát" vẫn đi ôtô, xe máy.

Cạnh đó, việc tăng cường xử lý cũng mang tính giáo dục rất cao, có tác dụng lan toả từ trong gia đình, nhà trường, các cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, làm sao họ tham gia giao thông tốt hơn, giữ cho mình, cho mọi người vì hậu quả xảy ra là rất nặng nề. Thậm chí, gần đây một số đơn vị quy định việc cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn bị gửi thông báo về cơ quan, tổ chức, đồng thời kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cán bộ vi phạm và người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Trước đây có người coi việc uống rượu bia khi tham gia giao thông là việc rất nhỏ, nghĩ là bình thường, nhưng nếu bị quy trách nhiệm, xử lý cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến danh dự. Qua đó giúp thiết lập lại trật tự an toàn giao thông - biểu hiện của lối sống văn minh trong một xã hội văn minh. Và điều này dần dần cũng sẽ thẩm thấu vào các mối quan hệ khác trong xã hội. Như tôi đã nói ở trên, khi ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng lên thì lực lượng CSGT cũng rất nhàn.

PV: Vâng, thưa đại biểu, không chỉ tăng cường xử lý hành vi sai phạm của người dân để nâng cao nhận thức của người dân, Bộ Công an cũng chú trọng phòng ngừa, xử lý sai phạm trong nội bộ. Vừa qua, Bộ Công an ban hành kế hoạch kiểm tra điều lệnh, đo nồng độ cồn đối với CBCS Công an trong quá trình làm nhiệm vụ, ứng trực... Đại biểu đánh giá như thế nào về việc này?

ĐBQH Hoàng Anh Công: Vừa qua, việc Công an tỉnh Hải Dương xử lý một số CBCS CSGT vi phạm tại Hải Dương đã tạo dư luận tốt, rất kịp thời, rất công bằng. Chúng ta là cơ quan bảo vệ pháp luật nên phải làm tốt trước, tôn trọng pháp luật, không được làm trái pháp luật thì mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ pháp luật. Do đó, việc xử lý cán bộ nghiêm minh như thế sẽ tạo lòng tin cho người dân, tin tưởng vào lực lượng CAND nói chung và CSGT nói riêng. Chúng tôi thấy, những việc làm tốt, thực chất cần phải được quảng bá, tuyên truyền thì việc làm sai cũng cần phải xử lý nghiêm để nhân dân tin tưởng. Và cố gắng để cái sai ngày càng ít đi, việc tốt ngày càng nhiều lên.

Về kế hoạch kiểm tra điều lệnh, đo nồng độ cồn đối với CBCS Công an trong quá trình làm nhiệm vụ, ứng trực của Bộ Công an, chúng tôi đánh giá rất cao. Khi chúng ta thực hiện xử lý nghiêm túc đối với người dân thì trong nội bộ ngành Công an cũng phải cực kỳ nghiêm túc, làm gương cho người dân. Đây là yêu cầu nêu gương của ngành Công an đối với xã hội, để xã hội nhìn nhận, "chúng tôi không chỉ là người đi xử lý người dân, mà chính nội bộ chúng tôi cũng xử lý rất nghiêm túc", trong giờ làm việc, trong khi tham gia giao thông...

Tôi cho rằng, việc làm này sẽ tạo hiệu ứng xã hội rất tốt, thể hiện tính công minh của lực lượng Công an trong thực thi công vụ, làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật nói chung. Mình phải thực sự là tấm gương thì mới có thể giáo dục, chỉ ra lỗi vi phạm và xử phạt người ta được. Chúng tôi và cử tri, nhân dân cả nước cũng mong muốn và đánh giá cao khi ngành Công an đang tiếp tục làm nghiêm túc, quyết liệt việc xử lý vi phạm nồng độ cồn bảo đảm tính răn đe. Qua đây, người dân cũng sẽ tự nhìn vào để chấn chỉnh, có sự điều tiết làm sao phù hợp với quy định của pháp luật...

PV: Xin cảm ơn đại biểu!

Quỳnh Vinh (thực hiện)
.
.
.