Bài 2: Kiểm tra “củi lửa” và điểm tựa niềm tin
Giờ đây, người dân tạo nếp quen chờ đợi hàng tháng những thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương với những câu hỏi “tháng này củi lửa thế nào”, ai “nhúng chàm”, xử lý ra sao. Cái từ “củi lửa” cũng trở thành ngôn từ quen thuộc, cửa miệng, xuất phát từ những câu nói dễ hiểu, dễ hình dung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhìn rộng ra, các kết luận của UBKT Trung ương như một điểm tựa của niềm tin trong công cuộc chống tham nhũng, xử lý quan chức suy thoái, tiêu cực, để lòng dân vững tin thêm với Đảng, với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn “không có vùng cấm”.
Nhiều người băn khoăn, cơ quan UBKT Trung ương có từ lâu và các kết luận, xử lý cũng là việc chuyên môn thường ngày, vậy tại sao gần đây lại tạo nên sức hút, sự để tâm lớn như vậy? Nghiên cứu điều này, chúng ta thấy trước đây, những bản kết luận kiểm tra của Đảng thường là tài liệu nội bộ, chỉ được công bố trong tổ chức Đảng. Khi đảng viên nào đó sai phạm, bị xử lý kỷ luật thì thường chỉ trong nội bộ biết, chỉ một số trường hợp thông tin lên báo chí.
Vì thế, nhiều khi đảng viên bị xử lý kỷ luật nhưng đi làm việc thì cơ quan, tổ chức và nhân dân vẫn không hay biết, thậm chí họ vẫn chăm chú nghe những đảng viên này giáo huấn như “tấm gương sáng”. Giờ đây, quan niệm đó đã thay đổi. Cái gì thuộc nội bộ và cái gì công khai đã rõ ràng, minh bạch theo tiến trình dân chủ. Người dân giám sát cán bộ, đảng viên thì về nguyên tắc, người dân phải biết được đảng viên của mình có thành tích, khen thưởng hay vi phạm, bị xử lý kỷ luật ra sao.
Người dân có quyền được biết và cơ quan chức năng có nhiệm vụ công bố cho dân biết, đó là hai mặt của một vấn đề. Sự công bố rộng rãi vừa đảm bảo nguyên tắc nhân dân làm chủ, nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, vừa có ý nghĩa cảnh báo, răn đe, phòng ngừa rất hữu hiệu. Khi sai phạm được kiểm tra và công bố công khai, để muôn dân được biết, tính răn đe của công tác kiểm tra, kỷ luật tăng lên.
Đồng thời, kết luận của UBKT Trung ương tạo sự quan tâm đặc biệt trong công luận kể từ khi Đảng ta thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII với tinh thần xử lý nghiêm minh. Chính tinh thần mạnh tay, quyết liệt với vấn nạn tham nhũng, quan liêu, công cuộc “nhóm củi đốt lò” của Đảng đã tạo ra sự lan toả mạnh mẽ trong đời sống xã hội.
Nghị quyết đến nay thực sự mang thương hiệu, đó là thương hiệu của niềm tin, của tình cảm người dân với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng dưới sự chèo lái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Căn cứ chức trách, nhiệm vụ được giao, UBKT Trung ương làm rõ những sai phạm của đảng viên, tổ chức đảng theo thẩm quyền và xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo đúng quy định của Đảng, đồng thời chuyển cơ quan quản lý Nhà nước xử lý về mặt pháp luật.
Có thể thấy, nổi lên trong các kết luận về sai phạm của cá nhân, tổ chức đảng được UBKT Trung ương nêu ra là vi phạm về nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc này nếu do người đứng đầu vi phạm kéo dài sẽ dẫn đến cả tổ chức đảng cơ quan, đơn vị đó trì trệ, gây hệ luỵ lớn về vật chất và tinh thần. Đáng chú ý, có những ngành, lĩnh vực, các sai phạm không phải mang tính hiện tượng của một, hai cá nhân mà liên quan nhiều thế hệ lãnh đạo, nhiều nhiệm kỳ kế tiếp nhau.
Nổi cộm trong số đó chính là sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Từ năm 2005 đến 2017, PVN đã trải qua 4 đời Chủ tịch và cả 4 cựu lãnh đạo trên đều bị truy cứu hình sự do liên quan đến tham nhũng. Ông Đinh La Thăng- Chủ tịch PVN từ 2005-2011bị tuyên án 18 năm tù vì làm thất thoát 800 tỉ đồng trong vụ góp vốn vào Oceanbank và 13 năm tù trong vụ án liên quan đến Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC).
Tháng 1/2019, ông Đinh La Thăng lại bị khởi tố thêm vì liên quan đến dự án ethanol Phú Thọ “đắp chiếu”. Nối gót ông Đinh La Thăng, ông Phùng Đình Thực - cựu Tổng Giám đốc, Chủ tịch PVN giai đoạn 2011-2014, bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165, BLHS.
Cựu Chủ tịch PVN giai đoạn 2014-2015 là ôngNguyễn Xuân Sơn cũngbị khởi tố và bắt giam trong đại án OceanBank - Hà Văn Thắm. Hiện, ông Nguyễn Xuân Sơn bị tòa phúc thẩm tuyên tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Kế gót ông Sơn, ôngNguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch PVN giai đoạn 2016-2017 bị khởi tố và bắt giam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Như vậy, tính đến nay, 4 đời Chủ tịch PVN là các ông Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, các cá nhân dưới quyền, các lãnh đạo nhiều công ty trực thuộc PVN cũng nằm trong “danh sách đen” đã và đang bị điều tra, xử lý.
Cùng với đó là những sai phạm có tính cấu kết chặt chẽ giữa các cá nhân lãnh đạo và ở nhiều cấp lãnh đạo. Từ đó dẫn đến sai phạm “theo chùm”, điển hình là những cán bộ sai phạm thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam; vụ Việt Á với đường dây tiêu cực liên quan nhiều ngành, nhiều địa phương. Khi mở rộng kiểm tra, điều tra, danh sách sai phạm lại tăng lên. Từ thực tiễn đó, có ý kiến nói rằng, nếu cứ xử lý nhiều như thế thì lấy đâu ra cán bộ để làm và “anh em lo lắng, không còn tinh thần làm việc”.
Chúng tôi cho rằng, những lý lẽ nói trên là không có cơ sở. Việc làm rõ, xử lý nghiêm thể hiện sự tôn nghiêm của pháp luật, ai sai phải chịu trách nhiệm và tính bình đẳng, không để người này sai phạm thì bị xử lý, người kia lại không. Từ việc xử lý nghiêm minh sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe để phòng ngừa chung, để những người sau biết lo ngại về “lằn ranh luật pháp” mà tự ý thức hành vi bản thân.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định, việc điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án liên quan tới nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư lưu ý, cần tiếp tục đẩy mạnh, kiên trì, thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, đạt được nhiều kết quả hơn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không có chuyện dừng lại và không thể dừng, phải quyết tâm cao hơn, đây là yêu cầu của Đảng, của nhân dân.
“Không sợ thiếu cán bộ, bởi không thiếu cán bộ tâm huyết với Đảng, trách nhiệm với dân với đất nước. Không sợ mất uy tín; chỉ không làm, không xử lý cán bộ vi phạm mới tự đánh mất uy tín của mình” – Tổng Bí thư nêu rõ.
Số liệu tại Hội nghị toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát của Đảng quý I năm 2022 cho thấy, quý Inăm 2022,UBKT các địa phương, đơn vị kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 297 tổ chức đảng và 921 đảng viên.
Hiện nay UBKT Trung ương đang có 20 đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước) và chỉ đạo cấp ủy và UBKT 63 tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số tổ chức đảng và đảng viên.
Theo Chủ nhiệm UBKT Trung ương Trần Cẩm Tú, điểm nổi bật trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong quý I năm nay là nhiều việc xảy ra từ lâu hay mới phát sinh đều được phát hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời.
Cá biệt, có những vụ việc xảy ra cách nay tới 3 nhiệm kỳ. Dù việc cũ nhưng vẫn phải kiểm tra, báo cáo, xử lý, qua đó chứng minh sự quyết tâm của Đảng trong cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Nhấn mạnh tình hình vi phạm, suy thoái còn phức tạp, thậm chí tinh vi, nghiêm trọng hơn, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành,Chủ nhiệm UBKT Trung ương đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác kiểm tra, giám sát, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đảm bảo khoa học, chặt chẽ, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn.