Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

Thứ Sáu, 28/01/2022, 06:52

Ngày 27/1, Bộ Giao thông  - Vận tải (GTVT) đã tổ chức toạ đàm trực tuyến lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Giao thông đường bộ. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì, cùng sự tham dự của nhiều bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương trên toàn quốc.

Theo đó, đạo luật này được xây dựng thành hai luật, một luật như hiện nay do Bộ GTVT soạn thảo và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì.

Cùng với việc tách luật, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không còn quy định về đăng ký, cấp biển số phương tiện; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Các nội dung này dự kiến đưa vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

luat.jpg -0
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không còn quy định về đăng ký, cấp biển số phương tiện; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh việc tổ chức hội nghị để lấy ý kiến là rất cần thiết, để theo đó có cơ sở sửa đổi, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ thời gian tới. Thứ trưởng Thọ nêu vấn đề, việc tách Luật Giao thông đường bộ thì nên tách thế nào, phạm vi đối tượng, chức năng nhiệm vụ thực hiện ra sao cần phải làm rõ. Một số vấn đề mang tính chất cơ chế chính sách gắn liền với kết cấu hạ tầng, các hình thức huy động nguồn lực để đầu tư như thế nào, trách nhiệm của đơn vị quản lý ra sao… cũng cần được đóng góp ý kiến để hoàn thiện và bổ sung.

Nêu quan điểm, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông bày tỏ: “Chúng ta bàn để định hướng theo tình hình mới. Việc tách luật là tất yếu. Luật Trật tự an toàn giao thông xoay quanh mục tiêu đảm bảo cho người tham gia giao thông được an toàn; chuyên sâu hóa các yếu tố xoay quanh an toàn giao thông như người, phương tiện và quy tắc giao thông... Còn Luật đường bộ có mục tiêu cơ bản là phát triển hệ thống đường bộ hoàn thiện, có các thiết chế đáp ứng được yêu cầu quy hoạch, đầu tư, phát triển đường bộ”.

Về quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe, ông Bình cho biết: "Trong dự thảo của Bộ Công an trình lên Chính phủ, chúng tôi chưa bao giờ nói xây dựng hệ thống đào tạo, sát hạch lái xe riêng mà nói rõ xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động này". Theo ông Bình, việc tách luật riêng để giao cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm.

 "Tai nạn xảy ra do con người thì cơ quan cấp bằng lái chịu trách nhiệm. Nếu tai nạn xảy ra do đường, do biển báo thì bên quản lý hạ tầng chịu trách nhiệm. Làm như thế thì lợi cho xã hội, cho dân chứ chúng tôi không có lợi ích gì", ông Bình lý giải thêm và cho biết, sau khi Quốc hội ban hành luật, việc giao bộ nào quản lý đào tạo, sát hạch lái xe thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị các đơn vị tham gia ý kiến rõ ràng, nhất là các hội, hiệp hội, các đơn vị quản lý nhà nước. Đồng chí Nguyễn Trường Giang cũng nói rõ: “Tôi chưa hiểu Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 hay thứ 4; nếu trình kỳ họp thứ 3 thì phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, hoặc  trình kỳ thứ họp thứ 4 cuối năm 2022”.

Ông Nguyễn Trường Giang cũng đề nghị các đơn vị liên quan đưa vào tờ trình ý kiến của các đại biểu rồi hoàn thiện hồ sơ. Ủy ban Pháp luật sẽ thẩm tra các chính sách để đưa vào chương trình. Cũng tại hội thảo, ý kiến từ nhiều địa phương đều cho rằng, cần thiết phải sửa đổi luật.

Tuy nhiên, việc sửa đổi thế nào các đơn vị được giao nhiệm vụ nên xem xét kỹ các nội dung để thống nhất về sau này, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn việc thực thi pháp luật.

Kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh: “Chúng ta xây dựng luật mới là để tạo hành lang pháp lý cho xã hội. Các ý kiến tham gia đóng góp đều được ghi nhận một cách khách quan, minh bạch”.

Thứ trưởng cũng đưa ra quan điểm kết luận: "Chính phủ dự kiến tháng 3 sẽ trình luật mới sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đưa ra thảo luận tại phiên họp. Đối với Bộ GTVT hay Bộ Công an, ý kiến của các tổ chức là để tổng hợp báo cáo, các đơn vị chủ trì nghiêm túc thực hiện trên nguyên tắc xây dựng luật chung đi vào cuộc sống, khi thực thi phải nghiêm, hiệu quả. Hai nhiệm vụ này rõ ràng đã được Chính phủ giao Bộ GTVT tiếp tục hoàn chỉnh trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ; Bộ Công an nghiên cứu Luật Đường bộ trên cơ sở tách Luật Giao thông đường bộ. Thủ tướng đã chỉ đạo, để khách quan, công khai, minh bạch thì cần phải tăng cường, làm rõ yếu tố tác động đến việc cần thiết phải tách luật này. Luật phải viết dễ hiểu, thống nhất về quan điểm giữa hai bộ, chúng ta tiếp thu và cụ thể hóa bằng các điều khoản, dự kiến ngày 15/2 sẽ trình Chính phủ".

Đặng Nhật
.
.
.