Hồi sinh các "dòng sông chết" và chống ô nhiễm khi dùng cát biển san lấp
Vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là quản lý nguồn phát thải, xả thải từ các khu công nghiệp, làng nghề ra các dòng sông làm ô nhiễm, thậm chí biến sông thành “dòng sông chết” được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn.
Sáng 4/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7. Sau phát biểu mở đầu phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực tài nguyên – môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn.
Chất vấn theo cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn tiếp tục tiến hành theo cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”. Theo đó, người trả lời chất vấn có thời gian không quá 5 phút phát biểu về vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn; mỗi lượt sẽ có 3 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; tranh luận không quá 2 phút; thời gian trả lời không quá 3 phút cho mỗi câu hỏi. Các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành liên quan sẽ tham gia giải trình theo sự điều hành của Chủ tọa phiên họp để làm rõ hơn những vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ tin tưởng, với trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm thực tiễn công tác, trình độ chuyên môn sâu và tình hình thực tế ở các địa phương, cơ sở, cùng với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, có nhiều thông tin phản ánh thực trạng tình hình, có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tế; tiếp tục đưa hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn quan trọng của kỳ họp, đáp ứng sự mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước và yêu cầu của các vị đại biểu Quốc hội.
Sử dụng cát biển để san lấp có “đánh cược với môi trường”?
Trong nhóm chất vấn đầu tiên, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP Hồ Chí Minh) chất vấn Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh về phương án dùng cát biển để thay thế cát sông để làm các dự án san lấp. “Việc thay thế khi mà chưa có nghiên cứu, thử nghiệm thì triển khai đại trà sẽ đánh cược với môi trường. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trước mắt và lâu dài để có đủ nguyên vật liệu cho các dự án nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đảm bảo được an ninh nguồn nước?” – đại biểu nêu câu hỏi. Cùng quan điểm lo lắng về ảnh hưởng môi trường khi sử dụng cát biển để làm các công trình, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) chất vấn, đồng thời tranh luận với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khi chưa được trả lời cụ thể.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc sử dụng vật liệu cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đường cao tốc rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành liên quan nghiên cứu sử dụng cát biển. Hiện nay, dự án thí điểm của Bộ Giao thông vận tải trong tiến hành san lấp và xây dựng đường giao thông. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng khu vực để lấy cát biển. “Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành đánh giá trữ lượng khu vực Sóc Trăng, với trữ lượng có thể lấy ngay là 145 triệu mét khối. Trữ lượng rất lớn và hiện nay cát biển đã được sử dụng san lấp và sử dụng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và các dự án ven biển” – Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu.
Về lo ngại của đại biểu về nguy cơ nhiễm mặn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định cần đánh giá tác động môi trường, tốt nhất sử dụng ở khu vực đã nhiễm mặn. Tùy theo công trình, dự án sẽ được đánh giá tác động, với nguyên tắc không được để ảnh hưởng đến nước mặt. Bộ Xây dựng sẽ có quy trình cụ thể về từng công trình xây dựng.
Làm thế nào để hồi sinh các “dòng sống chết”?
Vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là quản lý nguồn phát thải, xả thải từ các khu công nghiệp, làng nghề ra các dòng sông làm ô nhiễm, thậm chí biến sông thành “dòng sông chết” được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc hồi sinh các dòng sông chết do ô nhiễm trầm trọng trong thời gian tới. Cùng câu hỏi, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) đề nghị giải pháp căn cơ để quản lý tốt các nguồn phát thải, xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) chất vấn về giải pháp xử lý ô nhiễm sông Đáy, sông Nhuệ. Tranh luận liên quan đến các “dòng sông chết”, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cho biết, theo trả lời của Bộ trưởng, các dòng sông bị ô nhiễm đi qua nhiều tỉnh và có mức độ xả thải lớn. Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ trong việc tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường khi để xảy ra trình trạng xả thải, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.
Về trả lời của Bộ trưởng để xử lý các “dòng sông chết” cần thời gian và nguồn lực, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị Bộ trưởng làm rõ cần thời gian bao lâu và việc xây dựng, triển khai đề án về nguồn lực để xử lý tổng thể tình trạng ô nhiễm các dòng sông hiện nay?
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga về phục hồi các “dòng sông chết”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, các sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu.. đang ô nhiễm nặng. Thời gian qua, các địa phương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực nhưng chưa cải tạo được bao nhiêu vì các khu công nghiệp và làng nghề xả thải ra các dòng sông này cũng như chưa đủ nguồn lực để xử lý (gồm nguồn lực để đầu tư cho hệ thống thu gom, hệ thống xử lý).
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu thực tế, các đô thị lớn như Hà Nội mỗi ngày xả thải rất lớn vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; 65% nước xả vào sông Nhuệ - sông Đáy là nước thải sinh hoạt, chưa được xử lý. Hà Nội hiện đang quy hoạch, xây dựng một số nhà máy xử lý nước thải lớn ở các huyện như Gia Lâm, Long Biên... Từ việc này, Bộ trưởng cho rằng các địa phương cần chung tay đầu tư các hệ thống thu gom, xử lý nước thải đồng bộ, trước khi thải ra các dòng sông. Bên cạnh đó, cần tạo dòng chảy tự nhiên cho các dòng sông để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhấn mạnh nguồn lực để hồi sinh các dòng sông "chết" là rất lớn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị ở giai đoạn tới, cấp có thẩm quyền cần ưu, quan tâm đến nhiệm vụ này để bố trí nguồn lực phù hợp, khi Luật Tài nguyên nước sửa đổi có hiệu lực từ 1/7, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ đề xuất với Thủ tướng thành lập Ủy ban Quản lý lưu vực sông để gắn trách nhiệm chung của các tỉnh, các bộ ngành. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị trong giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ cần quan tâm đầu tư công để xử lý các dòng sông ô nhiễm này.
Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thi, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, đúng như thực trạng đại biểu phản ánh, vấn đề xử lý nước thải còn hạn chế, đặc biệt là nước thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, nước thải cụm công nghiệp làng nghề. Xử lý vấn đề này cần có những giải pháp tổng thế: nguồn lực, lộ trình thời gian, đầu tư hạ tầng, và sự quan tâm của các địa phương, bộ ngành…Về thể chế chính sách, cần có sự hợp tác công tư để đảm bảo nguồn xã hội hóa; ban hành đơn giá dịch vụ hợp lý để các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà máy xử lý nước thải; tăng cường công tác quan trắc giám sát…; đồng thời cho biết, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khánh thành Trung tâm tổng hợp xử lý dữ liệu và quan trắc kết nối với tất cả các địa phương và các vùng nguồn xả thải lớn; từng bước cập nhập và kiểm tra xử lý vấn đề này; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, đặc biệt các trường hợp cố tình xả thải ra môi trường không đạt yêu cầu...
Về câu hỏi của đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ đã tăng cường quan trắc, phân tích môi trường, có các điểm quan trắc tự động, định kỳ gồm 5 điểm quan trắc tự động, 42 điểm quan trắc kỳ môi trường nước mặt. Ngoài ra, địa điểm xả thải có lưu vực lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thiết lập quan trắc thường xuyên và liên tục, kết nối dữ liệu online. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá sức chịu tải của các dòng sông, với quan điểm sẽ trao đổi với các địa phương có giải pháp xử lý phù hợp...