Hỗ trợ kịp thời giáo dục mầm non ngoài công lập, tránh nguy cơ đứt gãy sau đại dịch

Chủ Nhật, 01/05/2022, 08:47

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Theo Quyết định này, sẽ có hơn 3.200 trường mầm non, tiểu học và hơn 12.000 cơ sở giáo dục mầm non độc lập được thụ hưởng chính sách với thời gian vay vốn là 36 tháng.

Đây được xem là giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập có thể vực dậy sau đại dịch. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa Thứ trưởng, xin bà cho biết, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 có ý nghĩa thế nào đối với hệ thống các trường học bị tổn thương sau dịch?

thu truong ngo thi minh.png -0
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh: Trong 2 năm dịch bệnh COVID-19 vừa qua, ngành Giáo dục chịu nhiều ảnh hưởng, thiệt hại, trong đó nặng nề nhất phải kể đến các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Nhiều cơ sở phải ngừng hoạt động trong thời gian dài, cơ sở vật chất bị xuống cấp, đồ dùng, đồ chơi bị hư hỏng, nhưng không có kinh phí để tu sửa, mua sắm đồ dùng, đồ chơi, không đủ nguồn lực và điều kiện để tiếp tục vận hành, duy trì hoạt động. Giáo dục mầm non ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ đứt gãy, nhiều trẻ em mầm non có nguy cơ không được đến trường vì sự đứt gãy này.

Để tháo gỡ khó khăn của các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói tín dụng ưu đãi 1.400 tỷ đồng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất một tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch phục hồi hoạt động dạy và học sau đại dịch COVID-19.

Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng được ban hành rất kịp thời và hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, giúp các cơ sở khôi phục hoạt động, thích ứng với tình hình dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay - khi các cơ sở giáo dục mầm non trên toàn quốc đã tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trực tiếp, góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non.

Theo Quyết định này, sẽ có hơn 3.200 trường mầm non, tiểu học và hơn 12.000 cơ sở giáo dục mầm non độc lập được thụ hưởng chính sách với thời gian vay vốn là 36 tháng. Mức lãi suất là 3,3%/năm (tương đương với 0,27%/tháng) là mức lãi suất ưu đãi cao nhất đối với các tổ chức đang vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

PV: Sau khi Quyết định được ban hành, Bộ GD&ĐT sẽ bắt tay vào triển khai như thế nào? Hiện nay, nhiều cơ sở đang mong chờ để có được các thủ tục nhanh chóng, thuận lợi, thưa bà?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh: Gói 1.400 tỷ sẽ được triển khai cho vay tới các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, gồm nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục; nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục; trường tiểu học tư thục theo quy định của pháp luật. Mức vốn cho vay tối đa 80 triệu đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng đối với trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục.

Về thủ tục vay vốn, với mức vay dưới 100 triệu, không cần tài sản đảm bảo. Với mức vay từ 100 đến 200 triệu thì cần tài sản đảm bảo, Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn cụ thể về tài sản đảm bảo  này. Thủ tục vay vốn đơn giản, UBND cấp xã xác nhận. Khi nhận được hồ sơ từ 5-7 ngày sẽ được giải quyết cho vay vốn. Nguồn vốn vay dùng để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19; mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động.

de897dda-447d-47d6-a20b-4e4468b92b8f.jpeg -0
Nhiều địa phương hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt giáo viên mầm non tư thục khi trường học mở cửa trở lại. (Ảnh minh hoạ)

PV: Một số cơ sở giáo dục cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là khâu thủ tục hành chính, giấy tờ để các trường vay vốn. Bộ GD&ĐT có kiến nghị gì với các bên liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà trường, thưa bà?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh: Trong quá trình tham mưu xây dựng Quyết định này, Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội để hướng dẫn trình tự, thủ tục theo hướng giảm thiểu tối đa về thủ tục hành chính để các cơ sở giáo dục thuận lợi khi tiếp cận với chính sách. Ngay tại Quyết định cũng đã có những mẫu biểu rất cụ thể để các cơ sở giáo dục kê khai, thực hiện.

Để xác định đủ điều kiện vay vốn các cơ sở giáo dục chỉ cần đến UBND cấp xã (nơi cơ sở giáo dục đăng ký thành lập) để xác nhận thời gian ngừng hoạt động theo yêu cầu phòng, chống dịch. Trong thời hạn 5 ngày đến 10 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ của cơ sở giáo dục, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phê duyệt cho vay. Đối với mức vay đến 100 triệu đồng, các cơ sở giáo dục không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Đối với số tiền vay trên 100 triệu đồng, sẽ thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Để chính sách hỗ trợ đến với cơ sở giáo dục kịp thời, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND cấp xã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở giáo dục trong quá trình xác nhận điều kiện vay vốn theo quy định tại Quyết định. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn hồ sơ, quy trình và thủ tục cho vay đối với các đối tượng vay vốn theo quy định, đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện Quyết định này.

PV: Thưa bà, thực tế cho thấy, không chỉ các cơ sở giáo dục mà giáo viên mầm non tư thục cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Do việc đóng cửa trường học kéo dài, nhiều giáo viên không trụ được với nghề đã phải chuyển sang làm công việc khác. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT có chính sách, cách thức nào để hỗ trợ, động viên nhóm đối tượng này?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh: Dịch bệnh COVID-19 trong hơn 2 năm qua đã gây ảnh hưởng rất nặng nề tới ngành Giáo dục. Theo thống kê có khoảng 103.896  giáo viên thuộc cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, riêng bậc mầm non là 101.845 giáo viên. Cùng với chính sách về nguồn vốn vay ưu đãi để hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, Bộ GD&ĐT cũng đang phối hợp cùng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thêm chính sách hỗ trợ cho giáo viên đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Mức dự kiến tham mưu là hỗ trợ 3,7 triệu đồng/giáo viên.

Tôi rất thấu hiểu, sẻ chia với các giáo viên mầm non nói chung và giáo viên mầm non ngoài công lập nói riêng, các cô đều rất yêu nghề nhưng do dịch bệnh, trường học đóng cửa phải tìm kế sinh nhai khác. Tôi mong rằng, khi trường học mở cửa, các cô sẽ sắp xếp để quay trở lại trường học, khó khăn chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua. Những nỗ lực tham mưu của Bộ GD&ĐT, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ dù không  phải có thể giúp các nhà trường, giáo viên khắc phục ngay khó khăn song đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Mong rằng sự quan tâm này sẽ là nguồn động lực cho các nhà trường và các giáo viên vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng! 

Huyền Thanh (ghi)
.
.
.