Hành vi cản trở hoạt động tố tụng sẽ bị xử phạt mức nào?

Thứ Hai, 15/08/2022, 11:54

Sáng 15/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Xử phạt nếu cản trở thủ tục bắt giữ tàu bay, tàu biển

Trình bày Tờ trình về dự thảo pháp lệnh, Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, thực tiễn xử phạt VPHC trong hoạt động tố tụng cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.

Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Hành vi cản trở hoạt động tố tụng sẽ bị lực lượng CAND xử phạt mức nào? -0
Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ trình bày báo cáo tại phiên họp.

Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật là cần thiết.

Dự thảo pháp lệnh gồm 4 chương, 45 điều, trong đó, về phạm vi điều chỉnh, ngoài điều chỉnh hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính thì pháp lệnh còn điều chỉnh đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong quá trình Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND; đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; thực hiện thủ tục bắt giữ tàu bay, bắt giữ tàu biển; đồng thời dự thảo pháp lệnh không điều chỉnh đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong quá trình Tòa án giải quyết phá sản.

Lực lượng CAND xử phạt giai đoạn giải quyết nguồn tin, khởi tố, điều tra, truy tố

Về phân định thẩm quyền xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, dự thảo pháp lệnh quy định: Người có thẩm quyền xử phạt trong CAND có thẩm quyền xử phạt đối với: Hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra của cơ quan, người có thẩm quyền trong CAND, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), Cơ quan điều tra của VKSND tối cao; hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của cơ quan, người có thẩm quyền trong VKSND.

Hành vi cản trở hoạt động tố tụng sẽ bị lực lượng CAND xử phạt mức nào? -0
Toàn cảnh phiên họp.

Người có thẩm quyền xử phạt trong TAND có thẩm quyền xử phạt đối với: Hành vi cản trở hoạt động tố tụng kể từ thời điểm TAND nhận, thụ lý vụ án, vụ việc.

Người có thẩm quyền xử phạt trong Tòa án quân sự có thẩm quyền xử phạt đối với: Hành vi cản trở hoạt động tố tụng kể từ thời điểm Tòa án quân sự nhận, thụ lý vụ án, vụ việc; hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra của cơ quan, người có thẩm quyền trong Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương, Cơ quan điều tra trong QĐND và các cơ quan trong QĐND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, trừ Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển; hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của cơ quan, người có thẩm quyền trong Viện kiểm sát quân sự.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới bày tỏ băn khoăn về thẩm quyền xử phạt của lực lượng CAND, Pháp lệnh quy định chỉ xử phạt trong giai đoạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm và điều tra, truy tố, còn khi hồ sơ gửi qua Tòa thì không có quyền xử phạt. "Trên thực tế có những vấn đề xảy ra, khi hồ sơ chuyển qua Tòa rồi thì hành vi cản trở vẫn diễn ra, không chỉ trong phiên tòa mà ở ngoài phiên tòa, mọi lúc, mọi nơi, đôi khi chỉ một cuộc điện thoại mà từ đầu đất nước gọi tác động tới cuối đất nước để can thiệp, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu", Chủ nhiệm UBQPAN nêu thực tế.

Hành vi cản trở hoạt động tố tụng sẽ bị lực lượng CAND xử phạt mức nào? -0
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Giải trình vấn đề này, Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Thị Thủy cho biết, pháp lệnh đang đi theo hướng rành mạch thẩm quyền theo từng giai đoạn tố tụng. Theo bà, nếu ở giai đoạn xét xử thì hành vi cản trở hoạt động thu thập, xác minh, chứng cứ của cơ quan Công an là không còn, tuy nhiên còn hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người tiến hành tố tụng thì dự thảo pháp lệnh sẽ thiết kế theo hướng quy định Thẩm phán Tòa án sẽ có trách nhiệm lập hồ sơ và xử phạt ngay tại phiên tòa.

"Đưa tin sai lệch, ảnh hưởng bản chất vụ án phải phạt nặng hơn"

Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cũng băn khoăn, thi hành án cũng là một hoạt động của giai đoạn tố tụng, nếu như bị cản trở thì liệu có còn trong phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh này nữa hay không, chưa thấy dự thảo pháp lệnh này đặt ra. Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, công tác thi hành án những năm gần đây có nhiều thuận lợi nhưng vẫn còn vướng mắc, khó khăn. "Sắp đến ngày cưỡng chế giải phóng mặt bằng thì lại có văn bản của cơ quan nọ, cơ quan kia đề nghị dừng lại để xem xét, tức là can thiệp trực tiếp về văn bản luôn, chứ chưa nói can thiệp giấu mặt. Vậy giai đoạn thi hành án có nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh hay không?", Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ.

Hành vi cản trở hoạt động tố tụng sẽ bị lực lượng CAND xử phạt mức nào? -0
Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới thảo luận tại phiên họp.

Giải đáp ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và Chủ nhiệm UBQPAN, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, trong Luật Xử lý VPHC đã quy định phần thi hành án dân sự giao cho Chính phủ tại 2 nghị định: Điều 64, Nghị định số 82 của xử phạt VPHC trong lĩnh vực thi hành án dân sự; Điều 27 Nghị định 71 của Chính phủ xử phạt VPHC trong lĩnh vực thi hành án hành chính.

Trường hợp chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra, Điều 65 Luật Xử lý VPHC đã quy định thời hạn 7 ngày. Nếu có dấu hiệu thì chuyển cơ quan Công an khởi tố hình sự, không có dấu hiệu thì trả lại cho cơ quan hành chính để xử lý VPHC. Trường hợp các cơ quan không làm tròn trách nhiệm thì bị xử lý theo quy định cán bộ công chức vi phạm công vụ, hoặc thậm chí bị khởi tố.

Hành vi cản trở hoạt động tố tụng sẽ bị lực lượng CAND xử phạt mức nào? -0
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp.

Về ý kiến băn khoăn, tại sao hành vi cản trở trong lĩnh vực tư pháp lại xử phạt nặng hơn so với cùng một hành vi thông thường, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình lấy ví dụ, nếu đánh người gây thương tích bên ngoài là xử phạt bình thường, còn cán bộ Công an, Kiểm sát mà đánh người là quá nặng nên buộc phải xử nặng. Hay làm sai lệch hồ sơ vụ án, giấy tờ giả bên ngoài xử phạt khác, cán bộ Công an, Kiểm sát làm sai thì xử nặng hơn nhiều.

"Anh đưa tin sai lệch trên báo hay gây rối, hút thuốc tại tòa phạt bình thường, nhưng đưa tin sai lệch làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án thì phải nặng hơn. Còn phạt quá nặng hay không thì pháp lệnh thiết kế đều nằm trong khung cả, và không vượt qua thẩm quyền luật giao", Chánh án TAND tối cao thông tin.

Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp Cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh pháp lệnh, trình UBTVQH thông qua và ban hành vào ngày 18/8 sắp tới.

Nhà báo, Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý có thể bị phạt tiền đến 40 triệu đồng

Điều 22 dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định hành vi đưa tin sai sự thật, theo đó phạt tiền từ 1-7 triệu đồng đối với hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án; phạt tiền từ 7-15 triệu đồng đối với hành vi đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của Tòa án.

Phạt tiền từ 15-30 triệu đồng đối với Nhà báo, Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án; phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với Nhà báo, Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của Tòa án.

Cùng với đó là các hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc xin lỗi công khai; buộc thu hồi thông tin sai sự thật; buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi.

Cùng với đó, khoản 5 Điều 23 quy định, Nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng có thể bị phạt từ 15-30 triệu đồng; bị tịch thu tang vật, phương tiện, buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh và số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi trên.

Thẩm quyền xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của CAND

Điều 26 dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định thẩm quyền xử phạt của CAND:

- Đội trưởng của chiến sĩ CAND đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 1,2 triệu đồng.

- Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 2 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC.

- Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục CSGT; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CSPCCC&CNCH); Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Trưởng phòng CSGT, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng CSGT đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh đối ngoại có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 8 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

- Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 20 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

- Cục trưởng các cục: Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Cục trưởng Cục CSGT, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 40 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Quỳnh Vinh
.
.
.