Giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, cấp bằng, giấy phép lái xe cho Bộ Công an là phù hợp

Thứ Bảy, 19/02/2022, 08:39

Đó là nhận định của GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và GS.TS Nguyễn Minh Đức, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh khi bàn đến vấn đề đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Bảo đảm chính xác, khách quan, thống nhất

Theo thống kê, từ năm 2009 đến tháng 12/2021, toàn quốc đã xảy ra 361.636 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm chết 113.897 người, bị thương 356.149 người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Đáng chú ý, nguyên nhân do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông chiếm gần 90% tổng số nguyên nhân các vụ TNGT, trong đó có nguyên nhân thiếu kỹ năng cơ bản phải được đào tạo để xử lý tình huống; có trên 50% các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải, trong đó nhiều vụ TNGT thảm khốc làm chết, bị thương nhiều người, nguyên nhân do lái xe ngủ gật, sử dụng chất ma tuý, rượu bia… Cùng đó, các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến hết sức phức tạp, đã phát hiện  xử lý gần 40.000 vụ vi phạm pháp luật hình sự trên tuyến giao thông.

Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều nhưng theo phân tích của GS.TS Trần Ngọc Đường, chủ yếu liên quan tới người điều khiển phương tiện giao thông và tham gia giao thông, trong đó có liên quan tới hoạt động đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cơ giới đường bộ. GS.TS Trần Ngọc Đường cũng chỉ rõ 3 vấn đề nảy sinh bất cập từ thực tiễn về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hiện nay là quản lý nhà nước đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chưa tập trung, thống nhất và bị chia cắt; Quản lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là hai đối tượng quản lý có quan hệ chặt chẽ với nhau không tách rời nhau nhưng lại bị chia cắt, tách rời nhau để giao cho nhiều cơ quan quản lý.

Vấn đề bất cập cuối cùng là việc quản lý người điều khiển phương tiện giao thông thực chất là nhằm bảo vệ các quyền con người, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, TTATXH diễn ra trong môi trường giao thông nhưng lại không được giao trách nhiệm chính cho Bộ quản lý chuyên ngành về bảo vệ TTATXH đảm nhiệm.

Để đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ, đáp ứng yêu cầu chính trị, pháp luật và thực tiễn, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, cấp bằng, GPLX cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ GTVT đang thực hiện nên giao cho Bộ Công an là phù hợp. Bởi vì, hiện nay Bộ Công an đang được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia. Trong đó công tác bảo đảm trật tự an ninh, an toàn giao thông qua chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, cấp bằng GPLX.

Ngoài ra, hiện cơ sở dữ liệu về GPLX được kết nối với cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính, TNGT, đăng ký phương tiện là cơ sở để quản lý người lái xe, áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm chính xác, khách quan, thống nhất, không bỏ lọt người vi phạm và xem xét tình tiết tăng nặng đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm trên toàn quốc…

4-0.jpg -0
Việc chuyển nội dung quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX về Bộ Công an là đúng với yêu cầu thực tế.

Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự

Đồng quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Minh Đức, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra những luận điểm chặt chẽ cho rằng, việc chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an là nhằm đáp ứng yêu cầu thống nhất quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, hạn chế tiêu cực trong quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Theo GS.TS Ngyễn Minh Đức, xem xét về tính lịch sử, từ năm 1995 trở về trước, nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX được giao cho ngành Công an chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, do sự chuyển biến về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, Đảng ta có chủ trương chuyển bớt một số nội dung quản lý nhà nước từ lực lượng vũ trang, trong đó có Bộ Công an sang các cơ quan quản lý dân sự, nên từ tháng 8/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1995 cụ thể hoá quan điểm của Đảng giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm quản lý công tác này.

Việc chuyển giao khi đó được thực hiện dựa vào quan điểm Bộ Công an tập trung vào bảo vệ an ninh chính trị, TTATXH, phòng, chống tội phạm, việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX là quản lý hành chính  nhà nước thông thường nên không cần thiết giao cơ quan Công an thực hiện.

Từ khi được giao thực hiện nhiệm vụ này, Bộ GTVT đã tiến hành cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, xã hội hoá nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe. Tuy nhiên, hoạt động đánh giá, cấp GPLX, quản lý sau cấp chỉ đơn thuần là hành chính, chưa gắn với việc giám sát, đánh giá ý thức chấp hành giao thông của người được cấp GPLX do Bộ GTVT không có chức năng quản lý nhà nước về ANTT. Trong khi đó, do sự phát triển quá nóng về lĩnh vực giao thông đường bộ; tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT vẫn là một vấn đề xã hội nhức nhối…

Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập quốc tế, việc tạo điều kiện mở cửa đường biên giới phục vụ giao thương, đi lại làm việc giữa các quốc gia trong khối ASEAN, việc quản lý con người, phương tiện đi lại phải đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh, phòng, chống các đối tượng từ nước ngoài lợi dụng chính sách quản lý cởi mở, và các sơ hở trong công tác quản lý để làm giả giấy tờ, lợi dụng để phá hoại an ninh quốc gia, hoạt động khủng bố. Yêu cầu đó đòi hỏi các hoạt động quản lý hiện tại luôn phải gắn với nhiệm vụ bảo đảm ANTT, trong đó lực lượng Công an là lực lượng có chức năng chính trong việc này.

Từ những vấn đề nêu trên, GS.TS Nguyễn Minh Đức đánh giá, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh, trật tự thời gian tới là hết sức nặng nề. Rõ ràng, nhiều nội dung có liên quan đến ANTT mà hiện nay đang giao cho một số bộ, ngành quản lý cần được tính toán ưu tiêu chuyển giao về một đầu mối chịu trách nhiệm  chính là Bộ Công an. "Xuất phát từ vấn đề trên, đề nghị chuyển nội dung quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX về Bộ Công an quy định trong dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông là cơ bản có căn cứ đúng với yêu cầu thực tế bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm TTATXH hiện nay", đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh một lần nữa.

Đ.Nhật
.
.
.