Giải đáp về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
Diễn đàn hỏi, đáp trực tuyến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở được tổ chức với mục đích tiếp nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của quần chúng Nhân dân; phát huy dân chủ, sức mạnh của Nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đảm bảo ANTT; đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan chức năng của Bộ Công an với Nhân dân.
Sáng 22/4, Bộ Công an tổ chức Diễn đàn hỏi đáp trực tuyến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.
Diễn đàn thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, để hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội trong năm 2022.
Tham gia diễn đàn, trực tiếp giải đáp, trao đổi với độc giả có Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), đại diện Ban soạn thảo Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Nhiều điểm mới
Đại tá Đỗ Khắc Hưởng đã làm rõ mục đích, sự cần thiết của việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đồng thời chỉ rõ những điểm mới của dự án Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện so với dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Theo đó, dự thảo Luật lần này đã xác định cụ thể, rõ ràng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở so với các lực lượng khác ở địa bàn cơ sở. Đồng thời, quy định chi tiết, toàn diện về tuyển chọn, sử dụng, thành lập, công nhận các chức danh của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Dự thảo Luật đã bổ sung để quy định rõ ràng, đánh giá đầy đủ về tính tự nguyện, tự quản của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Bổ sung và quy định bao quát về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với các cơ quan, tổ chức, lực lượng khác ở địa bàn cơ sở; Điều chỉnh quy định về sắp xếp, kiện toàn thống nhất và bố trí lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đó là: Dự thảo Luật chỉ kiện toàn thống nhất đối với lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng (không phải toàn bộ lực lượng dân phòng như dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV) để thống nhất thành một lực lượng chung.
Bổ sung thông tin, số liệu đầy đủ làm cơ sở để đánh giá chi tiết tác động chính sách của dự án Luật, nhất là đánh giá tác động về chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và chỉnh lý, hoàn thiện nội dung quy định trong dự thảo Luật bảo đảm không làm tăng chi ngân sách Nhà nước. Dự thảo Luật đã hoàn thiện các nội dung có liên quan đến bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Nhiều tác động tích cực
Đại tá Đỗ Khắc Hưởng đã làm rõ vị trí, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách) trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở.
Đồng thời, làm rõ Dự thảo Luật chỉ thực hiện sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động hiện nay và đang được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dân phố để thống nhất thành một lực lượng với tên gọi chung mà không phải là thành lập lực lượng mới, không phải hình thành nên tổ chức bộ máy mới.
Với việc điều chỉnh theo hướng này sẽ không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động và không làm tăng chi ngân sách Nhà nước; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT ở cơ sở và kiện toàn, tinh gọn lực lượng, tổ chức bộ máy theo chủ trương chung hiện nay.
Trao đổi về vấn đề Dự thảo Luật điều chỉnh với những đối tượng nào? Đại tá Trần Quốc Toàn. Trưởng phòng, Phòng Pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cho biết, Dự án Luật điều chỉnh đối với các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động trên phạm vi toàn quốc, có lịch sử được thành lập và tồn tại từ rất lâu và hiện nay đang được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Các lực lượng, chức danh này có mối quan hệ chặt chẽ về cơ cấu, tổ chức bộ máy, đều do UBND cấp xã thành lập, bổ nhiệm, được Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động và trong thực tế đã và đang phát huy vai trò tích cực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá và có đủ cơ sở để quy định trong Luật...
Lý giải nguyên nhân tại sao phải tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách và quy định trong dự thảo Luật để tiếp tục tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong khi ngành Công an đã đưa Công an chính quy về xã, Thiếu tá Lê Văn Mai, Phó Trưởng phòng, Phòng Pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cho biết: Việc quy định tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách và kiện toàn thống nhất với lực lượng bảo vệ dân phố, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng thống nhất vừa để giải quyết chế độ, chính sách và tận dụng được năng lực, trình độ chuyên môn của lực lượng Công an xã bán chuyên trách đã được đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện và đang hoạt động có hiệu quả trong công tác bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở, tránh gây lãng phí nguồn lực xã hội, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với lực lượng đã cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vừa không tạo gánh nặng, áp lực cho Nhà nước trong việc sắp xếp, bố trí lại công việc cho những người trước đây đã từng đảm nhiệm các chức danh Công an xã bán chuyên trách cũng như khắc phục, giải quyết khó khăn về biên chế hiện nay của lực lượng Công an chính quy để bố trí thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn cấp xã.
Mặt khác, địa bàn xã rất rộng, nhiều địa bàn là nơi tập trung các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà hàng, khách sạn hoặc là xã trọng điểm, phức tạp về ANTT, xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, chia cắt, đi lại khó khăn… không thể bố trí đủ lực lượng Công an xã chính quy trên toàn bộ địa bàn mà vẫn phải huy động, sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT để giúp lực lượng Công an chính quy chủ động, kịp thời phát hiện, giải quyết ngay tại chỗ các vụ, việc, mâu thuẫn xã hội, không để bị động, bất ngờ.
Theo đó, tại địa bàn cấp xã, lực lượng Công an cấp xã giữ vai trò là nòng cốt, chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại địa bàn, còn lực lượng tham gia bảo ANTT ở cơ sở (trong đó có lực lượng Công an xã bán chuyên trách) có trách nhiệm hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ ANTT theo sự chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý của Công an cấp xã.
Đánh giá về tác động tích cực khi sắp xếp, kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng thống nhất, Đại tá Đỗ Khắc Hưởng nêu rõ, việc này sẽ góp phần: Bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn; kiện toàn, tinh gọn đầu mối, chức danh theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện cho hoạt động của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được tốt hơn, thực chất hơn; cắt bỏ được các khoản chi hỗ trợ cho nhiều lực lượng hiện nay đang tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở địa bàn cơ sở; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.
Về tác động tích cực khi kiện toàn thống nhất chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ ANTT thuộc lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng theo quy định của Luật PC&CC, Đại tá Đỗ Khắc Hưởng cho biết: Việc điều chỉnh theo hướng nêu trên sẽ góp phần: Kiện toàn, tinh gọn đầu mối, giảm chi hỗ trợ cho các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật PC&CC và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Bảo đảm tính linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở; cụ thể, khi có tình huống ANTT xảy ra thì tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ ANTT sẽ điều hành, chỉ đạo hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ. Khi có tình huống cháy, nổ xảy ra thì tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ ANTT đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng sẽ điều hành, chỉ đạo hoạt động của lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ (CNCH). Bên cạnh đó, bảo đảm tốt hơn nữa về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; cụ thể là khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; khi thực hiện nhiệm vụ PCCC, CNCH được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về PCCC, CNCH.
Không trùng lặp nhiệm vụ
Đại tá Đỗ Khắc Hưởng nhấn mạnh, Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực, thể hiện rõ tính chất là “lực lượng tham gia hỗ trợ”, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở. Theo đó, lực lượng này được giao thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, bao gồm: Thu thập, tổng hợp tình hình ANTT trên địa bàn phụ trách; tuyên truyền pháp luật về bảo đảm ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tham gia xây dựng lực lượng dân phòng, thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, PCCC, CNCH; hỗ trợ thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội; tham gia vận động, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng; tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và thực hiện các nhiệm vụ khác về bảo vệ ANTT. Lực lượng này do chính quyền địa phương quản lý về tổ chức, hoạt động và lực lượng Công an chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ bảo vệ ANTT.
Chính sách và độ tuổi tham gia
Đại tá Đỗ Khắc Hưởng cho biết, Dự thảo Luật trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật hiện hành đã bổ sung, điều chỉnh bao quát về chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Theo đó, lực lượng này được hưởng các chế độ, chính sách như: Được hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh quyết định; được bồi dưỡng, hỗ trợ khi được cử đi tập trung bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ; được bố trí địa điểm, nơi làm việc; được trang bị hồ sơ, sổ sách, phương tiện, thiết bị cần thiết; được bảo đảm trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận để thực hiện nhiệm vụ; được giải quyết chế độ khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh.
Dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được hưởng hỗ trợ hằng tháng theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định. Pháp luật PC&CC quy định các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng được hưởng hỗ trợ hằng tháng và cũng do HĐND cấp tỉnh quyết định. Căn cứ các quy định này thì chế độ hỗ trợ hằng tháng cho chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng, tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở do HĐND cấp tỉnh quyết định. Theo đó, HĐND cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định việc chi trả mức hỗ trợ cao nhất hay hưởng mức hỗ trợ theo quy định của cả Luật này và của cả pháp luật về PC&CC đối với chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ ANTT đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Đáng chú ý, Dự thảo Luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính, có đủ các tiêu chuẩn về sức khỏe, lý lịch, trình độ văn hóa, tự nguyện có đơn đề nghị tham gia thì được xem xét, tuyển chọn vào lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Việc tuyển chọn bảo đảm bình đẳng, công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Người tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được giao thực hiện các nhiệm vụ mang tính chất hỗ trợ Công an cấp xã trong bảo vệ ANTT ở cơ sở và được Nhà nước bảo đảm chế độ, chính sách như tiền hỗ trợ hằng tháng, được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, được giải quyết chế độ khi bị ốm đau, tai nạn, bị thương, hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ; được bảo đảm các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ.
BOX:
Hiện nay toàn quốc có 103.568 thôn, tổ dân phố; có 72.362 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, 89.045 Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở, 19.390 Công an xã bán chuyên trách có nguyện vọng giải quyết chế độ, chính sách và 128.664 đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Theo đó, tiếp tục sử dụng, kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh này để bố trí ở địa bàn thôn, tổ dân phố theo mô hình tổ bảo vệ ANTT, bao gồm các chức danh tổ trưởng, tổ phó và tổ viên tổ bảo vệ ANTT thì dự kiến tổng số người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là khoảng 300.0000 người.