Điều chỉnh quy định quảng cáo trên báo chí, xử lý nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật

Thứ Hai, 09/10/2023, 19:00

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông lập “danh sách đen” các nghệ sĩ quảng cáo không trung thực và xây dựng quy trình xử lý nghiêm khắc, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Cơ quan soạn thảo Luật Quảng cáo sửa đổi sẽ có nhiều quy định điều chỉnh theo hướng tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan báo chí trong hoạt động quảng cáo.

Đây là khẳng định của đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi trả lời câu hỏi của phóng viên Báo CAND về các nội dung trên tại buổi họp báo thường kỳ quý III, vào chiều 9/10, tại Hà Nội.

Tăng diện tích và thời lượng quảng cáo trên báo chí

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở cho biết, trong  những năm qua, việc quản lý hoạt động quảng cáo nói chung, xử lý quảng cáo trên môi trường mạng nói riêng luôn được lãnh đạo các cơ quan chuyên môn hết sức quan tâm và có sự phối hợp chặt chẽ. Tháng 9/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chính thức giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ Luật Quảng cáo sửa đổi. Theo bà Hương, dự thảo Luật bao gồm 3 chính sách quan trọng. Trong đó chính sách thứ 3 có liên quan rất nhiều đến các cơ quan báo chí, đó là quy định quảng cáo trên báo chí.

Ban soạn thảo xây dựng Luật Quảng cáo sửa đổi theo hướng điều chỉnh, tăng tỷ lệ diện tích quảng cáo cho các cơ quan báo chí. Đối với các báo điện tử, trước đây quy định thời lượng quảng cáo là 1,5 giây. Hiện nay, Ban soạn thảo sẽ xây dựng quy định mới theo hướng tăng thời lượng quảng cáo để khán giả có nhiều thời gian xem hơn, qua đó tăng lượng quảng cáo trên báo chí. Dự kiến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có một buổi tọa đàm với các cơ quan báo chí và các đối tượng liên quan để có thể chia sẻ, trao đổi nhiều hơn trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi.

Điều chỉnh quy định quảng cáo trên báo chí, lập danh sách xử lý nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật -0
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao đổi nhiều vấn đề cụ thể về việc xử lý quảng cáo sai sự thật trên môi trường mạng.

Cũng theo Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi đang được xây dựng theo hướng tăng cường quy định về nội dung và hình thức quảng cáo. 

Trong Điều 9, Luật Quảng cáo hiện hành quy định nội dung quảng cáo phải trung thực, chính xác và được thể hiện trên các hình thức khác nhau sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về mặt nội dung. Có nghĩa là chúng ta có cơ chế, chế tài để kiểm soát về mặt nội dung và hình thức quảng cáo nhằm đảm bảo mỗi quảng cáo đến với người tiêu dùng có tính chính xác theo đúng thông tin sản phẩm giới thiệu.

Bên cạnh đó, chúng ta có quy định về quyền và trách nhiệm của người tham gia quảng cáo. Tuy nhiên, thời gian qua, có rất nhiều quảng cáo trên môi trường mạng chưa đúng với tính năng, chất lượng của các sản phẩm liên quan. Điều này không chỉ xảy ra ở các nghệ sĩ có tên tuổi mà có rất nhiều người có địa chỉ cá nhân, đưa các sản phẩm lên môi trường mạng không được kiểm chứng.

"Cơ quan quản lý lựa chọn sẽ tập trung quản lý và đưa ra những chế tài chặt chẽ hơn với đối với nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng lớn vì họ có tác động, định hướng người tiêu dùng. Nếu họ quảng cáo sai sẽ định hướng cho sự lựa chọn sản phẩm sai. Trong  một số chính sách của dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi cũng đã đưa ra và sẽ quy định rõ quyền và trách nhiệm của người truyền tải sản phẩm quảng cáo và có uy tín. Có nghĩa là chúng ta không chỉ hướng tới các nghệ sĩ mà còn hướng tới những người có uy tín và những người có uy tín đó sẽ được định nghĩa trong dự thảo sắp tới", bà Hương nói.

Lập danh sách các nghệ sĩ quảng cáo không trung thực và xây dựng quy trình xử lý nghệ sĩ vi phạm

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng thông tin, hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông lập danh sách các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo không trung thực và xây dựng quy trình xử lý các trường hợp không tuân thủ  các quy định về quảng cáo.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quy tắc ứng xử đối với người tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có các nội dung vi phạm về quảng cáo không trung thực. Ông Sơn cũng khẳng định, nghệ sĩ có sức ảnh hưởng, tác động lớn đến xã hội nên ngoài xử lý theo quy định pháp luật về quảng cáo, nghệ sĩ vi phạm về quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử lý theo tiêu chí của Bộ Quy tắc ứng xử nói trên.

 Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ lập danh sách và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xử lý nghệ sĩ vi phạm căn cứ trên vi phạm về chuẩn mực đạo đức quy định trong Bộ quy tắc ứng xử. Hai Bộ sẽ thông tin đến các cơ quan liên quan, các cơ quan báo chí, truyền hình nhằm kiểm soát hình ảnh của nghệ sĩ vi pham trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong các hoạt động công tác xã hội và hoạt động quảng cáo.

Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp xây dựng quy trình xử lý nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm hoạt động quảng cáo. Dự thảo quy trình này đang được lấy ý kiến Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ có liên quan. Sau khi hoàn thiện, hai Bộ sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền. Danh sách các nghệ sĩ vi phạm cũng như quy trình xử lý nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm quy định về quảng cáo sẽ được hai Bộ thường xuyên trao đổi, cập nhật và sẽ cung cấp sớm cho các cơ quan báo chí.

“Chúng tôi mong muốn, khi quy trình này được ban hành sẽ cùng với các quy định pháp luật hiện hành về xử lý các vi phạm quảng cáo sẽ tác động lớn đến các nghệ sĩ, từ đó các  nghệ sĩ sẽ có ý thức hơn về hành vi, sứ mệnh của mình khi tham gia hoạt động quảng cáo cũng như cẩn trọng hơn trong các phát ngôn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng xã hội", ông Sơn nhấn mạnh.

Hoa Nguyễn
.
.
.