Đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn là dòng chảy mạnh mẽ

Thứ Năm, 25/04/2024, 14:44

Ngày 25/4, tại TP Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc: “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đến dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo…

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; TS Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Ủy ban Liên Hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đồng chủ trì hội thảo. Dự hội thảo còn có các chuyên gia, nhà nghiên cứu lý luận - phê bình văn học, nghệ thuật, các văn nghệ sĩ cùng đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương.

Ôn lại chặng đường 80 năm phát triển của nền văn học, nghệ thuật cách mạng nước nhà, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, trong lịch sử phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Sự ra đời và phát triển của mảng văn học, nghệ thuật tiêu biểu và xuyên suốt này đã góp phần làm phong phú thêm nền văn học, nghệ thuật của dân tộc. Đây là một chủ đề không chỉ mang tính sử thi hào hùng mà còn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc.

Đề tài văn học - nghệ thuật về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn luôn là dòng chảy mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc -0
Các đại biểu dự hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định, dù đã gần 50 năm chúng ta được sống trong hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển nhưng đề tài này vẫn luôn là dòng chảy mạnh mẽ, thôi thúc các thế hệ văn nghệ sĩ say mê khám phá, sáng tạo. Số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật ra mắt công chúng trong những năm qua và chất lượng, sức lan tỏa các giải thưởng văn học, nghệ thuật cho thấy: đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn là “mảnh đất” thu hút mạnh mẽ sự sáng tạo của văn nghệ sĩ và là khoảng trời nghệ thuật hấp dẫn đối với công chúng.

Dù không còn giữ vị trí chủ đạo như trong giai đoạn 1945 - 1975, nhưng dòng văn học, nghệ thuật về đề tài trên vẫn luôn là dòng chảy quan trọng hàng đầu, có sức định hướng và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn nghệ nước nhà. Điều này góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, nhất là đối với thế hệ trẻ về lịch sử và truyền thống anh hùng của dân tộc, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ những giá trị văn hóa, tinh thần mang đậm bản sắc Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, quá trình phát triển của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thế kỷ 20 đã gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc cùng những cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đó, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã được phản ánh một cách đậm nét và sâu sắc. Hiện thực cách mạng hào hùng của dân tộc, những chiến công to lớn của lực lượng vũ trang, hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng đã trở thành nguồn cảm hướng vô tận cho việc sáng tác văn học, nghệ thuật. Người chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân không những là hiện tượng sáng tạo trong văn học, nghệ thuật mà còn góp phần tạo ra những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị phục vụ cho cách mạng, phục vụ cho nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, trong gần 80 năm qua, nền văn học, nghệ thuật cách mạng nước ta luôn đồng hành với dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng nghìn văn nghệ sĩ các thế hệ đã đi vào thực tiễn cuộc sống, kháng chiến với nhân vật trung tâm là người chiến sĩ cách mạng; đề tài trung tâm là chiến tranh cách mạng đã được văn học, nghệ thuật phản ánh một cách chân thật và sinh động, trở thành biểu tượng của sức mạnh dân tộc và trí tuệ của thời đại.

Chặng đường 80 năm nhìn lại, chúng ta có thể tự hào rằng, nền văn học Việt Nam về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần vào những thắng lợi to lớn của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó góp phần làm phong phú và rạng rỡ nền văn học, nghệ thuật Việt Nam thời đại mới.

Tại hội thảo, gần 130 tham luận của các đại biểu tham dự đã tập trung vào những nội dung như đánh giá thực trạng của văn học, nghệ thuật trong việc phản ánh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong 80 năm qua, nhất là mảng đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Đồng thời, phân tích, đánh giá vai trò của văn học, nghệ thuật cách mạng trong việc phản ánh hiện thực đời sống thời chiến tranh và thời hậu chiến. Đánh giá vai trò của các nhà văn, nghệ sĩ trong việc khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, hình tượng người chiến sĩ CAND qua các thời kỳ cách mạng. Tham luận của các đại biểu cũng đi sâu vào đánh giá quá trình vận động và phát triển tư duy lý luận của Đảng và Nhà nước ta trong chỉ đạo, định hướng, khích lệ dòng văn học, nghệ thuật về đề tài này...

Bảo Sơn
.
.
.