Đề nghị bổ sung nội dung phòng chống COVID -19 trong Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi)

Thứ Ba, 23/11/2021, 13:59

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của cơ quan thẩm tra là chưa quyết định bổ sung ngay dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi)  vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ Năm, sáng  23/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết Điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022; cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ về bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022.

Cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện  

Theo Nghị quyết Điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị: Bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba (tháng 5/2022), thông qua tại Kỳ họp thứ Tư (tháng 10/2022).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công Chính phủ là cơ quan trình; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì thẩm tra; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Cho ý kiến về  đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) như đề nghị của Chính phủ.

Tuy nhiên, để bảo đảm "tuổi thọ" của luật, tính khả thi, đồng bộ, nhất quán với quan điểm, chủ trương của Đảng, định hướng sửa đổi, bổ sung, khắc phục những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, nhất là bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật... 

Tránh việc điều chỉnh Chương trình nhiều lần, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Bộ Tư pháp và các đơn vị có liên quan cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hơn.

Đề nghị bổ sung nội dung phòng chống COVID -19 trong Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, hồ sơ và các Báo cáo của Bộ Y tế chuẩn bị, tổng kết 11 năm thi hành Luật nhưng nội dung chi tiết trong báo cáo mới thể hiện đến năm 2018. Do đó, đề nghị cần làm rõ thêm việc thi hành Luật trong các năm 2019, 2020, 2021.

Đối với đánh giá tác động chính sách của dự án Luật ( gồm 15 nhóm chính sách lớn trong đó có 2 chính sách mới so với hồ sơ trình năm 2020), theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, chưa bảo đảm tính toàn diện về nội dung, lĩnh vực, thời điểm báo cáo, các mô hình thí điểm để tổng kết, đánh giá, nhất là thực tiễn công tác khám, chữa bệnh trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19.

Đề nghị bổ sung nội dung phòng chống COVID -19 trong Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) -0
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thống nhất với đề xuất của cơ quan thẩm tra là chưa quyết định bổ sung ngay dự án Luật này vào Chương trình năm 2022. Đồng thời, đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu ý kiến của cơ quan thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự án luật đúng quy định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 3/2022.

Trên cơ sở đó, cơ quan thẩm tra nếu đủ điều kiện sẽ bổ sung để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba (tháng 5/2022) đồng thời với việc bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật năm 2022. "Tinh thần là phải rất khẩn trương, tập trung để bảo đảm được tiến độ nêu trên, theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV vừa được thông qua", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu.

Đề nghị bổ sung nội dung phòng chống COVID -19 trong Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm đến các chính sách cơ bản mới dự kiến đề xuất trong dự án Luật lần này, cụ thể là tiếp tục rà soát, đánh giá tác động, tính khả thi. Trong đó, cần đặc biệt chú ý bổ sung quy định cải thiện, nâng cấp chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân; giảm sự chênh lệch chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giữa các tuyến, vùng, miền; sớm hình thành các Trung tâm kiểm soát bệnh tật theo khu vực, theo vùng.

Cùng với đó là bổ sung quy định ưu tiên đối với công tác khám, chữa bệnh, vật chất, trang thiết bị y tế; đầu tư nguồn nhân lực, nhất là y tế cơ sở đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua dịch COVID-19 vừa qua thấy rằng khâu yếu là tuyến y tế cơ sở vừa thiếu nhân lực vừa thiếu trang thiết bị.

Bổ sung quy định để thúc đẩy phát triển một số hình thức khám, chữa bệnh phù hợp với xu thế hiện nay như: Khám, chữa bệnh từ xa; biện pháp chữa bệnh kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại... nhằm thực hiện kết hợp đông - tây y như thế nào cho phù hợp.

Qua ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, hồ sơ dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) chưa bảo đảm yêu cầu. Do đó, Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục hoàn chỉnh thêm báo cáo đánh giá tác động cho đến thời điểm hiện tại để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Phiên họp gần nhất xem xét, cho ý kiến.

Phương Thuỷ
.
.
.