Để “chuồng cọp” không còn là mối nguy: Người dân nên chủ động tự bảo vệ mình (Bài cuối)
Nguy hiểm tiềm ẩn khi bịt kín lối thoát hiểm bằng các khung sắt, “chuồng cọp” là vấn đề đã được nhắc đến rất nhiều. Mỗi một vụ hỏa hoạn lại thêm tiếng chuông cảnh báo và các địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ, mở lối thoát hiểm thứ 2.
Trước hết là ý thức người dân, tại nhiều nơi công tác tuyên truyền, vận động bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Cách làm của những địa bàn này nên được nhân rộng để vấn đề này sớm đi vào quy củ.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà
Khu dân cư số 5, phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có 5 khu nhà tập thể cũ với 285 hộ dân. Hầu như hộ gia đình nào cũng mở “chuồng cọp”. Đến nay, theo thống kê đã vận động được khoảng 80% hộ gia đình mở cửa thoát hiểm thứ 2 qua hàng rào, khung sắt “chuồng cọp”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phong, Tổ trưởng Tổ dân phố số 5 cho hay, để vận động người dân hưởng ứng chủ trương “gia đình nào cũng có lối thoát hiểm thứ 2”, cán bộ tổ dân phố, dân phòng đã đi đến từng hộ để tuyên truyền vận động, đồng thời ký cam kết thực hiện. “Đầu tiên chúng tôi tiến hành rà soát xem những nhà nào đã làm và nhà nào chưa làm thì đến tận nhà để vận động và ký cam kết. Những hộ nào đã cam kết mà không thực hiện, chúng tôi sẽ nhắc nhở trên nhóm zalo của tổ dân phố. Nói chung là hầu hết các hộ dân đồng tình ủng hộ chủ trương này. Số chưa làm hiện nay chủ yếu là các hộ gia đình đang thuê nhà, vì liên quan tới chủ nhà mà người thuê không dám tự ý quyết định. Đối với những trường hợp này, chúng tôi đang vận động liên hệ với chủ nhà để sớm thực hiện xong dứt điểm”, bà Hồng cho biết.
Theo thống kê, phường Thanh Xuân Bắc có 4.100 hộ có “chuồng cọp”, hiện nay đã có gần 90% hộ mở lối thoát nạn thứ 2. Số còn lại khoảng 600 hộ chưa mở lý do là không có chủ ở nhà, chủ nhà cho thuê trọ hoặc các trường hợp bất khả kháng vì không có lối thoát nạn thứ 2 do căn hộ đã bị chia thành nhiều phòng. “Thanh Xuân Bắc là phường đầu tiên của quận Thanh Xuân tuyên truyền, vận động người dân mở lối thoát nạn thứ 2 và chúng tôi đã triển khai từ năm 2018 và đợt này là cao điểm. Để vận động người dân, UBND phường đã giao Bí thư chi bộ, tổ dân phố đến tuyên truyền vận động từng nhà. Thực tế là qua vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ vừa rồi, ý thức người dân cũng cao hơn. Số còn lại chưa mở, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng vận động để đến hết năm 2023 sẽ hoàn thành. Để hỗ trợ các hộ dân, chúng tôi thông tin đến các tổ dân phố, giới thiệu thợ sắt để người dân lựa chọn. Mỗi hộ giá cả trung bình chỉ từ 300 – 350 nghìn/hộ, chính vì thế mà người dân rất đồng tình ủng hộ”, ông Nguyễn Hoàng Điệp, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc cho biết.
Trên địa bàn Hà Nội còn có những địa bàn vận động rất tốt người dân mở lối thoát nạn thứ 2 nữa như phường Giảng Võ. Có đến 29 chung cư cũ nhưng đến nay hầu hết các hộ có “chuồng cọp” đã mở lối thoát nạn thứ 2. “Thực ra câu chuyện vận động người dân mở lối thoát nạn thứ 2 phường chúng tôi đã triển khai thực hiện từ năm 2018, đợt vừa qua là đợt cao điểm để vét nốt những hộ cuối cùng. Hiện chỉ còn một số ít hộ thuê nhà không phải chính chủ nhưng chúng tôi cũng đã thống nhất với các hộ đó nếu không thực hiện thì chúng tôi sẽ xã hội hoá để làm nốt những hộ cuối cùng này bởi chi phí cũng chỉ vài trăm nghìn, không quá lớn”, bà Lê Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND phường Giảng Võ cho hay.
Chủ động loạt bỏ các nguy cơ
Theo PGS.TS Đại tá Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, việc các hộ dân ở các chung cư cũ hay nhà ở riêng lẻ làm các khung sắt bảo vệ hay “chuồng cọp” về mặt bản chất là để đảm bảo an toàn nhưng nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn thì lại vô tình làm khung, lồng tự nhốt mình. Khi xảy ra hỏa hoạn, “thời gian vàng” chỉ có ít phút ban đầu ngắn ngủi. Các khung, lồng sắt được làm kiên cố sẽ khiến việc tìm lối thoát và cứu nạn, cứu hộ gặp khó khăn. “Nếu chỉ phòng trộm mà quên phòng cháy thì sẽ rất nguy hiểm.
Đặc biệt như ở các nhà chung cư cũ hoặc nhà ống sẽ chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất là cửa chính khi các lối thoát hiểm khác đã bị bịt kín bởi khung sắt, “chuồng cọp”. Khi cứu nạn, cứu hộ, thời gian cắt các lồng sắt khá lâu dẫn. Do đó, những "chuồng cọp" càng được gia công kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn. Nếu trót xây dựng "chuồng cọp" để chống trộm, người dân cần lưu ý bắt buộc phải có cửa thoát hiểm”, PGS.TS Đại tá Ngô Văn Xiêm khuyến cáo.
Trong khi đó, KTS.TSKH Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, cho rằng không chỉ riêng Hà Nội mà người dân cơi nới làm “chuồng cọp” là thực trạng diễn ra nhiều năm qua ở hầu hết các khu nhà chung cư cũ ở nhiều thành phố trên cả nước. Được xây dựng từ thế kỷ trước, đi kèm với tình trạng xuống cấp về kết cấu, tình trạng cơi nới, làm “chuồng cọp” gây ra nguy cơ mất an toàn về cháy nổ. Theo ông Nghiêm, thiết kế ban đầu của nhà tập thể cũ đều đã tính toán đến yếu tố an toàn thoát hiểm. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, vấn đề an toàn, thoát hiểm khi có sự cố không được quan tâm đúng mức.
“Diện tích căn hộ nhỏ, trong khi nhu cầu sinh hoạt cho nhiều người nên nhiều gia đình chỉ quan tâm đến việc làm sao có thêm không gian sống mà bỏ qua yếu tố an toàn, đường thoát hiểm. Nhiều người khi làm “chuồng cọp”, lồng sắt cũng đã chú ý để lối thoát hiểm nhưng cũng không ít người lo lắng bảo vệ tài sản mà không chú ý đến điều này. Người dân đang sinh sống ở nhà chung cư cũ nên tự rà soát, chủ động loại bỏ các nguy cơ mất an toàn, lưu ý đến các vấn đề về phòng, chống an toàn cháy nổ, tạo đường thoát hiểm khi có sự cố”, ông Nghiêm nói.
Theo ông Nghiêm câu chuyện “chuồng cọp”, nhà đeo “ba lô” hay nhà “chống nạng là vấn đề đã được nhắc đến rất nhiều, tuy nhiên để giải quyết dứt điểm thì giải pháp phải là giải xong bài toán cải tạo chung cư cũ. “Cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ được đặt ra nhiều năm nay, nhiều chính sách, pháp luật liên quan cũng đã được ban hành nhưng kết quả chưa cao. Nguyên nhân thì có nhiều như: Thiếu nguồn lực, cơ chế thoả thuận hỗ trợ đền bù di dời, quy hoạch... Thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành đang tích cực đẩy mạnh cải tạo nhà chung cư cũ, tuy vậy vẫn còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là vấn đề đền bù di dời”, ông Nghiêm nói.