Đẩy lùi dịch bệnh từ những quyết sách đúng đắn

Thứ Năm, 07/10/2021, 08:06

Với việc nới lỏng giãn cách xã hội, cho hoạt động trở lại một số dịch vụ, từ đầu tháng 10 này, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang từng bước thực hiện chuyển hướng chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, nhằm từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, chuyển sang trạng thái "bình thường mới".

Việc chuyển hướng chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh thực sự là một quyết định khó khăn, nhưng có cơ sở và niềm tin vào sự thành công.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Công cuộc chống dịch COVID-19 là không có tiền lệ không chỉ đối với Việt Nam mà toàn thế giới. Mỗi đợt bùng phát dịch lại có đặc điểm khác nhau, xảy ra các địa bàn khác nhau, các chủng virus biến thể nguy hiểm hơn trước. Biến chủng Delta mà chúng ta đang phải đối mặt đặc biệt nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy cơ nhập viện của bệnh nhân COVID-19 ở mức cao và có khả năng gây tử vong cao hơn nhiều so với các biến chủng khác.

Trong khi đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm này, nguồn lực y tế của nước ta có hạn. Hệ thống y tế trong điều kiện bình thường có thể đáp ứng được, nhưng khi có biến cố phức tạp, đột ngột xảy ra, thực sự là một thách thức lớn. Ngoài nguồn lực về con người, hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vaccine... đều phải nhập khẩu do chưa sản xuất được trong nước nên tốn kém, đôi khi, đôi chỗ còn bị động và lúng túng,...

Đặc biệt, dù đạt thành tựu to lớn sau 35 năm đổi mới, song tiềm lực, quy mô nên kinh tế của nước ta vẫn còn hạn chế.

Nguồn ngân sách Nhà nước dự trữ để chi cho những nhiệm vụ cấp bách, bất thường như tiên tai, dịch bệnh… chỉ khoảng hơn 12 ngàn tỷ đồng. Việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của gần 100 triệu người dân trước một “kẻ thù nguy hiểm và vô hình” với khả năng, tiềm lực như kể trên là một bài toán vô cùng hóc búa.

Đẩy lùi dịch bệnh từ những quyết sách đúng đắn -0
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đến kiểm tra, động viên công tác phòng dịch tại điểm tiêm Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, quận Đống Đa.

Chuyển hướng chiến lược

Gần 2 năm qua, Việt Nam đã phải đối mặt với 4 đợt dịch COVID-19 bùng phát, lây lan. Trong quá trình đó, chúng ta đã “bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” để có những thay đổi chiến thuật, chuyển hướng chiến lược trong phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt, hợp lý và đều có hiệu quả cao như: hoàn thiện công thức phòng, chống dịch từ “5K”, lên công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân”; quyết định giãn cách xã hội tại 23 tỉnh, thành phố phía Nam trong đợt dịch thứ 4; điều động nguồn nhân lực, chi viện cho các địa phương chống dịch; quyết định thành lập các Trạm Y tế lưu động; quyết định về chiến lược vaccine…

Mỗi lần thay đổi chiến thuật, chuyển hướng chiến lược đều là những quyết định hết sức khó khăn và là những “đêm trắng” của những người “đứng mũi chịu sào”. Để có những quyết định sáng suốt, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đều huy động trí tuệ của các nhà quản lý, nhà chuyên môn, các nhà khoa học và tham khảo ý kiến của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Cùng với đó, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả và tổ chức thực hiện linh hoạt theo diễn biến tình hình dịch bệnh.

Đặc biệt, nếu như trước đây, Việt Nam theo đuổi mục tiêu “Zero COVID” vì lúc đó hệ thống y tế không thể đáp ứng được yêu cầu, độ bao phủ vaccine của nước ta còn thấp, với truyền thống đạo lý nhân văn của dân tộc, không chấp nhận người dân chịu thương vong; các biến chủng ban đầu của virus còn ít nguy hiểm hơn nên nước ta đã phòng, chống dịch thành công. Sau một thời gian, chúng ta đã hiểu về chủng virus Delta và xác định dịch không thể loại bỏ trong một thời gian dài trước mắt. Mặt khác, sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế đã tới giới hạn. Trong khi đó, hệ thống phòng, chống dịch cả nước vận hành tốt hơn, có thể ứng phó tốt hơn với dịch; hệ thống khám chữa bệnh đã được xây dựng, kết nối từ Trung ương tới 100% xã, phường, thị trấn.

Đoàn kết là sức mạnh

Lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta đã chứng minh, mỗi lúc dân tộc lâm nguy, sức mạnh đoàn kết và lòng dân là yếu tố quyết định làm nên mọi chiến thắng. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay cũng vậy.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát và lây lan, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quan tâm đặc biệt, chỉ đạo, lãnh đạo sát sao; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, có nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện... chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Những cuộc họp không kể ngày đêm, những chuyến “vi hành” xuống cơ sở, những cuộc điện thoại giữa đêm khuya; hay hàng chục cuộc tiếp xúc, điện đàm, hàng chục bức thư của lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi các đối tác để mua, vay, yêu cầu cung cấp vaccine nhiều nhất, nhanh nhất để tiêm miễn phí cho nhân dân… đều vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trước hết, trên hết.

Thấu hiểu và hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cả nước đã đoàn kết, “nhất tề” phòng, chống dịch COVID-19. Nhìn lại những tháng vừa qua, trong bất cứ hoạt động nào, khi nào và ở đâu, câu chuyện phòng, chống COVID-19 luôn là chủ đề chính, nóng bỏng.

Không chỉ các cơ quan Đảng, quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội rốt ráo cho công cuộc chống dịch mà các nhà khoa học, giới trí thức cũng dốc lòng, dốc sức, trí tuệ, tâm huyết cho phòng, chống dịch. Các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức thiện nguyện, bạn bè quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài và người dân cả nước đã ủng hộ, vào cuộc mạnh mẽ phòng, chống dịch. Đặc biệt, lực lượng tuyến đầu như y tế, Công an, Quân đội, báo chí… thực sự bước vào “thời chiến”.

Trong quá trình phòng, chống dịch, tinh thần đại đoàn kết, truyền thống "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" của dân tộc lại phát huy sức mạnh hơn bao giờ hết. Đơn cử, khi 23 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, ứng phó với sự bùng phát, lây lan của dịch COVID-19 đã có hơn 30.000 y bác sĩ, Công an, Quân đội… từ khắp mọi miền Tổ quốc lên đường chi viện cho miền Nam.

Dịch bệnh nghiệt ngã, song cũng từ đó nảy sinh bao câu chuyện, hình ảnh đẹp, có sức lay động và hiệu triệu: từ tấm áo đẫm mồ hôi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bàn tay nhăn nhúm, tê tái của các y, bác sĩ; những lúc chợp mắt vội bên vệ đường của các chiến sĩ Công an, bộ đội; giọt nước mắt của cô dâu, chú rể trong đám cưới online; những chuyến xe 0 đồng, "ATM gạo" miễn phí; những chuyến xe thực phẩm mang nặng nghĩa đồng bào…

Đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động và nhận được hơn 18.000 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân ủng hộ phòng, chống COVID-19. Trong đó, sau lời phát động của Thủ tướng Chính phủ, đến nay có hơn 553.300 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 với hơn 8.779 tỷ đồng. Ngay sau khi phát động, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” cũng nhận ủng hộ hơn 1 triệu máy tính với trị giá hơn 2.500 tỷ đồng và cam kết đầu tư 3.000 tỷ đồng để phủ sóng, hưởng ứng chương trình…

Qua công tác phòng, chống dịch cho ta thấy nhiều bài học quý. Trước hết, đó là bài học về sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động nguồn lực trong, ngoài nước, nguồn lực của nhân dân và doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của nhân dân là đặc biệt quan trọng, đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc: “Nhân dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19; chiến thắng COVID-19 là chiến thắng của nhân dân”.

Đẩy lùi dịch bệnh từ những quyết sách đúng đắn -0
Cảnh sát giao thông kiểm tra thân nhiệt hành khách trên xe khách di chuyển qua khu vực chốt kiểm soát giao thông.

Niềm tin tất thắng

Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang ngày đêm huy động trí tuệ tập thể, gấp rút xây dựng và hoàn thiện “Hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19”, “Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới”, “Chiến lược tổng thể khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới” để cả nước làm căn cứ, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, đưa cuộc sống về trạng thái "bình thường mới".

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phụ thuộc rất lớn vào kết quả phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, đồng thời linh hoạt sáng tạo trong thực hiện chỉ đạo.

Đặc biệt, trong những ngày qua, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, hàng chục ngàn người dân đang sinh sống, làm ăn ở các địa phương này đã và đang tự phát đi xe máy về quê, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, cũng như nguy cơ mất an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội... Do đó, Thủ tướng kêu gọi người dân nên kiềm chế, không di chuyển tự phát và ở lại để tiếp tục tiêm vaccine, nhận cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống; đồng thời chỉ đạo các địa phương phối hợp tổ chức đón, đưa người dân về quê nếu bà con thực sự có mong muốn, vì các lý do khác nhau, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông và tránh gây bức xúc cho người dân.

Nếu mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều làm hết trách nhiệm của mình, vì sức khỏe, tính mạng của người dân, vì cộng đồng, quốc gia, dân tộc, tin rằng nhất định chúng ta sẽ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đưa cuộc sống trở về trạng thái "bình thường mới".

Phạm Tiếp
.
.
.