Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Công an người dân tộc thiểu số trong tình hình mới
Dân tộc và công tác dân tộc luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của cách mạng. Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của vấn đề dân tộc nên đã thống nhất được các lực lượng trong cộng đồng các dân tộc ở nước ta thành một khối đoàn kết bền vững, tạo nên sức mạnh vượt qua mọi khó khăn thử thách, đập tan mọi âm mưu của các thế lực thù địch, giành được độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đạt được những thành quả bước đầu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng CNXH.
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để chỉ đạo, định hướng các ban, bộ ngành, địa phương thực hiện tốt công tác dân tộc. Kế thừa các quan điểm về công tác dân tộc trong các kỳ đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định các nguyên tắc, quan điểm cơ bản về công tác dân tộc: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển”. Đối với công tác giáo dục và đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đại hội XIII nhấn mạnh: “Đầu tư thích đáng cho giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao; có chính sách đầu tư đặc thù cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, đồng thời đề ra nhiệm vụ: “Chú trọng cơ cấu hợp lý, sớm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, nhất là ở cơ sở”.
CAND là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội nói chung và ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Xuất phát từ vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong CAND, đồng thời quán triệt các quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII về công tác dân tộc, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/ĐUCA ngày 29/7/2021 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và lãnh đạo, chỉ huy người dân tộc thiểu số trong CAND. Bên cạnh đó, công tác giáo dục và đào tạo trong CAND cũng đã chủ động, tích cực đổi mới căn bản, toàn diện, nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần làm cho vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ Công an người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao; tạo sự chuyển biến tích cực cả trong nhận thức và thực tiễn công tác, phát huy vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Đội ngũ cán bộ Công an là người dân tộc thiểu số đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự ở các địa bàn, nhất là các địa bàn chiến lược.
Mặc dù đã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhưng nhìn chung đội ngũ cán bộ Công an người dân tộc thiểu số hiện nay còn nhiều hạn chế. Trình độ, năng lực công tác của một số cán bộ chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Một số đồng chí vẫn còn tâm lý tự ti dân tộc, tự ái cá nhân. Nhiều cán bộ là người dân tộc thiểu số nhưng khả năng giao tiếp, hiểu biết về phong tục tập quán của dân tộc mình còn hạn chế, dẫn đến không phát huy được hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và đấu tranh với các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật… Tỷ lệ cán bộ Công an là người dân tộc thiểu số trong cơ cấu vẫn còn thấp, số lượng lãnh đạo, chỉ huy là người dân tộc thiểu số tại chỗ còn ít so với nhu cầu về đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương.
Tình hình đó đặt ra nhiệm vụ đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số trong CAND cần phải tiếp tục đổi mới nhằm góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ Công an người dân tộc thiểu số đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; góp phần xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Để thực hiện nhiệm vụ trên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an người dân tộc thiểu số hiện nay cần thực hiện những nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số. Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị đề ra, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả đội ngũ cán bộ CAND nói chung, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng. Theo đó, Đảng ủy Công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt là các đơn vị, địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, cần tổ chức nghiên cứu, triển khai và cụ thể thành các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm, tình hình ở đơn vị, địa phương mình; xác định mục tiêu cụ thể về số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; đề ra các biện pháp thực hiện cho từng chỉ tiêu và nội dung đề ra; định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số để đội ngũ này có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác trong tình hình hiện nay.
Hai là, quán triệt quan điểm của Đại hội XIII về nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ phải “chú trọng cơ cấu hợp lý”, công tác cán bộ trong CAND cần phải có kế hoạch, quy hoạch lâu dài trong việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ Công an người dân tộc thiểu số đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ và cân đối về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ năng lực công tác chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương. Nâng cao hợp lý tỷ lệ cán bộ và lãnh đạo, chỉ huy là người dân tộc thiểu số, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là đối với những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Ba là, hoàn thiện cơ chế, xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số quy định, chính sách có tính đặc thù đối với cán bộ Công an là người dân tộc thiểu số theo tinh thần của Đại hội XIII: “Chú trọng đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc”. Theo đó, công tác tuyển sinh, tuyển chọn cán bộ Công an người dân tộc thiểu số cần nghiên cứu, điều chỉnh, ban hành các quy định, chính sách phù hợp với tình hình thực tế. Căn cứ vào thành phần, tỷ lệ người dân tộc thiểu số ở từng địa phương để nghiên cứu, ban hành quy định về tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ Công an người dân tộc thiểu số phù hợp với từng dân tộc, địa bàn.
Bốn là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an người dân tộc thiểu số. Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo, đào tạo lại để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Công an người dân tộc thiểu số. Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo trong các trường CAND phù hợp với đối tượng học viên là người dân tộc thiểu số. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, dạy tiếng dân tộc, tìm hiểu phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số cho cán bộ Công an ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích cán bộ Công an người dân tộc thiểu số học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình để phục vụ yêu cầu công tác.
Năm là, quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút phù hợp đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; chú ý đến tính đặc thù của từng khu vực, vùng miền nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Kịp thời khen thưởng nhằm động viên, khích lệ đối với cán bộ người dân tộc thiểu số đạt thành tích tốt trong thực hiện nhiệm vụ và học tập, rèn luyện nhằm thúc đẩy tính tích cực, tạo động lực phấn đấu học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ công tác đặt ra.