Quán triệt, thực hiện Nghị quyết 12 (Bộ Chính trị khóa XIII) của Đảng:

Danh dự - Liều vaccine phòng ngừa “đạn bọc đường”

Thứ Bảy, 09/07/2022, 06:43

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định các mục tiêu cụ thể của đất nước trong nửa đầu thế thế kỷ XXI: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm Quốc khánh: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm ANTT và môi trường phát triển lành mạnh, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân… có vai trò cực kì quan trọng; trong đó CAND là lực lượng nòng cốt.

Thực tế cho thấy, tình hình thế giới những năm tới đứng trước nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế… Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát từ cuối tháng 2/2022 là một minh chứng về những bất trắc, khó lường trong quan hệ quốc tế.

Danh dự - Liều vaccine phòng ngừa “đạn bọc đường” -0
Xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. 

Trong bối cảnh đó, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, là điều kiện, yêu cầu hàng đầu để bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Cùng với QĐND, CAND là lực lượng vũ trang trọng yếu, nòng cốt, có nhiệm vụ bảo vệ hòa bình, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước XHCN và Nhân dân… Đây là những nhiệm vụ xuyên suốt qua mọi giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là từ nay đến 2045, càng đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Trước tình hình và yêu cầu trên, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 về "Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới". Nghị quyết xác định rất rõ mục tiêu tổng quát là: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; là lực lượng vũ trang nhân dân sắc bén, mang bản chất của giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; mang tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc; có hệ thống tổ chức tập trung, thống nhất, chuyên sâu, xuyên suốt, tinh, gọn, mạnh; có đội ngũ cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ; pháp chế, kỷ luật, kỷ cương được tăng cường; tiềm lực hậu cần, kỹ thuật hiện đại.

Nỗ lực phấn đấu để đến năm 2025, lực lượng CAND nước ta cơ bản phải tinh, gọn, mạnh; các lực lượng tình báo, cơ yếu, an ninh, cảnh sát cơ động, kỹ thuật nghiệp vụ, an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao tiến thẳng lên hiện đại. Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 12 của Bộ chính trị, một trong những vấn đề hàng đầu được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị khoá XIII (tổ chức ngày 16/6/2022 tại Hà Nội), là: Chú trọng xây dựng lực lượng Công an có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, thật sự liêm chính, gương mẫu, gắn bó mật thiết với nhân dân, vì nhân dân phục vụ; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, nghiêm minh, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc; nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, làm chủ khoa học - công nghệ, sử dụng thành thạo các thiết bị, phương tiện, vũ khí được trang bị; được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn công tác, chiến đấu. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và cán bộ khoa học, kỹ thuật, chuyên gia giỏi.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để nêu cao ý chí chiến đấu; thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ đã dạy lực lượng CAND… Phải coi đây là việc làm thường xuyên, rất hệ trọng, trở thành tiềm thức trong trái tim, khối óc và hành động thực tế trong công tác, chiến đấu hằng ngày của mình; luôn luôn giữ mình cho thật trong sạch, thật vững vàng, không bị sa ngã trước bất cứ sự mua chuộc, lôi kéo nào của các phần tử xấu, "lợi ích nhóm"; không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường; không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm những việc ty tiện, đớn hèn, làm phương hại đến lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và lợi ích chính đáng của nhân dân. Có như thế mới bảo vệ được uy tín, danh dự thiêng liêng và phát huy được truyền thống anh hùng, cách mạng vẻ vang của lực lượng CAND.

Trong nhiều huấn thị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một điều luôn được vị lãnh đạo cao nhất của Đảng nhấn mạnh, là hai chữ “Danh dự”. Với lực lượng CAND, Tổng Bí thư khẳng định phải “giữ gìn sự trong sạch”, “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”…

Gần 70 năm trước, Bác Hồ có bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô. Người căn dặn cán bộ ta phải giữ vững bản lĩnh trước mọi tình huống và phân tích: “Ta ở rừng núi, quen tiết kiệm của công, của riêng. Đó là điều tốt. Về xuôi, Bác chỉ nói vài cái nhỏ: Phở ngon, rồi thì đồng hồ, bút máy, xe đạp... Nếu không giữ được thói quen tiết kiệm thì sẽ tham ăn ngon, tham mua các thứ xa hoa. Lương không đủ thì sẽ lấy ở đâu? Lúc ấy chỉ có hai cách: Một là ăn cắp của Chính phủ, hai là bị tiền mua chuộc… Một vài thí dụ: Nó đi buôn lậu, sợ anh bắt, nó cho anh cái đồng hồ, bút máy để đi thoát. Cán bộ đi mua bán, nó cho ăn một ít để mua đắt, bán rẻ cho nó. Đó là ăn hối lộ, mà ăn hối lộ là có tội, vì nó làm hại cho nhân dân, thiệt đến công quỹ của Chính phủ. Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy".

Lời Bác dạy năm xưa vẫn còn nguyên tính thời sự. Làm theo lời Bác, cũng là rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, giữ gìn “Danh dự” để mỗi cá nhân, tập thể tránh được những “viên đạn bọc đường”. Đây là vấn đề cốt lõi, quan trọng hàng đầu để xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Trần Duy Hiển
.
.
.