Đại sứ Palestine tại Việt Nam: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một di sản to lớn
Chúng tôi gặp Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama sau khi ông mới từ Palestine trở lại Việt Nam. Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại sứ Saadi Salama cho biết, khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông lập tức đổi vé máy bay về Hà Nội để sát cánh bên những người bạn Việt Nam trong giờ phút đau thương này.
Phóng viên: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam đã về cõi vĩnh hằng. Xin Đại sứ chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ khi đón nhận thông tin này?
Đại sứ Saadi Salama: Tôi mới trở lại Việt Nam từ Palestine. Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi đã thu xếp trở lại Việt Nam sớm nhất để đưa tiễn Ngài.
Tôi là một người có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Có rất nhiều lý do nhưng trong đó, quan trọng nhất là đất nước các bạn luôn dành cho Palestine một sự ủng hộ nhất quán. Với tư cách là một người Palestine, tôi là một người luôn dõi theo những bước phát triển của Việt Nam, đồng thời cũng bám sát các hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Từ năm 2011, khi Ngài Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngài đã thu hút sự chú ý đặc biệt của tôi.
Phóng viên: Gắn bó với Việt Nam nhiều thập kỷ, Đại sứ đã chứng kiến công cuộc phát triển của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Đại sứ Saadi Salama: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lẽ là lãnh đạo Việt Nam hiện đại cuối cùng từng chứng kiến hai cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20. Nắm giữ cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn dắt đất nước các bạn đạt được nhiều thành tựu rất đáng ngưỡng mộ từ kinh tế, chính trị, ngoại giao.... đặc biệt là thử thách khi có đại dịch COVID-19.
Tôi tâm đắc với chính sách “ngoại giao cây tre” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập nhiều lần. Với chính sách này, Việt Nam đã luôn kêu gọi giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng con đường hoà bình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có lập trường về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine chúng tôi. Với nhân dân Palestine, lập trường của đất nước các bạn có giá trị vô giá bởi chúng tôi đã được chứng kiến cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất đất nước kéo dài 30 năm của Việt Nam.
Bên cạnh sự thành công về ngoại giao, một thành tựu khác của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm tôi ấn tượng là nỗ lực phòng chống tham nhũng. Những nỗ lực này của Đảng và Nhà nước Việt Nam mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đạt được những thành tựu lớn trong thời gian qua. Đất nước các bạn cũng đang đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực kinh tế.
Phóng viên: Đại sứ vừa nhắc đến chính sách “ngoại giao cây tre”. Với tư cách là một nhà ngoại giao, Đại sứ có nhận xét gì về chính sách này?
Đại sứ Saadi Salama: Quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho người dân Palestine. Chúng tôi luôn trân trọng những bài học đó. Đó cũng là bài học quý giá với nhiều quốc gia trên thế giới. Là một quốc gia tại khu vực quan trọng của thế giới, Việt Nam đã có một hướng đi đúng đắn với chính sách “ngoại giao cây tre”.
Theo tôi, việc áp dụng chính sách “ngoại giao cây tre” là một bước đi đầy khôn ngoan và đúng đắn của đất nước các bạn dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chính sách “ngoại giao cây tre” dựa trên việc tuân thủ luật pháp quốc tế đồng thời tăng cường quan hệ với các nước trên thế giới dù nhiều quốc gia có sự khác biệt về chính trị, kinh tế, tư tưởng...
Việt Nam đã đạt được thành công với chính sách này. Minh chứng là đất nước các bạn có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ chiến lược với cả 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng ký hiệp định tự do thương mại với một loạt quốc gia trên thế giới.
"Ngoại giao cây tre" đã giúp Việt Nam trở thành một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế. Hà Nội trở thành điểm hẹn cho những bên muốn tìm hoà bình cho khu vực và thế giới. Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội cách đây vài năm. Khi đó Hoa Kỳ và Triều Tiên đã chọn đất nước các bạn làm nơi hội đàm để giải quyết các bất đồng.
“Ngoại giao cây tre” cũng tạo cho Việt Nam động lực và khả năng để thực hiện phương châm "làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới". Đây là một sách lược vô cùng sáng suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó không thể không nhắc tới vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phóng viên: Đại sứ có đánh giá như thế nào về di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại sau gần 3 nhiệm kỳ nắm giữ vị trí người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam?
Đại sứ Saadi Salama: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi nhưng để lại di sản to lớn về niềm tin và những lý luận sâu sắc. Là một chính trị gia, một nhà lý luận chính trị, trong các cuốn sách của mình, đặc biệt là cuốn “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giải thích, làm rõ con đường tiếp tục phát triển đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Những tác phẩm của Tổng Bí thư là chỗ dựa quan trọng để các nhà lãnh đạo trong tương lai của Việt Nam tiếp tục con đường phù hợp phát triển đất nước. Đây cũng là nguồn tài liệu quý đối với những người quan tâm tìm hiểu về thành công của Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Một điều không thể không nhắc đến khi đề cập tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là việc học tập tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi tên mình vào trong danh sách những lãnh đạo có tầm ảnh hưởng nhất của Việt Nam trong lịch sử hiện đại.
Phóng viên: Cá nhân Đại sứ cảm nhận như thế nào về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Đại sứ Saadi Salama: Tôi đã gắn bó với đất nước các bạn một thời gian dài. Tôi cũng đã chứng kiến tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho Đại tướng Võ Nguyễn Giáp khi Đại tướng từ trần. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tư cách một nhà lãnh đạo hết lòng phụng sự Tổ Quốc và nhân dân, cũng luôn nhận được tình cảm yêu thương từ người dân Việt Nam.
Riêng với cá nhân, tôi thực sự thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông là một nhà lãnh đạo đạo đức, để lại tình cảm rất sâu sắc với nhân dân Việt Nam. Tôi đã tìm thấy điều đó qua các bài viết của truyền thông Việt Nam hoặc các nội dung được đăng tải trên mạng xã hội. Theo dõi mạng xã hội mấy ngày gần đây, tôi thấy rất nhiều người trẻ vốn không mấy quan tâm tới tình hình chính trị, cũng đăng tải nhiều nội dung ca ngợi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – một tấm gương về nhà lãnh đạo liêm chính, giản dị, gần gũi khiêm tốn và luôn cống hiến hết mình vì đất nước.
Tôi rất ấn tượng với những bài phát biểu ngắn gọn, xúc tích và đi vào lòng người của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là câu “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!".
Một lần nữa, tôi xin thay mặt lãnh đạo, Chính phủ và nhân dân Palestine gửi lời chia buồn sâu sắc với Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam và gia quyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự mất mát này. Mong Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam vượt qua nỗi buồn, tiếp tục xây dựng đất nước giàu mạnh, hoà bình và phát triển.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.