Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nói gì khi tháo dỡ trang trại của mình trong khu bảo tồn?
Ông Y Luyện Niê Kđăm, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk cho rằng, việc ông rời khỏi trang trại là không muốn làm mất uy tín của mình, nhưng ông cũng không muốn làm lãnh đạo tỉnh khó xử.
Những ngày qua, nhiều cơ quan báo chí cũng như trang mạng xã hội liên tục đưa thông tin về việc ông Y Luyện Niê Kđăm, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk có trang trại rộng hàng chục hécta nằm trong vũng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar.
Thông tin này khiến dư luận cho rằng, việc nguyên một cán bộ của tỉnh lại có một trang trại tồn tại lâu như vậy trong rừng nhưng địa phương vẫn không có hướng xử lý. Về vấn đề này, ngày 18/10, phóng viên Báo CAND đã trực tiếp có cuộc trao đổi với ông Y Luyện Niê Kđăm ngay trong khuôn viên trang trại.
Có mặt tại khu bảo tồn, phóng viên chứng kiến cảnh nhiều thanh niên là con cháu ông Y Luyện Niê Kđăm đang tháo dỡ chuồng trại để chuyển ra ngoài. Trao đổi với phóng viên, ông Y Luyện Niê Kđăm cho biết, ông đã bán phần lớn trâu bò, còn mấy con thì ông cho tháo chuồng trại đưa về nhà mình ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin. “Mấy ngày trước có đoàn cán bộ của Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đến thăm. Mình nói muốn tặng lại căn nhà ba gian cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô làm nơi đóng quân, giữ rừng nhưng họ không nhận nên mình cũng sẽ cho tháo dỡ”, ông Y Luyện Niê Kđăm nói.
Cũng theo ông Y Luyện Niê Kđăm, vùng đất này vốn là buôn làng của ông nằm bên kia sông Krông H’Năng nên nơi đây gắn liền với tuổi thơ của ông. Những năm còn chiến tranh, đơn vị của ông đã có những trận đánh rất quyết liệt tại khu vực này. “Tổi thơ mình gắn liền với vùng đất này nên hiểu rất rõ từng mảng rừng, con suối ở đây nên khi về già mình rất muốn về lại quê hương, nơi gắn bó từ thuở thiếu thời. Sau giải phóng, mình phải tham gia nhiều nhiệm vụ và quan trọng nhất là nhiệm vụ vận động, tiêu diệt Fulro, bảo vệ bình yên cho các buôn làng. Nhiệm vụ đó mãi đến năm 1992 mới hoàn thành triệt để”, ông Y Luyện Niê Kđăm nhớ lại.
Theo ông Y Luyện Niê Kđăm, đến năm 1994, ông có về buôn cũ, định làm nhà để sinh sống, chăn nuôi. Nhưng buôn cũ đông đúc nên ông qua bên này sông dựng nhà, chăn thả trâu, bò, dê, ngựa. “Nhà mình dựng ngay mép sông với những cây sao cổ thụ ven bờ và trảng cỏ mênh mông, mang đặc trưng thảo nguyên M’Đrắk, quê mình. Sau này khi đã công tác ở tỉnh, mình thấy khu vực phía Đông tỉnh có diện tích rừng lớn, đẹp nhưng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Mình đề xuất Trung ương cho thành lập khu bảo tồn thiên nhiên để ngăn chặn những cơn lũ từ hướng Phú Yên sang cũng như tạo lá phổi xanh cho khu vực khô cằn này”, ông Y Luyện Niê Kđăm tâm sự.
Để thành lập khu bảo tồn, ông phải yêu cầu một đơn vị bộ đội xuống đây đóng quân, bóc tách những người dân xâm canh làm nhà trên đất rừng. Với sự quyết tâm đó, năm 1999 chính ông đã ký quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với tổng diện tích hơn 27.800ha. “Khi sắp thành lập khu bảo tồn, anh em họ tham mưu cắt cho mình mấy chục hécta để làm khu chăn thả gia súc cũng vừa để tôi bảo vệ rừng nhưng mình không đồng ý và gạt phăng ngay. Mình đưa cả nhà mình vào khu bảo tồn nhưng mình đâu cần đất, cần rừng để làm gì. Mình chỉ nói với anh em tham mưu là mình chỉ cần khoảng đất trống có suối, có thảm cỏ để chăn nuôi và để sau này già, về có nơi nghỉ ngơi. Mình chỉ nghĩ như vậy thôi”, ông Y Luyện Niê Kđăm cho hay.
Theo lời ông Y Luyện Niê Kđăm, hồi ấy, con suối Krông H’Năng chảy qua trước mặt trong và sạch lắm. Thỉnh thoảng anh em ở tỉnh cuối tuần còn xuống nhà ông để được tắm sông, ăn cá suối và nghỉ lại trong rừng để thư giãn. Chính vì gia đình ông ở đây, các buôn làng lân cận cũng bỏ ý định xâm hại rừng, săn bắt thú. Riêng ông thì có nơi về lại chốn cũ để nhớ về thời trẻ, nghỉ ngơi dưỡng già vì trên phố chật chội, ồn ào.
Cũng theo lời ông Y Luyện Niê Kđăm, khi đọc thông tin trên báo, ông có gọi cho mấy anh em bên khu bảo tồn nói sẽ rời đi khi đã bán hết trâu bò. “Ý định rời đi khỏi nơi này mình đã nung nấu hơn 1 năm về trước nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên chưa thực hiện được. Chưa cán bộ hay lãnh đạo từ khu bảo tồn đến tỉnh gọi để “vận động” mình rời đi cả. Đây là quyết định của cá nhân vì không muốn vì mình mà người khác bị ảnh hưởng. Giờ mình già rồi, về nghỉ ngơi vui vầy với con cháu thôi. Già rồi nên cũng ít đi lại được nữa nên mình muốn trả lâu rồi. Hơn nữa mình cũng già nên muốn về trên nhà. Nhưng nếu thỉnh thoảng khu bảo tồn mời thì mình sẽ xuống cho đỡ nhớ rừng”, ông Y Luyện Niê Kđăm tâm sự.
Theo tìm hiểu, vào năm 1994, ông Y Luyện Niê Kđăm có làm một căn nhà ven sông để chăn nuôi. Đến năm 2004, do thuỷ điện Krông H’Năng tích nước ngập ông mới chuyển lên vị trí hiện tại cho đến nay.