Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Thứ Năm, 10/02/2022, 11:11

Hoàn thiện pháp luật theo hướng tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết.

Ngày 10/2, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ” nhằm làm rõ luận cứ, luận chứng khoa học để góp phần hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hướng tới xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn.

Dự hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học; đại diện nhiều ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương: Văn phòng Trung ương Đảng; Ban Nội chính Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia...; đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ -0
Toàn cảnh hội thảo.

Được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an, Trung tướng, TS Đỗ Lê Chi, Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và Lịch sử Công an kiêm Viện trưởng Viện Chiến lược Công an chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Đỗ Lê Chi cho biết, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, có văn bản báo cáo Chính phủ và được trình bày tại cuộc họp chuyên đề pháp luật của Chính phủ tháng 1/2022. Theo đó, Bộ Công an đã có những luận giải khoa học, sáng rõ, thuyết phục hơn về những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn, đề nghị giải trình.

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ tại cuộc họp này, ngày 30/1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP, trong đó đánh giá Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với nhau và với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, thống nhất đổi tên dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thành dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thành dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ…

Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ -0
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng tham luận tại hội thảo.

Quá trình tổ chức hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 67 báo cáo khoa học, thể hiện trí tuệ của các chuyên gia hàng đầu ở các bộ, ban, ngành nghiên cứu lý luận, thực tiễn về vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cấp thiết này.

Tại hội thảo, Trung tướng GS. TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường Bộ. Đại tá TS. Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) đã nêu tổng quan về sự cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Đồng chí Đỗ Văn Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ 2, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tham luận về công tác nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và PGS. TS Ngô Huy Cương, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận về tính cấp thiết và những luận cứ khoa học của việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ…

Các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá sự cần thiết và xác định rõ cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời, thống nhất cao về sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật theo hướng tách luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc ban hành luật chuyên ngành có cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý vững chắc và xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn.

Đó là, pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có lịch sử hình thành, phát triển độc lập và có đối tượng, phương pháp điều chỉnh mang tính đặc thù. Giao thông đường bộ là hoạt động mang tính phổ biến cao, khác với các lĩnh vực giao thông hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa vốn mang tính chuyên ngành. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một nội dung trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, thuộc chức năng của Bộ Công an.

Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ -0
PGS.TS Ngô Huy Cương phát biểu tại hội thảo.

Lực lượng CAND chịu trách nhiệm chính về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tập trung vào công tác quản lý người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ (kiến thức, ý thức pháp luật, năng lực hành vi; kỹ năng điều khiển phương tiện đến quá trình chấp hành pháp luật, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông…). Hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo hướng tách thành luật chuyên ngành phù hợp với xu hướng lập pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Ban hành luật chuyên ngành điều chỉnh lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật giao thông đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Hoạt động gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng. Phương tiện giao thông tăng nhanh, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh. Đường bộ cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Hệ thống pháp luật giao thông đường bộ bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với tình hình thực tiễn nước ta và kinh nghiệm, pháp luật quốc tế.

Bên cạnh đó, hiệu quả của việc xây dựng các đạo luật chuyên sâu tương ứng với các lĩnh vực pháp luật chuyên biệt đã được kiểm nghiệm trong thực tế. Và hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo hướng xây dựng đạo luật độc lập với cấu trúc không quá phức tạp, thuật ngữ dễ hiểu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân…

Vũ Linh
.
.
.