Có nên miễn học phí cho học sinh, sinh viên là con nhà giáo?

Thứ Bảy, 12/10/2024, 06:24

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Dự thảo Luật nhà giáo, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất chính sách miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Theo tính toán, nếu chính sách có hiệu lực, dự kiến ngân sách Nhà nước phải chi mỗi năm vào khoảng hơn 9.200 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, quan tâm, chăm lo cho nhà giáo là chủ trương hết sức nhân văn nhưng không nên tạo ra những “đặc quyền”, “đặc lợi” dẫn đến không công bằng đối với các ngành nghề khác.

Trên một số diễn đàn, nhiều ý kiến thừa nhận, đây là đề xuất dũng cảm và nhân văn, thể hiện sự quan tâm đến giáo viên, giáo dục khi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, việc miễn học phí cho con của nhà giáo từ mầm non đến đại học có thể dẫn đến sự so sánh, phân biệt, thiếu công bằng giữa các học sinh trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập. Điều này cũng sẽ vô tình tạo ra những “đặc quyền, đặc lợi” cho riêng con của giáo viên trong tương quan với các ngành nghề khác.

Chị Vũ Thị Hương Giang ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, không nên tạo sự bất bình đẳng giữa nhà giáo với các ngành nghề khác. Thay vì đề xuất miễn giảm học phí cho con giáo viên, Bộ GD&ĐT nên đề xuất miễn giảm học phí cho tất cả học sinh ở độ tuổi phổ cập giáo dục thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận từ xã hội.

Theo chị Giang, việc miễn học phí cho học sinh đã được nhiều quốc gia thực hiện từ lâu. Ngay tại Việt Nam, một số địa phương có điều kiện kinh tế xã hội phát triển cũng đã thực hiện miễn giảm học phí cho học sinh tiểu học và THCS...

6-hoc-phi.jpg -0
Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất miễn học phí cho học sinh, sinh viên là con nhà giáo. Ảnh minh họa.

Chia sẻ với PV Báo CAND, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đề xuất này nhân văn, rất mới và đột phá, thể hiện nhất quán tinh thần của Đảng và nhà nước khi xác định lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục đào tạo. Nó cũng là thông điệp mang tính động viên rất lớn đối với các nhà giáo, ghi nhận những cống hiến của đội ngũ giáo viên, mong muốn giảm gánh nặng tài chính cho gia đình giáo viên và góp phần nâng cao chất lượng sống, đồng thời tạo động lực cho nhà giáo yên tâm làm việc và cống hiến. Tuy nhiên, đề xuất này cần tiếp tục bàn thảo để đảm bảo tính khả thi, công bằng.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, chính sách này sẽ tạo ra nhiều tranh luận vì nhiều ngành nghề khác cũng cống hiến và phụng sự xã hội và gặp nhiều khó khăn nhưng họ lại không nhận được sự hỗ trợ tương tự. Điều này có thể làm dấy lên những thắc mắc về việc liệu chính sách này có tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhóm nghề nghiệp hay không. Trong khi đó, với nhà giáo, nhiều khi việc được cho đi, được làm những điều phù hợp với giá trị sống và được xã hội, cộng đồng ghi nhận, tôn vinh mới là điều quý giá nhất họ hướng đến.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, đề xuất này là một sự tri ân và ghi nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo trong việc giáo dục, xây dựng thế hệ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, trước khi chính sách này được thể chế hóa thành luật, cần xem xét những tác động của nó.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, thứ nhất, chính sách này tạo ra áp lực tài chính lên ngân sách nhà nước; thứ hai là tạo ra sự thiếu hài hòa với các ngành nghề khác; thứ ba là góp phần tạo ra mâu thuẫn với chính sách xã hội hóa giáo dục; thứ tư là nguy cơ lợi dụng chính sách xuất hiện khi không có sự kiểm soát và quy định rõ ràng. Từ những lý do trên, ông Vinh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc đề xuất một chính sách tốn kém như vậy có thể là chưa phù hợp.

Thay vào đó, Bộ GD&ĐT cần cân nhắc dựa trên sự đánh giá toàn diện và đầy đủ, nhằm tạo ra một hệ thống phúc lợi công bằng và hiệu quả cho nhà giáo, đồng thời duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của nền giáo dục. Chẳng hạn như đưa các hệ thống chính sách hỗ trợ nhà giáo như: Hỗ trợ nhà ở cho nhà giáo ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhà giáo; xem xét lập một quỹ xã hội hỗ trợ nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống…

TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Khi đưa ra đề xuất này, Ban soạn thảo mong muốn có chính sách ủng hộ cho con nhà giáo, coi như chính sách ưu tiên của ngành nhằm giúp nhà giáo có đời sống ổn định, yên tâm công tác cũng như thu hút được người giỏi vào ngành. Theo ông Đức, đây mới chỉ là dự thảo, chưa phải ý kiến cuối cùng đưa vào luật.

Đặc biệt, khi đưa ra bất cứ chính sách nào, Bộ GD&ĐT phải đánh giá tác động, chính sách nào nhận được đồng thuận cao mới đưa vào luật sao cho phù hợp. Với tinh thần cầu thị, Ban soạn thảo luôn lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, của xã hội và cơ quan chức năng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo sao cho hài hòa giữa các ngành nghề khác nhau và đảm bảo nguồn lực quốc gia.

Huyền Thanh
.
.
.