Chuyển đổi số trong công tác của CSGT là yêu cầu đột phá
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nhận thức, tư duy, cách tiếp cận của lực lượng CSGT đã lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển, mọi hoạt động đều hướng đến người dân để tăng cường quản lý trật tự an toàn giao thông (TTATGT).
Chiều 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đếnlàm việc, chúc tết CBCS Cục CSGT nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi làm việc. Dự buổi làm việc có Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an.
Buổi làm việc được tổ chức trực tuyến đến Công an cấp tỉnh; cấp huyện trong toàn quốc. Tại điểm cầu các địa phương có Giám đốc, Phó Giám đốc, lãnh đạo các đơn vị chức năng và lực lượng CSGT dự.
Mỗi người dân có thể là một CSGT
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã thăm Trung tâm thông tin chỉ huy (TTTTCH) CSGT. Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT báo cáo cho biết, hệ thống giám sát tại Trung tâm đang giám sát 14 tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm, truyền dữ liệu về TTTTCH để phân tích, đánh giá, đưa ra dữ liệu nhanh chóng kịp thời. TTTTCH kết nối với các địa phương, các lực lượng trong và ngoài ngành; tích hợp dữ liệu dùng chung để có thể phạt nguội, truy nguyên, truy tìm con người, phương tiện. Hiện, Bộ Công an đang tiếp tục hoàn thiện xây dựng hệ thống giám sát để giám sát thời gian lái xe; giám sát TTATGT và ANTT, truy tìm phương tiện gây tai nạn bỏ chạy, phương tiện chở đối tượng vi phạm pháp luật; nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phát hiện vi phạm, có chức năng nhận dạng đối tượng có biểu hiện gây rối, vi phạm pháp luật…để ngăn chặn, xử lý kịp thời. CSGT phối hợp với các lực lượng khác xây dựng bản đồ số giám sát hoạt động của từng tổ, đội CSGT, thực hiện số hoá nhật ký tuần tra…
Báo cáo thêm với Thủ tướng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, toàn bộ phần mềm là do Bộ Công an thiết kế, vận hành. Hiện, đang quy chuẩn lại hệ thống camera để thống nhất giữa các đơn vị, đảm bảo thống nhất, có thể kết nối tích hợp tại 1 trung tâm.
“Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác của CSGT tiết kiệm được thời gian, con người, hạn chế việc CSGT xử lý vi phạm trên đường. Hiện chúng tôi đã triển khai phần mềm TTKS, qua đó, các tổ tuần tra sẽ biết phương tiện nào đã được kiểm tra, có vi phạm hay không vi phạm. Chúng tôi đang xây dựng App dành cho công dân để mỗi người dân sẽ là 1 CSGT. Theo đó, người dân có thể truy cập để biết mình có vi phạm bị phạt nguội hay không, tiến tới sẽ không cần gửi thông báo phạt nguội nữa; qua App, người dân sẽ dễ dàng cung cấp cho CSGT về tình hình tắc đường; gửi hình ảnh, thông tin các phương tiện khác vi phạm để CSGT xử lý; tra cứu thông tin đấu giá biển số xe... Ngoài ra, nếu gặp khó khăn, người dân có thể qua App nhờ CSGT cứu giúp, trung tâm sẽ điều các tổ công tác gần nhất để giúp đỡ. Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào công tác còn huy động sức mạnh của người dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật như hiện tượng biểu tình, gây rối, đánh nhau, trộm cắp, buôn lậu… Hiện, chúng tôi đang thí điểm ở tỉnh Bắc Ninh và QL 1 – là tuyến huyết mạch giao thông chính của cả nước, sau đó sẽ triển khai, nhân rộng tại các địa phương khác. Tiến tới, xe cảnh sát có thể trang bị thiết bị sơ cứu, kết nối với ngành y tế để có thể cấp cứu kịp thời cho người gặp nạn trên đường.” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Người dân là trung tâm, chủ thể, động lực công tác đảm bảo TTATGT
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các đại biểu kết quả công tác của CSGT năm 2023, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT đã đổi mới tư duy, nhận thức và phương pháp tiếp cận về chức năng, nhiệm vụ, trong đó, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực trong công tác bảo đảm TTATGT, mọi hoạt động của CSGT đều hướng về người dân, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Toàn lực lượng CSGT đã có những chuyển mình, chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư duy và hành động; tạo được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội, nhất là trong xử lý phương tiện vận tải quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng; xử lý vi phạm về nồng độ cồn từng bước tạo ra thói quen cho người tham gia giao thông “Đã uống rượu bia, không lái xe”. Từ đó, sẽ xây dựng thói quen, ý thức không thực hiện các hành vi khác như: chạy quá tốc độ, lấn làn, vượt đèn đỏ…
Qua 3 tháng tổ chức đấu giá biển số xe ô tô, đã có hơn 15 nghìn biển đấu giá thành công với tổng số tiền trên 2000 tỷ; trong đó, có hơn 14 nghìn biển đã hoàn thành việc nộp tiền vào ngân sách Nhà nước với gần 1.400 tỷ đồng. Tai nạn giao thông (TNGT) đã có những chuyển biến rõ nét, mang lại những kết quả thực chất, năm 2023 đã kéo giảm 1.284 vụ (= 5,5%), giảm 1.912 người chết (= 14,1%).
Xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra TNGT do lái xe sử dụng rượu bia
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả, thành tích lực lượng CSGT đã đạt được trong thời gian qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, lực lượng CSGT làm việc tích cực, ngày đêm ứng trực, phục vụ tốt công tác bảo đảm TTATGT. “Lực lượng CSGT luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, là một trong những lực lượng được thành lập sớm với truyền thống 78 năm. Chuẩn bị kỷ niệm 80 năm ngày thành lập, các đồng chí cần xây dựng Biên niên sử của lực lượng để giáo dục truyền thống vinh quang, tinh thần cách mạng, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và trưởng thành” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nhắc lại sự hy sinh của CBCS trong khi làm nhiệm vụ, trong đó 5 đồng chí đã hy sinh; 54 đồng chí bị thương, đồng thời lưu ý cần làm tốt chính sách đối với bản thân và gia đình những CBCS hy sinh, bị thương trong khi làm nhiệm vụ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao những kết quả nổi bật mà lực lượng CSGT làm được trong năm 2023. Cụ thể, đã thực hiện chuyển đổi số trong lực lượng CSGT, đang xây dựng cơ sở dữ liệu, thí điểm kiểm soát giao thông bằng hệ thống thông minh ở một số tỉnh, từ đó nhân rộng ra cả nước; kết nối dữ liệu để xây dựng trí tuệ thông minh. “Đây là việc làm hết sức trách nhiệm, đột phá trong cách quản lý, chuyển từ thủ công sang chuyển đổi số. Muốn làm được việc này, cần phải xây dựng phần mềm, dữ liệu thông minh. Bộ Công an cũng là một trong những bộ, ngành tiêu biểu của cả nước trong chuyển đổi số, dựa trên tinh thần đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phù hợp tình hình mới, việc này sẽ giảm được nhân lực tham gia công việc; kịp thời phát hiện các vấn đề liên quan đến ANTT để xử lý” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đánh giá cao nhận thức, tư duy, cách tiếp cận của lực lượng CSGT đã lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển, mọi hoạt động đều hướng đến người dân để tăng cường quản lý TTATGT. “Điều này hết sức phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, là cách tiếp cận đúng đắn. Lực lượng CSGT cũng tích cực xây dựng các thể chế, quy chế, quy định; thực hiện nghiêm các chỉ thị, chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an” – Thủ tướng khẳng định.
Lực lượng CSGT duy trì vai trò nòng cốt trong giữ gìn TTATGT, chuyển trạng thái từ kiểm soát giao thông sang hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người dân chấp hành pháp luật về giao thông, góp phần bảo đảm TTATGT, thể hiện rõ hình ảnh chiến sĩ CAND "vì nước quên thân, vì dân phục vụ", không quản ngại bất cứ công việc gì để giúp đỡ nhân dân, nêu bật bản chất anh hùng của lực lượng CAND. Thủ tướng mong lực lượng CAND, trong đó có CSGT tiếp tục nhân rộng những điển hình tiên tiến giúp đỡ nhân dân.
Nói về những khó khăn trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2024 sẽ khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, do đó, Thủ tướng mong lực lượng CSGT thực hiện nghiêm các chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về bảo đảm TTATGT, thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hoàn thiện thể chế để tăng cường quản lý TTATGT; phát triển lực lượng CSGT, nhất là về cơ sở vật chất, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tích hợp dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu dân cư, Đề án 06, cơ sở dữ liệu quốc gia. Thủ tướng khẳng định, đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần giảm bớt nhân lực, tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao năng lực phân tích dữ liệu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh nhiệm vụ giữ vững bản chất tốt đẹp của người chiến sĩ CAND trong bất cứ hoàn cảnh nào; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, từng đảng viên; xây dựng Đảng bộ gương mẫu, tiên tiến; xây dựng hình ảnh của lực lượng, tô thắm thêm truyền thống của CAND, lực lượng CSGT. Nâng cao khả năng chiến đấu của lực lượng, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị làm việc; xây dựng dự án, đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm để nâng cao năng lực hoạt động; tăng cường hiện đại hoá, số hoá. Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, cần tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra TNGT do lái xe sử dụng rượu, bia. “Tôi đánh giá cao việc Bộ Công an xử lý nghiêm hành vi sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện giao thông. Các bệnh viện đã báo cáo TNGT do rượu, bia giảm sâu, đây là việc làm rất hiệu quả, được người dân, các ngành, các cấp ủng hộ” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, CSGT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng bảo đảm an toàn trong hoạt động vận chuyển hành khách; giải quyết các khó khăn, ách tắc; không để xảy ra các ùn tắc, kịp thời giải quyết các sự cố, TNGT. Phòng ngừa, đấu tranh kịp thời đối với các loại tội phạm, trong đó có tình trạng đua xe trái phép; tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là tình trạng uống rượu,bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông, góp phần bảo đảm cho nhân dân ăn Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình…