Chặn vòi bạch tuộc “tín dụng đen” trong công nhân khu công nghiệp

Chủ Nhật, 16/10/2022, 05:32

“Tín dụng đen” hoành hành trong công nhân các khu công nghiệp là câu chuyện không mới. Thế nhưng làm thế nào để chặn đứng tình trạng này là câu hỏi cần sớm có những giải pháp giải quyết triệt để.

Ngày 7/10 vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Công ty Tài chính TNHH HD SAISON và Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT) để triển khai gói vay ưu đãi 20 nghìn tỷ đồng dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên toàn quốc.

Chặn vòi bạch tuộc “tín dụng đen” trong công nhân khu công nghiệp -0
Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chương trình này nhằm giải quyết nhu cầu vay vốn cấp thiết của công nhân lao động, cùng với đó góp phần xóa bỏ tình trạng “tín dụng đen” đang diễn ra phức tạp tại các khu công nghiệp hiện nay. Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Ban Quan hệ lao động LĐLĐVN.

PV: Tìm các giải pháp xóa bỏ vấn nạn “tín dụng đen” trong công nhân các khu công nghiệp, vấn đề mới được đặt ra gần đây. Rất nhanh chóng, Tổng LĐLĐVN đã hợp tác với các công ty tài chính để triển khai gói tín dụng 20 nghìn tỷ đồng cho công nhân, người lao động được vay ưu đãi. Điều này thể hiện Tổng LĐLĐVN rất quan tâm đến người lao động, nhưng phải chăng như thế cũng có nghĩa là vấn nạn “tín dụng đen” trong công nhân đang thực sự nhức nhối thưa bà?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Trước tiên, thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ đạo 2 công ty tài chính là HD SAIGON và FE CREDIT kích hoạt gói vay 20 nghìn tỷ để nhằm xóa bỏ “tín dụng đen” trong công nhân lao động.

Tại Hội nghị Ban chấp hành của Tổng LĐLĐVN, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã thông tin về gói tín dụng này. Để triển khai thì Tổng LĐLĐVN đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 2 công ty tài chính này tiến hành ký một biên bản thỏa thuận về việc hỗ trợ cho công nhân vay bằng lãi suất ưu đãi (lãi suất 50% so với thông thường) để giúp công nhân, nhất là sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 vừa qua.

Có thể nói, “tín dụng đen” trong công nhân đã tồn tại rất lâu và dai dẳng. Liên quan đến “tín dụng đen”, đã có những vụ việc nghiêm trọng xảy ra. Công nhân không tiếp cận được các gói vay một cách chính thống theo đúng quy định của pháp luật nên đã vay tiền từ các hoạt động tín dụng bên ngoài. Ví dụ có những tổ chức cho vay bằng các app vi phạm pháp luật, mạo danh các ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính cho công nhân vay. Có khi công nhân chỉ cần tải app xuống thôi là đã mất tiền rồi. Còn những hiện tượng khác như các đối tượng cho vay “tín dụng đen” cho công nhân vay một cách dễ dàng, không cần bất cứ một thủ tục gì. Chính vì thế, công nhân tin tưởng vào những thuận lợi đó và vay. Cuối cùng phải chịu mức lãi suất “cắt cổ”. Cũng đã có nhiều vụ việc đáng tiếc xung quanh vấn đề này xảy ra. Thậm chí có những vụ việc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của công nhân.

Trước vấn đề cấp bách như vậy, cùng với việc hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc làm và thu nhập của người lao động bị giảm sút, hiện công nhân cũng như gia đình họ rất cần những khoản có thể tạm ứng từ tiền lương, từ thu nhập hoặc là những khoản vay để đảm bảo cho đời sống của họ như: con em đi học, bố mẹ ốm đau hoặc cho chính bản thân người công nhân đó. Chính vì vấn đề cấp bách này mà Tổng LĐLĐVN sau khi ký kết xong với 2 công ty tài chính đã chuẩn bị để triển khai gói này đến công đoàn cơ sở, đặc biệt là xuống đến tận người lao động.

PV: Thông tin về triển khai gói tín dụng 20 nghìn tỷ đồng đang nhận được những đánh giá cao từ phía công nhân, người lao động, cũng như dư luận xã hội. Bà có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này được không?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Sau khi đã khảo sát trên 10 tỉnh, chúng tôi nhận thấy nhu cầu của công nhân rất là lớn. Số lượng công nhân đang còn khó khăn và có thu nhập thấp chiếm khoảng 30% tổng số người lao động cũng như đoàn viên của tổ chức công đoàn. Kết quả khảo sát cho thấy gói 20 nghìn đồng này cũng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu của công nhân. Rồi khi khảo sát, nguyện vọng của công nhân mong muốn thủ tục đơn giản, thuận tiện để có thể tiếp cận. Với góc độ đó, Tổng LĐLĐVN và 2 công ty cũng đã đưa ra một quy trình thủ tục để công nhân dễ dàng tiếp cận.

Thứ nhất là công nhân sẽ không cần thực hiện nhiều thủ tục khó khăn. Chỉ cần những thủ tục đơn giản như: có thẻ căn cước công dân photo, giấy xác nhận của công đoàn cơ sở rằng đang làm việc hoặc đang là đoàn viên tại đây là đã có thể tiếp cận.

Tiếp đó, công nhân tải app của 2 công ty tài chính đó về điện thoại của mình là có thể vay được khoản tiền cần vay. Công đoàn cơ sở sẽ thực sự đồng hành cùng công nhân khi triển khai gói tín dụng 20 nghìn tỷ này. Chúng tôi sẽ phải tham gia để giám sát các hoạt động, cũng như quá trình vay, quá trình trả nợ của công nhân để làm sao công nhân vay được, giảm thiểu tối đa sự phức tạp, rắc rối. 

Một trong những vấn đề quan trọng nữa để công đoàn phải giám sát là 2 công ty tài chính này không được bán các khoản nợ, hoặc là đưa quyền và nghĩa vụ của mình cho một bên thứ 3. Có nghĩa là họ phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, không được có những hành vi như đòi nợ trái với các quy định của pháp luật.

PV: Bà vừa nói đến giám sát của tổ chức công đoàn, đây cũng là vấn đề dư luận đang quan tâm. Người ta lo lắng rằng, những công nhân lao động phải đi vay hầu hết đều là những người đang thực sự khó khăn. Có thể hôm nay công việc và thu nhập ổn định, họ có thể trả đúng hạn, nhưng ngày mai không may họ bị thiếu việc, giãn việc chưa có tiền để trả đúng hạn, có thể lại phát sinh ra các câu chuyện phức tạp từ phía các công ty tài chính. Bà nghĩ thế nào?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Trong cam kết giữa Tổng LĐLĐVN và 2 công ty tài chính này đã thể hiện rất rõ, 2 công ty sẽ không được bán nợ, bán quyền và nghĩa vụ đang thực hiện với Tổng LĐLĐVN cho một bên thứ 3. Họ sẽ phải thực hiện đầy đủ các quy định trong suốt quá trình. Đây là các điều khoản bắt buộc, nếu vi phạm thì Tổng LĐLĐVN và Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý.

PV: Quy định được đưa ra phải là đoàn viên công đoàn và có tên trong danh sách thông tin cấp tín dụng, được cung cấp bởi công đoàn cơ sở. Có vẻ như đối tượng hơi hẹp bởi có rất nhiều công nhân, người lao động không phải là đoàn viên công đoàn. Bà có nghĩ thế không?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Chúng tôi sẽ sớm có các văn bản hướng dẫn đến tận cấp công đoàn cơ sở và người lao động. Có thể vấn đề mới được đưa ra nên mọi người chưa nắm được hết. Công nhân, người lao động nào cũng được tiếp cận gói tín dụng này. Với công đoàn khu công nghiệp, nơi doanh nghiệp đóng, công nhân, người lao động cứ đến với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoặc công đoàn cơ sở nơi đang có cán bộ tín dụng của 2 công ty đó đang hoạt động là có thể thực hiện. Như thế có nghĩa là không chỉ là đoàn viên công đoàn mà ngoài công đoàn vẫn có thể vay, nhưng những người lao động đó phải làm trong doanh nghiệp và có bảo hiểm xã hội.

PV: Rất nhiều kỳ vọng đang đặt ra, nhưng liệu gói tín dụng 20 nghìn tỷ có thể giải quyết vấn nạn “tín dụng đen” được không? Quan điểm của bà thế nào?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Chắc chắn là nó sẽ hạn chế được “tín dụng đen” trong các khu công nghiệp. Hiện nay, “tín dụng đen” có rất nhiều loại hình, đa dạng, len lỏi vào trong công nhân. Tôi ví dụ như trường hợp ngay bản thân công nhân vay của công nhân. Trường hợp này rất nhiều, lãi suất cũng rất lớn. Họ vay nhau chỉ 1 triệu đồng, nhưng tuần sau có thể đã phải trả đến 1,2 triệu đồng. Còn trường hợp như công nhân họ tải cái app tín dụng bên ngoài, họ vay 1 triệu đồng, có thể tháng sau họ đã phải trả thành 2 triệu đồng. Khi gói tín dụng này được triển khai, chắc chắn công nhân họ sẽ không bao giờ đi vay các đối tượng kia vì gói tín dụng này được vay tối đa lên tới 70 triệu đồng. Với mức vay tối đa này có thể đáp ứng được nhu cầu tương đối mà người công nhân đang cần. Bên cạnh đó, còn có nhiều chương trình “chạy” cùng, ví dụ công nhân mua xe máy được vay lãi suất thấp. Những công nhân càng đáp ứng được nhiều thủ tục thì càng được hưởng lãi suất tốt hơn. Những người mà thủ tục đáp ứng được ít hơn thì sẽ phải chấp nhận lãi suất cao hơn một chút bởi đây là quy định của luật tín dụng.

PV: Theo thông tin được đưa ra, ngay trong tháng 10 này, phía các công ty tài chính sẽ tổ chức triển khai gói tín dụng này. Bà có thể cho biết, Tổng LĐLĐVN sẽ tham gia triển khai thế nào để hỗ trợ được cho công nhân, người lao động tiếp cận nhanh nhất?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Chúng tôi sẽ có một văn bản chỉ đạo Liên đoàn Lao động 63 tỉnh, thành phố và 20 công đoàn ngành Trung ương. Trong đó sẽ có nội dung về quyền và trách nhiệm của các bên. Ví dụ phía các công ty tài chính có các quyền và trách nhiệm gì, phía tổ chức công đoàn có quyền và trách nhiệm gì. Phía tổ chức công đoàn sẽ có văn bản giao trách nhiệm cụ thể từ cấp Tổng LĐLĐ Việt Nam cho đến cấp công đoàn cơ sở. Tổ chức thực hiện cũng được triển khai từ công đoàn các cấp. Bên cạnh đó, còn có cả một quy trình cho vay, quy trình này sẽ quy định rất rõ các tổ chức công đoàn sẽ phải thực hiện những quy trình gì, cụ thể như thế nào. Rồi cũng sẽ có cả văn bản hướng dẫn công nhân, người lao động phải làm những gì để giúp công nhân, người lao động tiếp cận nhanh nhất. Các quy trình chi tiết này, chúng tôi đang làm và tuần sau chúng tôi sẽ họp với 2 công ty tài chính để thống nhất và triển khai luôn.

PV: Xin cảm ơn bà!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.
.