Cần thiết có hậu thanh tra, kiểm tra để hạn chế tham nhũng, tiêu cực
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, qua các vụ "đại án" như Việt Á, vụ án Cục Lãnh sự, vụ FLC, Tân Hoàng Minh, vụ AIC, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã có kiến nghị về hậu thanh tra, kiểm tra để đảm bảo kiềm chế một số đối tượng "không biết sợ"; kiến nghị hoàn thiện thể chế pháp luật, ứng dụng dữ liệu quốc gia dân cư và Đề án 06 để hạn chế "tham nhũng vặt"...
Gia tăng tội phạm tham nhũng trong cán bộ, công chức
Ngày 9/9, thảo luận tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 Ủy ban Tư pháp, cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm (PCTP) và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN); công tác thi hành án năm 2022 và các báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong công tác PCTN và vi phạm pháp luật vừa qua nổi lên là tình trạng gia tăng tội phạm trong "giới công bộc của dân".
Chẳng hạn, vụ việc bạo hành người tình của cán bộ quản lý thị trường ở Thanh Hóa; rồi vụ việc xâm hại trẻ em, quấy rối tình dục, chạy án... như vụ Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức; vụ Việt Á, Cục Lãnh sự, vụ FLC, Tân Hoàng Minh cũng có cán bộ công chức tham gia.
"Cử tri quan tâm đến tội phạm trong cán bộ công chức vì người dân chờ đợi ở họ những tiêu chuẩn cao hơn dân thường và người dân tin rằng, khi đã tuyển dụng họ vào bộ máy nhà nước thì quy trình tuyển dụng họ cũng rất chặt chẽ, thử thách trong thời gian dài, nếu có phạm tội cũng không phạm tội nặng, quy mô lớn, không gây thiệt hại lớn cho xã hội...", đại biểu lý giải. Vậy mà, một nhóm công chức cao cấp lại câu kết với nhau một cách có hệ thống để trục lợi rất lớn.
"Chúng tôi cho rằng, 1.000 vụ móc túi, trộm cắp cũng nguy hiểm, thiệt hại, nhưng không nguy hiểm, thiệt hại bằng vụ Việt Á, vụ Cục Lãnh sự, vì nó làm mất lòng tin vào Đảng, Nhà nước", ĐBQH TP Hồ Chí Minh nhận định và cho rằng, người dân hoan nghênh, tin tưởng thành tích PCTN vừa qua, nhất là quyết tâm và sự lãnh đạo kiên quyết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhưng cũng không ít cử tri và cán bộ, đảng viên chưa thực sự tin rằng chúng ta có thể ngăn chặn và giảm thiểu tham nhũng một cách căn cơ, dài hạn.
Từ đó, ông đề nghị phải có sự thay đổi đột phá về phương pháp và chính sách trong công tác cán bộ. "Những người dày dặn mấy chục năm đưa lên từng bước, từng bước rất cao rồi cuối cùng lại đứng trước vành móng ngựa. Từ PCTP, PCTN, cần đề xuất về chính sách cán bộ, vấn đề quản lý, tổ chức cán bộ thì mới căn cơ", đại biểu nêu quan điểm.
Công an xã chính quy góp phần quan trọng bảo đảm ANTT từ cơ sở
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đánh giá cao Chính phủ đã rất nỗ lực, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTP và vi phạm pháp luật, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhiều loại tội phạm giảm mạnh. "Chính phủ có nhiều biện pháp, huy động cả hệ thống chính trị; các cơ quan tư pháp phát huy vai trò trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, việc Bộ Công an triển khai kịp thời Công an xã chính quy trên phạm vi toàn quốc, góp phần cơ bản, quan trọng bảo đảm ANTT, an toàn xã hội ngay từ cơ sở. Quản lý các đối tượng, giảm thiểu tác động của các loại tội phạm và vi phạm pháp luật ngay từ sớm, ngay từ cơ sở", đại biểu nêu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng hơn 33%, tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tăng 69,35% - đây là vấn đề rất đáng quan tâm, suy nghĩ mà Chính phủ cần đánh giá thật kỹ nguyên nhân, xu hướng và biện pháp mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Nhiều vụ án xảy ra rất nghiêm trọng trong khi pháp luật nước ta ngày càng nhân đạo, nhân văn. Tội phạm công nghệ cao hết sức phức tạp, không chỉ "làm mưa, làm gió trên không gian mạng" như Kỳ họp thứ 2 ông có đề cập, mà nay đã "đổ bộ, đến tận giấc ngủ của các gia đình", gây nhiều khó khăn cho các cấp, ngành trong điều tra, đấu tranh...
ĐBQH Dương Khắc Mai đề nghị tăng cường giáo dục pháp luật để người dân có đủ kiến thức, "kháng thể" chống lại các loại tội phạm; cùng với đó, nghiên cứu sửa các quy định pháp luật để tăng nặng hình phạt. "Bây giờ chúng ta có lực lượng Công an chính quy tại các xã, đề nghị Bộ Công an chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục pháp luật, phòng ngừa từ cơ sở; cần có nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện để lực lượng này đủ năng lực, cùng các lực lượng thực thi công vụ", đại biểu nêu giải pháp.
Góp ý vào các báo cáo, ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá thực chất và có giải pháp cụ thể thực hiện chất lượng vấn đề quản lý người nghiện ma túy. "Thời gian vừa qua tội phạm ma túy rất phức tạp, trong đó có tội phạm do người nghiện ma túy, đối tượng "ngáo đá" gây ra có những vụ hết sức nghiêm trọng, gây lo lắng trong nhân dân. Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/8, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm. Do đó, cần quan tâm, giải quyết vấn đề này", đại biểu nhấn mạnh.
Kiểm soát chặt nguồn cung, nguồn cầu trong đấu tranh tội phạm ma túy
Phát biểu tại phiên họp, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trân trọng cảm ơn Cơ quan thẩm tra và nhiều ý kiến tâm huyết đối với báo cáo của Chính phủ về công tác PCTP, đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến, bổ sung vào báo cáo phục vụ Kỳ họp thứ 4 sắp tới.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, hàng năm, với vai trò là cơ quan chủ trì, Bộ Công an thường xuyên chủ động tham mưu cho Chính phủ phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng các kế hoạch chủ động giải quyết công tác PCTP, cơ bản các kiến nghị đã được giải quyết, báo cáo. Bộ Công an cũng coi trọng câu chuyện giải quyết án tạm đình chỉ, đã phối hợp giữa các ngành và bản thân Cơ quan điều tra Bộ Công an đã có Kế hoạch số 13 để giao chỉ tiêu đối với các cơ quan, đảm bảo năm sau giảm loại án này so với năm trước.
"Tuy nhiên, số liệu tồn đọng là từ nhiều năm và có tình hình phức tạp của những năm gần đây, nên lượng giảm nhưng chưa đáp ứng được thì lại có lượng tăng lên. Các cơ quan cũng cố gắng nỗ lực giám định, định giá trong một số vụ án, tích cực tháo gỡ, nhưng vẫn có vướng mắc. Chúng tôi sẽ tập trung giải quyết, và quan trọng nhất là tất cả đã có giám sát của Viện kiểm sát theo luật. Thực tế cũng chỉ rơi vào một số nhóm tội phạm", đồng chí Thứ trưởng lý giải.
Về nguồn cung của tội phạm là những người nghiện ma túy, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin, Bộ Công an đã rất chủ động có giải pháp kéo giảm tội phạm, cố gắng mỗi năm giảm 5% tội phạm so với năm trước. Số liệu trong các báo cáo đều đã rất cố gắng trong những năm vừa qua, tuy nhiên, điều này cần các giải pháp đồng bộ. Về ma túy, Bộ Công an đã đề xuất hoàn thiện pháp luật để có Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/1/2022; có các nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ và Điện của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4/2022 đôn đốc các bộ, ban, ngành tập trung các giải pháp.
"Nhưng nguồn cầu phải được kiểm soát rất chặt, nguồn cung phải được triệt phá chặt chẽ. Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ, bước đầu phối hợp với Bộ Công an Lào xây dựng kế hoạch cùng đấu tranh tội phạm từ xa, đặc biệt là tội phạm ma túy", đồng chí Thứ trưởng cho hay.
Cơ cấu tội phạm hậu COVID-19 rất phức tạp
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, mỗi giai đoạn thì cơ cấu tội phạm có những điểm khác nhau. Trước năm 1990, tội phạm ở thời kỳ bao cấp. Từ năm 1990 đến 2000 thì không còn là thuốc phiện mà chủ yếu heroin, tội phạm có tổ chức. Từ 2000 đến 2010 là tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm ma túy chủ yếu là ma túy tổng hợp. Từ 2010 - 2020 là tội phạm núp bóng doanh nghiệp, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng. Từ năm 2020 đến nay là tội phạm lợi dụng dịch bệnh, thiên tai, tội phạm mạng không biên giới.
"Chúng tôi đã nhận diện, phân ra các giai đoạn để xác định cơ cấu tội phạm trong các giai đoạn đó, sau đó tổng kết lại, tham mưu Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo các địa phương, phối hợp các bộ, ban, ngành chủ động trong lĩnh vực này", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phân tích và thừa nhận, cơ cấu tội phạm hậu COVID-19 đang rất phức tạp, ở một số nhóm tội danh, chẳng hạn mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân dẫn đến giết người thân; tội phạm tâm thần, "ngáo đá", lừa đảo, tệ nạn xã hội, dâm ô...
"Chúng tôi sẽ tích cực có các biện pháp, nhưng quan trọng nhất là sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân, vừa tuyên truyền, vừa đấu tranh, vừa phòng ngừa, vừa triệt phá thì mới đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới", đồng chí Thứ trưởng nêu giải pháp.
Về công tác PCTN, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác PCTN,TC và Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC vừa rồi đã rõ sự chỉ đạo, kết quả, dự báo trong thời gian tới. Tuy nhiên 5 vụ án: vụ Việt Á, vụ án Cục Lãnh sự, vụ FLC, Tân Hoàng Minh, vụ AIC thì các cơ quan, trong đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kiến nghị tương đối sát.
"Ví dụ, cần thiết có hậu thanh tra, kiểm tra để đảm bảo kiềm chế một số đối tượng "không biết sợ". Hoàn thiện một số thể chế pháp luật, kiến nghị cảnh báo những luật dễ bị lợi dụng chính sách, sơ hở để sai phạm. Chúng tôi cũng kiến nghị ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06 của Chính phủ về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Khi chúng ta làm tốt cái này, việc người dân trực tiếp dùng giấy tờ, gặp cơ quan công quyền sẽ hạn chế, tình trạng "tham nhũng vặt", bôi trơn sẽ được hạn chế...", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.