Cần có quan điểm thiết kế và khai thác, vận hành đường giao thông rõ ràng
Thời gian vừa qua, liên tiếp các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc, đặc biệt là cao tốc hai làn. Tuy chưa có thống kê cụ thể có phải hoàn toàn nguyên nhân do hạ tầng hay không, song những ý kiến cần mở rộng làn đường để người dân lưu thông được an toàn hơn, đã và đang được cơ quan chức năng tính toán thực hiện. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Vũ Hoài Nam- Khoa Cầu đường, Đại học Xây dựng Hà Nội.
PV: Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông ở Việt Nam hiện được quy hoạch từ 4 - 10 làn xe tùy từng đoạn. Nhưng do nguồn lực còn hạn chế, chúng ta đầu tư giai đoạn đầu một số đoạn theo quy mô 2 làn xe hoặc 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục. Ông đánh giá thế nào về cách làm này?
PGS.TS Vũ Hoài Nam: Đây là một câu hỏi hay. Điều chúng ta mong muốn là có một mạng lưới đường cao tốc hoàn chỉnh, đạt chuẩn cao tốc theo tiêu chuẩn Việt Nam và Công ước Quốc tế về Đường bộ mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, như câu hỏi nêu ra, chúng ta chưa có đủ nguồn lực ngay để đạt được điều mong muốn, vì vậy ý tưởng phân kỳ đầu tư là phù hợp nhằm đảm bảo mục tiêu quốc gia về hệ thống đường cao tốc.
Ở góc độ tích cực, việc đẩy nhanh hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới đường ôtô nói riêng và đường cao tốc nói chung giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong đảm bảo cung ứng vận tải của nhịp kinh tế đang phát triển của đất nước. Mặc dù vậy, việc phân kỳ xây dựng đường 2 làn xe và 4 làn xe không có dải dừng khẩn cấp liên tục, đương nhiên là sẽ có những rủi ro và bất cập mà chúng ta cần có các giải pháp ứng phó chủ động, ngăn ngừa ngay từ khâu thiết kế. Điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta cần có quan điểm thiết kế và quan điểm khai thác vận hành loại đường này rất rõ ràng, cụ thể: Các đường 2 làn xe, mà chúng ta gọi là cao tốc thực sự không phải là đường cao tốc mà chỉ là các đường 2 làn xe được mang một số chỉ tiêu hình học có yếu tố cao tốc. Nó là đường 2 làn xe có thể khai thác ở tốc độ cao hơn đường 2 làn xe hỗn hợp. Vì vậy, ứng xử khai thác và tổ chức giao thông cần xem là đường hai làn xe dành riêng cho xe ôtô. Đường 2 làn xe có đặc điểm khai thác và vận hành khác hoàn toàn đường cao tốc. Đem các đặc điểm khai thác vận hành của đường cao tốc vào đường 2 làn xe do vậy chưa phù hợp nên chúng ta cần điều chỉnh, tổ chức giao thông của đường 2 làn xe nhưng có chất lượng dịch vụ phục vụ của đường cao tốc (ví dụ về trạm dừng nghỉ, hệ thống ITS, quy chế giám sát vận hành tuần tra như trên cao tốc). Với đường 4 làn xe dải dừng xe khẩn cấp không liên tục chúng ta cần cân nhắc xem lại loại đường này. Để có thể khai thác được an toàn đòi hỏi phải có hệ thống giao thông thông minh (ITS) để có thể phát hiện ngay sự cố và ứng cứu, tổ chức đảm bảo ATGT việc này (thường phải phát hiện ngay tối đa 3-5 phút). Nếu không thể phát hiện được kịp thời sự cố, quan điểm cá nhân của tôi là không nên sử dụng. Việc phân kỳ đường cao tốc chỉ nên phân kỳ số làn xe khi đường trong tương lai cần nhiều làn xe nhưng trước mắt chỉ cần 2 làn xe mỗi chiều, nhưng vẫn phải đảm bảo đạt chuẩn đầy đủ các bộ phận.
Trên thế giới, để giải quyết bài toán kinh phí hạn hẹp dẫn đến các yếu tố thiết kế có thể tạo ra rủi ro, cũng có những quan điểm thiết kế ngược là dựa trên những dự báo về rủi ro để thiết kế cần có ngăn ngừa ngay từ khâu này (Risk-Based Design). Tất nhiên việc này đòi hỏi cần nâng trình độ và năng lực của người dự báo, thiết kế, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và phê duyệt với dạng đường này.
PV: Câu hỏi đặt ra, tại sao ngày càng có nhiều tuyến đường cao tốc khánh thành và chất lượng tốt, nhưng lại có xu hướng tai nạn tăng cao. Theo ông nguyên nhân là do ý thức của người tham gia giao thông hay hạ tầng giao thông trên các cao tốc (đầu tư phân kỳ) có bất cập?
PGS.TS Vũ Hoài Nam: Việc tai nạn giao thông cao trong thời kỳ khai thác ban đầu là hiện tượng vốn dĩ mà nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, sau đó tai nạn giao thông sẽ có xu hướng giảm dần. Điều này không đồng nghĩa con đường an toàn hơn bởi vốn dĩ các bất cập giao thông nếu chưa sửa đổi nó vẫn tồn tại. Sau một thời gian khai thác, khi người lái quen đường hơn, cẩn thận hơn thì tai nạn sẽ giảm dần. Do vậy vấn đề lái xe quen vận hành của đường mới là yếu tố quan trọng bao gồm cả công tác hướng dẫn người lái, công tác hỗ trợ người lái, công tác giám sát, xử phạt ở trong giai đoạn mới khai thác cần tập trung, thường xuyên cho đến khi các dấu hiệu tích cực về ATGT xuất hiện.
PV: Đường cao tốc tạo thuận lợi trong giao thông, rút ngắn thời gian đi lại. Nhưng có người nói đường cao tốc cũng là con đường nguy hiểm. Theo ông vì sao? Cơ quan chức năng quản lý về giao thông nên tổ chức lại các cung đường thế nào để tránh được các nguy hiểm đáng nói ở trên?
PGS.TS Vũ Hoài Nam: Đường cao tốc thực tế nếu xét ở mức độ tải mà nó gánh (hàng chục vạn xe/ngày đêm), thì nếu lấy số vụ tai nạn xảy ra tương đối với số hành trình xe/km thì có khi nó lại là đường an toàn hơn các đường khác. Đánh giá an toàn đường cao tốc cần khách quan và dựa trên chỉ số đánh giá khoa học. Tuy nhiên phải công nhận do vận hành ở mức tốc độ cao, thì mức độ nguy hiểm, nguy cơ sát thương là nghiêm trọng hơn với đường cấp thấp. Không thể giảm tai nạn giao thông trên bất cứ con đường nào về con số 0, chỉ có thể giảm bớt rủi ro tai nạn cho người lái xe bằng cách đánh giá toàn diện tiềm ẩn tai nạn, có giải pháp chủ động để ngăn ngừa. Khai thác phải dựa trên thiết kế và bản chất thực của con đường đó; không nên đặt cho nó một cái tên không phù hợp với nội hàm của nó và khai thác theo cái tên đó.
PV: Sau những "bất ổn" về ATGT trên đường cao tốc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng của bộ khẩn trương rà soát, nghiên cứu, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và phương án tổ chức giao thông để nâng cao an toàn khai thác trên các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn, 4 làn dừng không liên tục và các tuyến quốc lộ khác. Theo ông, liệu đây có phải là một trong những giải pháp sáng nhất trong việc ngăn, kéo giảm các vụ TNGT nghiêm trọng đáng tiếc xảy ra trong tương lai?
PGS.TS Vũ Hoài Nam: Đây là một chỉ đạo đúng đắn của Thủ tướng, Bộ GTVT. Các giải pháp mà các đơn vị chức năng đang làm sẽ làm kéo TNGT xuống, chắc chắn là thế. Nhưng có thể sẽ không duy trì được lâu nếu không có các giải pháp gốc rễ, dài hạn và bền vững ở nhiều khía cạnh khác nhau. Hay nói cách khác, các khía cạnh của xã hội-kỹ thuật trên quan điểm hệ thống chính trị-xã hội.
PV: Luật Giao thông đường bộ là bộ luật được tuyên truyền thường xuyên, liên tục, nhiều người bị xử phạt nhưng thực tế trên đường vẫn có nhiều người bất chấp, cố tình phạm lỗi, nhất là đi trên đường cao tốc. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm lưu thông trên cao tốc được an toàn với mọi tài xế, trong mọi thời điểm trong ngày khác nhau?
PGS.TS Vũ Hoài Nam: Lái xe là nghề nguy hiểm, chúng ta lái xe về nhà chứ không phải vào bệnh viện. Thượng tôn pháp luật khi lái xe. Đi nhanh - đi nhiều - đi lâu - đi ẩu là đồng phạm của tai nạn giao thông mà chúng ta cần tránh ra. Cứ mỗi 10 tuổi tăng thêm, cần tăng thêm sự cẩn thận 2 lần sự an toàn khi lái. Lái xe 2 bánh nguy hiểm hơn 2 lần lái xe bốn bánh. Quan sát - tỉnh táo - bình tĩnh - nhường nhịn là tôn chỉ khi lái xe.
Tóm tắt lại, trước khi lên xe lên đường cao tốc cần: Nắm vững hành trình cần đến, ví trí cần vào, ra; Tuân thủ làn đường, quy tắc vượt; Tập trung quan sát phía trước, thường xuyên quan sát phía sau; Chọn làn đường theo tốc độ phù hợp với Luật; Lái xe có tính nhân văn.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, với chiều dài 98,3km đi qua hai tỉnh Quảng Trị (37,7km), Thừa Thiên Huế (61km). Tuyến này kết nối với dự án La Sơn - Túy Loan tạo thành tuyến cao tốc dài hơn 175km và gắn kết với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ (đang triển khai), tạo trục động lực xuyên miền Trung.
Hiện cao tốc có 2 làn xe, trên tuyến có 9 điểm mở rộng 4 làn cho phép vượt và chiều dài mỗi đoạn được phép vượt là 2km, nhiều đoạn sơn nét đứt để các xe có thể vượt nhau khi điều kiện cho phép. Hệ thống biển báo, dẫn hướng chỉ đường cũng được bố trí đầy đủ. Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đang nỗ lực để trong tháng 3/2024, trình Bộ GTVT báo cáo tiền khả thi mở rộng cao tốc lên 4 làn xe.
Thống kê trên cả nước hiện có 5 tuyến cao tốc 2 làn xe với chiều dài 371km gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới. Bên cạnh đó có 7 tuyến 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục với chiều dài 372km gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Trung Lương - Mỹ Thuận.