Cần áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung

Thứ Ba, 30/05/2023, 14:31

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho rằng, việc áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho các giao dịch trên môi trường điện tử, trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả và an toàn của các giao dịch.

Đề nghị bổ sung trách nhiệm các nhà cung cấp, nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử

Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). ĐBQH Trần Thị Thu Phước băn khoăn, hiện nay, trên không gian mạng đang có nhiều hiện tượng lợi dụng, lừa đảo trong giao dịch điện tử. Để giảm thiểu tình trạng nguy hiểm này, bảo đảm quyền lợi của người thực hiện giao dịch, cũng như môi trường giao dịch lành mạnh, dự thảo luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng số, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc xác minh, làm rõ, giám sát, xử lý các vi phạm để đảm bảo giao dịch trên môi trường số an toàn, lành mạnh.

Cần áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung -0
ĐBQH Trần Thị Thu Phước thảo luận tại hội trường.

"Dự thảo luật cần quy định áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho giao dịch trên môi trường điện tử, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến", nữ ĐBQH tỉnh Kon Tum nêu.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những chủ trương quan trọng của Chính phủ nhằm xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nhằm nâng cao hiệu quả và sự minh bạch của hoạt động hành chính nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Thời gian qua, lực lượng Công an đã giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng, quản lý và sử dụng dữ liệu này, là nền tảng để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số, đồng thời cũng để phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các ứng dụng và hệ sinh thái số liên quan, đảm bảo tính thống nhất liên thông, an toàn và bảo mật thông tin.  

Cần áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung -0
ĐBQH Nguyễn Minh Đức thảo luận tại hội trường.

"Cùng với đó, cần thiết lập các biện pháp kiểm soát, giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo mật thông tin cá nhân trong giao dịch điện tử. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị, phần mềm và nhân lực để đảm bảo hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an hoạt động ổn định, liên tục và an toàn...", đại biểu đề nghị. ĐBQH tỉnh Kon Tum cũng đề nghị dự thảo luật nghiên cứu, chỉnh lý khoản 3 Điều 4, bổ sung cụm từ "định danh và xác thực điện tử" vào sau cụm từ "chữ ký điện tử", góp phần hoàn thiện hơn hành lang pháp lý cho các giao dịch điện tử, đảm bảo giá trị pháp lý của các giao dịch và tạo thuận lợi cho người tham gia giao dịch, lựa chọn phương tiện định danh và xác thực phù hợp hơn.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, Đề án 06 là một trong những đề án rất quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Đồng thời, trong Kỳ họp thứ 5 này sẽ thảo luận một số luật như Luật Căn cước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam thì đều quy định nhiều nội dung thực hiện trên môi trường điện tử. "Cho nên, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần phải được bổ sung vấn đề định danh và xác thực điện tử, có sự đối chiếu, so sánh và thống nhất với các dự án luật khác", đại biểu nêu.

Khi có vấn đề mất an toàn, việc xác định trách nhiệm là không rõ ràng

Liên quan chữ ký số chuyên dùng công vụ, dự thảo luật giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện QLNN về giao dịch điện tử. Song, theo ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) thực tiễn từ năm 2007 đến nay đã tồn tại 2 hệ thống chữ ký số riêng biệt là chữ ký số chuyên dùng công vụ (do Bộ Quốc phòng quản lý) và chữ ký số công cộng (do Bộ TT&TT quản lý).

Cần áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung -0
ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân thảo luận tại hội trường.

Chữ ký số chuyên dùng công vụ là hoạt động có tính đặc thù, là thực thi công vụ của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi cấp độ an toàn, bảo mật cao hơn. Còn chữ ký số công cộng do Bộ TT&TT quản lý, cấp phép cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có thu phí. "Nếu dự thảo luật giao Bộ TT&TT QLNN cả 2 loại chữ ký số nêu trên, khi có vấn đề mất an toàn xảy ra thì việc xác định trách nhiệm là không rõ ràng" - đại biểu lo ngại và đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện QLNN về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định pháp luật về cơ yếu và giao dịch điện tử.

ĐBQH Nguyễn Minh Đức cũng đề nghị vấn đề chữ ký số chuyên dùng công vụ cần được xem xét dưới góc độ quốc phòng, an ninh để đảm bảo an ninh quốc gia... Theo đó, Đảng, Nhà nước đã cho phép thành lập những cơ quan riêng biệt thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia trên không gian mạng. Trong thời đại công nghiệp 4.0, các chỉ thị, nghị quyết và các loại giấy tờ khác như giấy tờ khai sinh, sổ đỏ... mà người công vụ ký ban hành không đơn thuần là các giấy tờ, mà nó sẽ được ký ban hành trên môi trường điện tử, cho nên phải sử dụng kỹ thuật mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ.  

"Đây cũng là cơ quan chịu trách nhiệm trước Bộ Quốc phòng và Chính phủ về QLNN cả về kỹ thuật và con người để gắn trách nhiệm. Họ được phép sử dụng mật mã cơ yếu qua chữ ký số theo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước", đại biểu phân tích.

Chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được quản lý đặc biệt

Giơ biển tranh luận, ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) cho rằng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất quan điểm là cần phải phù hợp với chủ trương "một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính". Hơn nữa, chữ ký số chuyên dùng công vụ là loại chữ ký điện tử được sử dụng công khai trong giao dịch của cơ quan nhà nước, không phải là lĩnh vực đặc thù thuộc phạm vi bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quốc phòng, an ninh. Từ đó ông ủng hộ phương án của dự thảo luật.

Cần áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung -0
ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn tranh luận.

Tranh luận lại với ý kiến trên, ĐBQH Vũ Xuân Hùng (Thanh Hoá) nhấn mạnh, chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được quản lý đặc biệt và cần phải được rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm bí mật và an toàn, đây là yếu tố liên quan đến bảo đảm bí mật nhà nước. Theo ông, Ủy ban Quốc phòng và An ninh có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội những nội dung liên quan lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trong đó có nội dung về bảo đảm bí mật nhà nước trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước, của quốc gia, dân tộc. "Lĩnh vực này Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có ý kiến rất nhiều lần nhưng Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra còn đang băn khoăn. Tôi đề nghị Quốc hội và đề nghị Cơ quan soạn thảo cũng như Cơ quan thẩm tra, vì yếu tố bí mật của quốc gia và của dân tộc, chúng ta nên tiếp thu", đại biểu Vũ Xuân Hùng tha thiết.

Cũng theo ĐBQH Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội), bản chất của chữ ký số chuyên dùng công vụ là dùng công nghệ mật mã để xác thực thông tin dữ liệu và được triển khai sử dụng trong hoạt động công vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Kinh nghiệm thế giới cũng như Việt Nam coi mật mã như một vũ khí đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và do cơ quan thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, quân sự, quốc phòng, đối ngoại của đất nước quản lý theo một chế độ nghiêm ngặt và phải được mã hóa.

Cần áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung -0
ĐBQH Nguyễn Quốc Duyệt thảo luận tại hội trường.

"Mặt khác, công vụ là một hoạt động đặc biệt mang tính quyền lực pháp lý, được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước; chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký của người có thẩm quyền. Mỗi văn bản, mỗi giao dịch công vụ đều có tác động rất lớn và ảnh hưởng đến nhân dân, đến quốc gia, lợi ích của dân tộc. Vì vậy, chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật và phải giao cho cơ quan về quốc phòng, an ninh quản lý", ông nêu rõ.

Quỳnh Vinh
.
.
.