Bốn góc nhìn trong vụ án 3 con dê
Mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND hãy nhìn vào vụ việc này cũng như những vụ việc sai phạm khác để làm bài học hữu ích cho chính mình; để không ngừng tu dưỡng, học tập, rèn luyện. Hãy hiểu rằng, sắc phục mình mang trên người, quân hàm mình đeo trên vai áo, đó không chỉ là sắc phục của một cá nhân mà là hình ảnh, danh dự của lực lượng CAND.
Tôi tạm gọi vụ án 3 cựu cán bộ Công an thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức, Hà Nội) bắn chết dê của người dân là vụ án 3 con dê (3 con bị bắn chết, trong đó 2 con được đựng vào bao tải để trong xe ôtô, 1 con dê chết ngoài đường). Đây là vụ án xét về quy mô, thiệt hại tài sản tuy không lớn nhưng hành vi, tính chất, chủ thể phạm tội lại để lại nhiều bài học. Ở đây, chúng tôi phân tích trên 4 góc nhìn.
Thứ nhất, góc nhìn dư luận xã hội
Có thể nhìn nhận vụ việc qua 3 cung bậc. Ngày thứ nhất, dư luận xôn xao, lan truyền rất nhanh một clip của người dân đưa lên mạng xã hội. Nội dung clip thể hiện, nhiều người dân tại xã An Phú vây quanh ôtô con vì cho rằng những người trong xe bắn và lấy trộm dê. Họ phát hiện ở cốp ôtô có 2 con dê đựng trong bao tải và 1 con dê chết ngoài đường, phát hiện một vật giống súng trong xe và cả cảnh phục Công an. Hàng chục người dân vây quanh chiếc xe, lấy ra từng con dê để trong cốp xe, tỏ thái độ bất bình khi cho rằng 3 người trong xe là cán bộ Công an đã bắt, trộm dê của họ. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã có mặt để xử lý vụ việc.
Clip gây ra sự bức xúc lớn trong dư luận. Đặc biệt, sau đó báo chí đăng bài, dẫn lời của một lãnh đạo địa phương nói rằng, những cán bộ Công an trong xe khai đi bắn chim nên “bắn nhầm” dê của người dân! Điều này gây phản ứng tiêu cực, trong truyền thông gọi là “đổ dầu vào lửa”, từ đó xuất hiện tràn lan những bức ảnh chế giễu: “quái thú đầu dê, thân chim đậu hàng loạt trên cây”! Từ chỗ chỉ trích những cán bộ Công an liên quan trong vụ việc, đã có những bài viết, bình luận trên mạng xã hội bôi nhọ, chỉ trích lực lượng Công an, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận.
Tuy nhiên, ngay trong buổi chiều hôm sau, vụ án đã nhanh chóng được làm rõ: Công an TP Hà Nội xác định, 3 người liên quan vụ bắn chết dê của người dân là cán bộ Công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức. Ngay trong chiều 27/6, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã ra quyết định tước danh hiệu CAND đối với 3 cán bộ này.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cũng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Trộm cắp tài sản”, tạm giữ hình sự đối với 3 người trên để điều tra làm rõ. Giám đốc Công an Hà Nội cũng yêu cầu lãnh đạo Công an huyện Mỹ Đức đến nhà người dân xin lỗi, tiến hành bồi thường thiệt hại cho họ.
Động thái quyết liệt, nhanh chóng này ngay lập tức nhận được sự đồng tình, hoan nghênh của người dân. Và cung bậc trong ngày thứ ba: Dư luận bàn tán tính chất vụ việc và bày tỏ hài lòng trước cách phản ứng nhanh, dứt khoát và đúng luật của lãnh đạo Công an Hà Nội, trực tiếp là Trung tướng, Giám đốc Nguyễn Hải Trung.
Thứ hai, góc nhìn từ cơ quan chức năng, ở đây là Công an TP Hà Nội
Xét về thời gian, từ lúc clip được tung lên mạng (chiều 26/6), khi có thông tin trên báo chí (sáng 27/6) đến khi ra quyết định cả về hành chính và hình sự (chiều 27/6). Như vậy, tổng thời gian từ lúc xuất hiện thông tin đến thời điểm ra các quyết định xử lý chỉ 24 giờ. Nhìn lại các vụ việc nóng xuất hiện những năm qua trên mạng xã hội thì vụ việc này nằm trong top đầu về xác minh và ra quyết định xử lý.
Chúng ta không thấy khái niệm “để xác minh, kiểm tra làm rõ rồi trả lời sau” như một số vụ trước đây, thay vào đó là động thái rất nhanh chóng, dứt khoát. Điều này xuất phát từ sự chỉ đạo “ngay và luôn” của Giám đốc Công an TP Hà Nội. Với vụ việc xảy ra rõ ràng như thế, từ clip đến cán bộ lập biên bản tại hiện trường, không mất nhiều thời gian để Công an Hà Nội làm rõ và với tinh thần “xử lý nghiêm không có vùng cấm”, “cán bộ bảo vệ pháp luật phải chấp hành nghiêm pháp luật” của lãnh đạo Bộ Công an, việc xử lý kỷ luật (tước danh hiệu CAND) và hình sự (khởi tố vụ án) đã được ban hành ngay trong chiều 27/6.
Các quyết định đưa ra và công bố trước báo chí, dư luận thể hiện rõ sự quyết liệt đấu tranh chống sai phạm, tiêu cực “không có vùng cấm” ngay trong nội bộ CAND, đúng quan điểm xử lý kịp thời, nghiêm minh cá nhân sai phạm để cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa chung theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII.
Thứ ba, góc nhìn về đạo đức và pháp lý
Hành vi của 3 cựu cán bộ Công an thị trấn vừa vi phạm nội quy kỷ luật CAND, vừa vi phạm pháp luật. Việc trong giờ nghỉ trưa ngày làm việc, rời trụ sở đi vào núi “bắn chim” đã là sai phạm, chưa kể, còn dùng súng trái quy định. Chính lời khai “bắn chim nhầm sang dê” càng gây bức xúc trong dư luận, dẫn tới những hình ảnh chế nhạo “quái thú đầu dê, mình chim” tràn lan trên mạng xã hội. Chưa kể, có phát ngôn còn cho rằng vì “tưởng dê của người dân là dê núi, dê rừng” càng gây thêm những phản ứng bức xúc. Ở góc nhìn đạo đức, chúng ta thấy trộm cắp, ngay từ việc trộm cắp vặt vốn là hành vi luôn bị người dân chê cười, khinh bỉ, đó là điều phải hết sức tránh.
Thứ tư, góc nhìn của chính người vi phạm, ở đây là 3 cựu cán bộ Công an thị trấn Đại Nghĩa
Hẳn lúc này đây, ngồi trong nhà tạm giữ, 3 người mới hôm qua còn mặc sắc phục CAND đang rất tiếc nuối, xót xa, ân hận về hành vi đã gây ra. Họ là những cán bộ được cử về cơ sở trong chủ trương chung của Bộ Công an, có trách nhiệm tương tác, gắn bó với nhân dân địa bàn để giữ gìn ANTT. Trong lúc hàng vạn cán bộ, chiến sĩ còn miệt mài với công việc, từ giữ gìn trật tự địa bàn đến nỗ lực cấp căn cước công dân, cấp mã định danh cùng bao công việc vất vả khác, thế mà…
Có người đặt giá trị 3 con dê lúc này để thấy sự trả giá đó là quá đắt. 3 con dê với hộ nghèo cũng là giá trị lớn nhưng bây giờ đâu phải thiếu thốn, đói khổ để đi lấy cắp như vậy? Vả lại kể cả khi đói khổ, mình đã mặc sắc phục của ngành phải có nhiệm vụ giữ trật tự cho dân, bảo vệ của cải cho dân, cớ sao các chiến sĩ lại làm điều đó?
Để có được quân hàm đại uý, thượng uý, mỗi người cũng đã phải trải qua quá trình học tập ở trường và làm việc ở đơn vị trên dưới 10 năm. Đã học về kỷ cương, kỷ luật, vậy mà với suy nghĩ, hành động có thể nói là nông nổi, phút chốc đánh chìm đi tất cả, đánh chìm cả sự nghiệp mà bản thân, gia đình, họ hàng và đơn vị bồi dưỡng, vun đắp.
Cái giá ấy thật quá đắt. Thật xót xa!
Giá mà…
Tôi hiểu rằng, khi đặt bút ký quyết định tước danh hiệu CAND đối với 3 CBCS, người đứng đầu Công an TP Hà Nội đã rất trăn trở, day dứt. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu, chẳng ai thích thú gì khi phải xử lý những cán bộ, những đồng chí của mình, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự tôn nghiêm của luật pháp, vì lòng tin của nhân dân mà chúng ta phải làm và làm nghiêm. Quan điểm “bắt sâu mọt để cây khoẻ mạnh” chính là ở điểm này, dù xót xa, dù day dứt nhưng không thể không làm, vì sự trong sạch, vững mạnh của Công an Hà Nội nói riêng và của lực lượng CAND nói chung. Bởi thế, bài học cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa chung là rất lớn, rất hữu ích.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND hãy nhìn vào vụ việc này cũng như những vụ việc sai phạm khác để lấy đó làm bài học hữu ích cho chính mình, để không ngừng tu dưỡng, học tập, rèn luyện. Hãy hiểu rằng, sắc phục mình mang trên người, quân hàm mình đeo trên vai áo, đó không chỉ là sắc phục của một cá nhân mà là hình ảnh, danh dự của ngành, của lực lượng CAND. Vì thế, làm gì, hành động gì, phát ngôn gì phải giữ gìn hình ảnh của lực lượng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”!