Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiên phong đổi mới chính sách

Thứ Sáu, 23/12/2022, 19:03

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tồn tại của ngành là tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa; khiếu kiện đất đai vẫn còn tỷ lệ lớn; tài nguyên khoáng sản, nước chưa được sử dụng hiệu quả; bên cạnh đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai.

Ngày 23/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch, suy thoái kinh tế toàn cầu của năm 2022, ngành TN&MT đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, ngành TN&MT vẫn còn một số tồn tại, thách thức như việc triển khai số hóa dữ liệu đất đai còn chậm, mới hoàn thành ở 31% số đơn vị hành chính cấp huyện. Cùng với đó là tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa; khiếu kiện đất đai vẫn còn tỷ lệ lớn; tài nguyên khoáng sản, nước chưa được sử dụng hiệu quả; bên cạnh đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai.

small_bt-thh1.jpeg -0
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, năm 2023, toàn ngành cần quyết tâm triển khai những nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Qua đó, đạt mục tiêu nguồn thu từ tài nguyên và môi trường đóng góp 18% - 20% thu ngân sách nội địa. 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp. Hoàn thành đánh giá khả năng chịu tải, lập phân vùng và hạn ngạch xả nước thải vào các lưu vực sông quan trọng; phục hồi môi trường các sông, hồ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả ngành TN&MT đạt được trong năm qua, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phát triển hiện nay “không chỉ tăng trưởng nhanh, đơn thuần mà còn phải bền vững, từ bảo vệ môi trường đến chú trọng các vấn đề văn hóa, xã hội”

"Phát triển nhanh nhưng phải bền vững giống như gánh hai thùng nước đầy mà vẫn đi rất nhanh, không để sánh ra ngoài", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành TN&MT tiếp tục phát huy sáng tạo, tiên phong về đổi mới chính sách để đưa kinh tế phát triển bền vững hơn; đẩy mạnh đầu tư thiết lập các hệ thống đo đạc, trắc địa bờ sông, bờ núi - những khu vực thường bị sạt lở; phối hợp với các bộ nghiên cứu địa chất biển; hợp tác với quốc tế để tổ chức thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu…

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những "dư địa" mà ngành TN&MT có thể làm tốt hơn, từ đó tạo ra những nguồn lực tốt hơn cho nền kinh tế đất nước. Đó là quản lý tài nguyên môi trường biển, tài nguyên môi trường đất liền, công nghiệp hạ tầng cơ sở.

"Tuy nhiên đây không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của riêng Bộ TN&MT, và cần tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành, các cấp, cơ quan, đoàn thể để lan tỏa ra toàn xã hội, hình thành lối ứng xử phù hợp của từng công dân, từng tổ chức trong các lĩnh vực này", Phó Thủ tướng nói và đánh giá cao nỗ lực, tầm nhìn, tinh thần trách nhiệm rất mãnh liệt của Bộ TN&MT liên quan đến các vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Về một số nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT kiên trì, trách nhiệm trong ghi nhận, tiếp thu tối đa, cầu thị, khoa học; có sự trao đổi, phân tích xu thế qua các ý kiến đóng góp về Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước.

Bộ TN&MT đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu một số vấn đề mới đặt ra như đo đạc, quan trắc các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, lụt quét; nghiên cứu, khảo sát địa chất, môi trường biển…

Trong hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thực hiện các cam kết quốc tế; khẳng định vị thế đi trước, đúng xu thế thế giới và đưa ra những sáng kiến, mô hình hợp tác mới của Việt Nam.

CL
.
.
.