Bỏ sổ hộ khẩu giấy góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính

Chủ Nhật, 01/01/2023, 06:22

Sau nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác chuẩn bị của Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương, ngày 1/1/2023, sổ tạm trú, sổ hộ khẩu giấy chính thức được bỏ khi người dân thực hiện những giao dịch, thủ tục hành chính.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về TTXH, Bộ Công an để làm rõ hơn những cách thức thay thế, bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy cũng như lợi ích của việc này mang lại cho người dân, doanh nghiệp và đất nước.

Phóng viên: Thưa đồng chí Cục trưởng, thực hiện Luật Cư trú năm 2020, từ ngày 1/1/2023, bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy. Vậy khi đó người dân sẽ thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính như thế nào?

pv2.jpg -0
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cùng các đại biểu trao đổi công tác thực hiện Đề án 06.

Ngày 21/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2023). Tại Điều 14 đã quy định khi giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho công dân, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (DLQG) về dân cư (DC) bằng một trong các phương pháp, cụ thể: Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở DLQG về DC hoặc qua cổng dịch vụ công quốc gia; Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân hiển thị trong ứng dụng VneID; Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở DLQG về DC, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp; Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp không thể khai thác được thông tin về cư trú của công dân theo hình thức nêu trên, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú như Thẻ CCCD, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở DLQG về DC (Việc yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú được nêu cụ thể trong quyết định công bố thủ tục hành chính của bộ, cơ quan, địa phương  hoặc các văn bản thông báo dịch vụ của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ).

Phóng viên: Để Luật Cư trú 2020 thực sự đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104 liên quan đến việc cải cách hành chính, bỏ sổ hộ khẩu giấy. Đây là một bước đi rất quan trọng, yêu cầu đặt ra của Nghị định này đối với các bộ, ngành, địa phương như thế nào nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả dấu mốc lịch sử 1/1/2023?

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định 104 và thực hiện công bố thủ tục hành chính theo quy định thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình. Từ ngày 1/1/2023, các thủ tục hành chính, dịch vụ công có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được thay thế bằng việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú theo quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hạ tầng về hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn về thông tin; phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu với Cơ sở DLQG  về DC để ứng dụng giải quyết các thủ tục hành chính, công tác chuyên môn với mục tiêu "sử dụng thông tin về cư trú của công dân đã có trong Cơ sở DLQG về DC thay cho yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh về cư trú trong giải quyết các thủ tục hành chính".

Đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa còn khó khăn trong việc liên thông, kết nối thì có thể thực hiện theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 14 của nghị định. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú như thẻ CCCD, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở DLQG về DC.

Phóng viên: Với vai trò chủ trì xây dựng, cơ quan thường trực và đi đầu thực hiện Đề án 06, Bộ Công an đã triển khai những phần việc gì nhằm đổi mới, cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy để phục vụ người dân, doanh nghiệp…?

Ngay sau khi Luật Cư trú năm 2020 được Quốc hội thông qua, Bộ Công an đã tiến hành rà soát các văn bản pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao quy định hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền quy định để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật Cư trú, đặc biệt là các quy định có liên quan đến việc yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Đồng thời, thực hiện việc kết nối CSDLQG về DC với các hệ thống cơ sở dữ liệu khác do Bộ Công an quản lý như: Cơ sở dữ liệu về xuất nhập cảnh; Cơ sở dữ liệu căn cước can phạm; Cơ sở dữ liệu đăng ký phương tiện giao thông; Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính trong giao thông để giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Phóng viên: Vào ngày hôm nay (1/1/2023), việc đầu tiên triển khai của các cơ quan Công an, đặc biệt là bộ phận Cảnh sát QLHC về TTXH của Cục và Công an các địa phương sẽ là gì, thưa Cục trưởng?

Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai số hóa dữ liệu, tạo lập cơ sở dữ liệu dùng chung bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin theo quy định để kết nối với Cơ sở DLQG về DC để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của người dân thay cho yêu cầu phải xuất trình giấy tờ chứng minh về cư trú trong giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. 

Cục Cảnh sát QLHC về TTXH với chức năng nhiệm vụ sẽ tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ cũng như hỗ trợ các bộ, ngành, UBND địa phương, Cảnh sát QLHC về TTXH Công an các địa phương, phục vụ người dân, doanh nghiệp, cơ quan chức năng thực hiện Luật Cư trú năm 2020 đúng quy định. Lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH của Công an các địa phương theo đúng những hướng dẫn, thông báo bỏ sổ hộ khẩu trong những thủ tục hành chính để phục vụ người dân, cũng như tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng…  tuyên truyền để người dân và các cấp chính quyền, cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả Luật Cư trú.

Phóng viên: Người dân, doanh nghiệp và xã hội sẽ được hưởng lợi như thế nào từ việc thay đổi này, thưa Cục trưởng?

Bỏ sổ hộ khẩu giấy, thay thế vào đó là các thức quản lý mới trên điện tử như sổ hộ khẩu điện tử sẽ tạo ra nhiều tiện ích trong thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự trên môi trường điện tử, thúc đẩy việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Trong lĩnh vực đăng ký cư trú, công dân có thể nộp hồ sơ đăng ký cư trú trên cổng dịch vụ công trực tuyến mà không cần phải trực tiếp tới cơ quan đăng ký cư trú; việc giải quyết cư trú trên hệ thống phần mềm sẽ rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC, giảm bớt số thủ tục cần thực hiện (ví dụ trước đây để đăng ký thường trú tại nơi mới công dân phải thực hiện 3 thủ tục gồm cắt giấy chuyển hộ khẩu, đăng ký thường trú mới và xóa đăng ký thường trú thì hiện nay công dân chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký thường trú); công dân có thể nhận kết quả giải quyết đăng ký cư trú bằng nhiều hình thức khác nhau như email, SMS, cổng dịch vụ công…

Trong giải quyết các TTHC, việc sử dụng mã số định danh cá nhân để quản lý dân cư thông qua việc cập nhật, kết nối vào Cơ sở DLQG về DC sẽ mang lại những lợi ích thiết thực trong việc đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả.

Nếu như trước đây, công dân khi đi thực hiện TTHC phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, thẻ CCCD, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lái xe... Hiện nay, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên, không phải công chứng, chứng thực các loại giấy tờ này, mà chỉ mang theo thẻ CCCD hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện TTHC bảo đảm nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, giảm chi phí.

Mặt khác, việc kết nối, chia sẻ những thông tin cơ bản về công dân (Họ, chữ đệm và tên, ngày sinh, nơi sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú …) và thông qua việc sử dụng số định danh cá nhân sẽ giúp cho các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành có thể sử dụng và cập nhật Cơ sở DLQG về DC nhằm giảm thiểu chi phí, thời gian để chuẩn bị hồ sơ của công dân đối với các TTHC có mẫu đơn, tờ khai phải xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ quan chủ quản, người dân không phải mất nhiều thời gian để phải kê khai nhiều thông tin cá nhân trong đơn, tờ khai như trước đây.

Theo tính toán sơ bộ, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân vào Cơ sở DLQG về DC) vào giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành có yêu cầu cung cấp thông tin của công dân sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện TTHC cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc không phải thực hiện sao, chụp, chứng thực hoặc không phải kê khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền.

Phóng viên: Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy cũng đặt ra những yêu cầu về chuyển đổi số của các bộ, ngành nhằm liên kết dữ liệu. Kết quả và nhiệm vụ trong thời gian tới của các bộ, ngành, địa phương đối với nhiệm vụ này như thế nào?

Tính đến thời điểm hiện tại, Cơ sở DLQG về DC đã chính thức triển khai kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Công an đã triển khai tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở DLQG về DC với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành (Bộ Giáo dục và Đào tạo (CSDL giáo viên, học sinh); Bộ Kế hoạch và Đầu tư (CSDL đăng ký kinh doanh); Bộ Y tế (Dữ liệu tiêm chủng); Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (CSDL Trẻ em); Bộ Tư pháp; Bộ Giao thông Vận tải (CSDL giấy phép lái xe, CSDL đăng kiểm phương tiện), Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (CSDL chuyên ngành bảo hiểm); 4 doanh nghiệp Nhà nước gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, Nhà mạng viễn thông Tập đoàn VNPT - Vinaphone, Tập đoàn Viettel, Tổng Công ty MobiFone (CSDL thông tin thuê bao).

Đồng thời, triển khai sử dụng định danh điện tử để thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tự động điền thông tin vào biểu mẫu điện tử từ dữ liệu dân cư. Đã kết nối hệ thống dịch vụ công, một cửa điện tử của 35 đơn vị bộ, ngành, địa phương phục vụ cung cấp TTHC, dịch vụ công trực tuyến, tự động nhập thông tin hỗ trợ người dân sử dụng không phải khai lại. Ngoài ra, Cơ sở DLQG về DC còn kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu khác do Bộ Công an quản lý như: Cơ sở dữ liệu về xuất nhập cảnh; Cơ sở dữ liệu căn cước can phạm; Cơ sở dữ liệu đăng ký phương tiện giao thông, CSDL xử lý vi phạm hành chính trong giao thông.

Phóng viên: Tại hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Đề án 06 và Ủy ban chuyển đổi số Quốc gia vừa được Chính phủ tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong năm 2023 phải xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia và đặt tại Bộ Công an, đồng thời khẳng định: Chuyển đổi số có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng đối với mọi quốc gia, và ở Việt Nam trong tình hình hiện nay càng cấp thiết hơn gấp nhiều lần. Đồng chí đánh giá như thế nào về tầm quan trọng cũng như quan điểm chỉ đạo này của Thủ tướng? Quá trình thực hiện ra sao?

Phát triển, đẩy mạnh Chính phủ số là xu thế tất yếu của các nước hiện nay, điều này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh. Và để có thể làm tốt mục tiêu này, xây dựng bộ dữ liệu tập trung và các trung tâm dữ liệu tập trung là yêu cầu tiên quyết để thực hiện.

Để có thể thực sự chuyển đổi số, công tác giải quyết TTHC và các thủ tục trong quá trình quản lý nhà nước cần điện tử hóa, giảm bớt thời gian xử lý hồ sơ, thuận tiện trong quá trình triển khai và cắt giảm kinh phí cho việc in ấn, chuyển giấy tờ văn bản giữa các khâu, các đơn vị. Đồng thời, giảm thiểu kinh phí, nguồn lực cho việc quản lý, lưu trữ tàng thư và tăng cường hiệu quả trong quá trình khai thác tàng thư, giấy tờ cũ lưu trữ.

Tuy nhiên, hiện trạng của Việt Nam hiện nay không đủ đáp ứng để triển khai mục tiêu này do 3 nguyên nhân sau: Các thiết bị, hệ thống đầu tư từ lâu, không được cập nhật, nâng cấp. Đồng thời, mỗi hệ thống của từng ban, bộ, ngành được đầu tư theo mô hình, kiến trúc riêng dẫn đến nhiều khó khăn trong việc đầu tư cập nhật đồng bộ; phần lớn dữ liệu chưa được thu thập, số hóa, cập nhật thường xuyên nên không thể tận dụng trong quá trình trao đổi, chia sẻ giữa các đơn vị; nguồn nhân lực chưa đảm bảo về kiến thức và nhận thức về công nghệ thông tin, đặc biệt là về công tác đảm bảo an ninh an toàn trên môi trường mạng.

Việc triển khai Trung tâm Dữ liệu lớn quốc gia và bộ dữ liệu tập trung sẽ đảm bảo giảm thiểu nhất về kinh phí đầu tư, tối ưu nguồn nhân lực chất lượng và đồng bộ về các công nghệ, giải pháp, đặc biệt là công tác bảo đảm an ninh, an toàn đối với dữ liệu của người dân, dữ liệu chuyên ngành của cơ quan Nhà nước trong tình hình an ninh mạng phức tạp như hiện nay và trong thời gian tới. Do vậy, việc triển khai Trung tâm Dữ liệu lớn quốc gia là nhiệm vụ trọng điểm, cần đặc biệt tập trung để triển khai.

Để có thể triển khai hiệu quả việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Bộ Công an cần phối hợp các đơn vị hoàn thiện, bổ sung các văn bản pháp luật để đảm bảo quy định trong quá trình triển khai. Đồng thời, Bộ Công an sẽ phối hợp với ban, bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp có kinh nghiệm tiến hành khảo sát, đánh giá chi tiết hiện trạng của các đơn vị. Bộ Công an sẽ trao đổi, phối hợp với các đơn vị quốc tế có kinh nghiệm triển khai Trung tâm Dữ liệu, hệ thống tập trung quy mô lớn của các chính phủ nước ngoài để tiếp thu, chắt lọc và tiến hành bổ sung, chỉnh sửa vào thiết kế với 4 mục tiêu gồm: Tối ưu chi phí đầu tư; Công nghệ, giải pháp tiên tiến nhất; Dữ liệu của người dân, cơ quan Nhà nước phải được bảo vệ tuyệt đối và dễ dàng trong quá trình nâng cấp, mở rộng.

Trong quá trình xây dựng hạ tầng cơ sở, hạ tầng vỏ trạm như điện, nước, điều hòa chính xác,… của Trung tâm Dữ liệu lớn quốc gia, Bộ Công an sẽ phối hợp các ban, bộ ngành, địa phương triển khai trước hạ tầng về công nghệ tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời hỗ trợ các đơn vị xây dựng hệ thống chuyên ngành, số hóa hồ sơ tài liệu, điện tử hóa quy trình, đảm bảo thực hiện công tác giải quyết các TTHC nhanh nhất có thể để nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí Cục trưởng!

Hoàng Phong (thực hiện)
.
.
.