Băn khoăn cơ chế giám sát lương tối thiểu theo giờ

Thứ Ba, 24/05/2022, 09:28

Đề xuất thực hiện lương tối thiểu theo giờ từ 1/7, đây là điểm mới trong dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) lấy ý kiến để trình Chính phủ.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ. Theo các chuyên gia, việc áp dụng lương tối thiểu theo giờ là cần thiết để bảo vệ quyền lợi về lương cho các đối tượng làm việc bán thời gian, lao động ở khu vực phi chính thức. Tuy vậy, mức đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH được cho là vẫn còn thấp so với mặt bằng giá cả hiện nay. Đồng thời, có ý còn băn khoăn về việc làm thế nào để giám sát người sử dụng lao động trả đúng theo quy định?

Mức đề xuất còn thấp?

Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, mức sàn lương tối thiểu theo giờ ở vùng I là 22.500 đồng/giờ. Nói về mức lương theo giờ này, chị Đỗ Kim Hoa (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) hiện đang làm nhân viên bán thời gian tại một hệ thống siêu thị mini cho rằng, đề xuất này chưa đảm bảo được giá trị tiền công cho người lao động trong bối cảnh mặt bằng giá cả đang leo thang hiện nay.

“Tiền công theo giờ hiện nay do chủ và người lao động tự thương lượng, chưa có quy định nào. Tuy nhiên, nếu ở mức 22.500 đồng/giờ theo đề xuất cho khu vực như Hà Nội thì vẫn còn thấp. Nếu làm việc 8 tiếng/ngày, người lao động sẽ được 180.000. Trong khi đó người lao động không được hỗ trợ các khoản như ăn trưa, đi lại. Tất cả đều tự túc, thì mức tiền công ấy khó đảm bảo cuộc sống. Tôi cho rằng, mức tiền công tối thiểu theo giờ cho vùng I phải ở mức 30.000 đồng/giờ”, chị Hoa chia sẻ.

Băn khoăn cơ chế giám sát lương tối thiểu theo giờ -0
Chính sách lương tối thiểu theo giờ sẽ mở rộng đối tượng lao động được bảo vệ bằng lương tối thiểu.

Mặc dù, đến thời điểm này Bộ LĐ-TB&XH mới đề xuất mức lương tối thiểu theo giờ, tuy nhiên hình thức trả lương theo giờ đã được nhiều người sử dụng lao động áp dụng từ lâu. Anh Nguyễn Như Hiếu (23 tuổi, quê ở Thạch Thành, Thanh Hóa) hiện đang làm nhân viên ở một quán cà phê khu vực Linh Đàm, Hà Nội cho biết, trước đây là nhân viên chạy bàn anh được trả công 18.000 đồng/giờ. Hiện chuyển sang làm nhân viên pha chế, anh được chủ trả mức 25.000 đồng/giờ. “Đặc thù công việc của tôi là làm việc từ sáng tới tối muộn. Thời gian làm việc trong ngày kéo dài, nhiều lúc cũng thấy mệt mỏi. So với một số công việc khác thì mức tiền công theo giờ này vẫn còn thua kém nhiều. Trong khi đó, theo đề xuất với mức 22.500 đồng/giờ nếu ở khu vực Hà Nội thì là quá thấp”, anh Hiếu cho biết.

Ở góc độ là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực lao động xã hội, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội cũng cho rằng, mức lương tối thiểu theo giờ theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH là thấp. Tuy vậy, TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, việc thấp hay cao có thể điều chỉnh sau cho phù hợp với thực tế cuộc sống. “Lương tối thiểu theo giờ thực ra không phải là vấn đề mới mà cũng được được đề cập từ lâu. Tuy nhiên, đến thời điểm này Bộ LĐ-TB&XH mới đề xuất. Đề xuất lương tối thiểu theo giờ là rất cần thiết bởi thị trường lao động hiện nay rất đa dạng. Đặc biệt ở khu vực không chính thức có rất nhiều công việc làm bán thời gian, không trọn ngày... nên cần có lương tối thiểu theo giờ. Bên cạnh việc quy định mức lương tối thiểu theo giờ, tôi cho rằng cơ quan xây dựng chính sách cần nghiên cứu thêm các chính sách an sinh xã hội khác cho các đối tượng lao động này”, TS Nguyễn Thị Lan Hương cho hay.

Là căn cứ để thỏa thuận tiền lương

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, lương tối thiểu theo giờ đã được quy định trong Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019. Chính sách này đúng ra phải được thực hiện từ ngày 1/1/2021 khi Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 có hiệu lực. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà đến nay mới có thể thực hiện.

Theo ông Quảng, khi chính sách được thực hiện sẽ có thêm nhiều người lao động ở khu vực không có hợp đồng lao động được bảo vệ bằng lương tối thiểu. Những đối tượng này thường là lao động tự do, mùa vụ, nhận những công việc không trọn thời gian, có thể làm những công việc giản đơn. Tuy vậy, số lao động này lại không nhỏ, chiếm khoảng 40% tổng số lao động làm công hưởng lương. Không chỉ ở khu vực phi chính thức (không có hợp đồng lao động) mà ngay trong khu vực doanh nghiệp cũng vẫn có những bộ phận làm việc theo giờ, theo ngày, không trọn thời gian.

Trước những băn khoăn về việc những đối tượng áp dụng lương tối thiểu theo giờ chủ yếu ở khu vực phi chính thức, không có hợp đồng lao động, làm thế nào để giám sát được việc người sử dụng lao động có thực hiện trả lương đúng theo quy định, đảm bảo quyền lợi được cho người lao động, ông Quảng cho rằng, việc giám sát này quả thực sẽ gặp không ít khó khăn. “Lao động ở khu vực phi chính thức, không giao kết hợp đồng lao động của chúng ta hiện nay rất lớn. Thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động chủ yếu là thỏa thuận bằng miệng do đó việc kiểm tra, thanh tra, giám sát đảm bảo thực thi chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, việc có quy định về mức lương tối thiểu theo giờ cũng sẽ là căn cứ để người lao động có cơ sở để yêu cầu chủ sử dụng lao động phải trả cho mình mức tiền công đáp ứng mức sống tối thiểu hiện nay”, ông Quảng phân tích.

Đề cập đến việc nhiều ý kiến cho rằng, mức lương tối thiểu theo đề xuất này còn thấp, ông Quảng cũng thừa nhận mức thu nhập này là thấp hơn so với mặt bằng giá cả hiện nay. Điều này cũng dễ hiểu vì đề xuất lương tối thiểu theo giờ này dựa trên mức lương tối thiểu theo tháng. Trong khi đó, mức lương tối thiểu theo tháng hiện nay vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động, nhất là trong bối cảnh giá cả đang leo thang. Ông Quảng cũng cho rằng, cơ quan xây dựng chính sách có thể tính toán lại cho phù hợp với tăng trưởng kinh tế và áp lực lạm phát để đưa ra quy định mức lương tối thiểu theo giờ tốt hơn, để cho người lao động và người sử dụng lao động làm căn cứ thỏa thuận tiền lương.

Phan Hoạt
.
.
.