Bài 3: Sống, còn và động lực phát triển của doanh nghiệp
Không phải chỉ là trào lưu, chuyển đổi số đã trở thành động lực phát triển, là nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp ở bất kỳ ngành nào. Với nhiều doanh nghiệp, đó không chỉ là chuyện sống, còn, mà còn là cách duy nhất để không bị bỏ lại phía sau.
Bước nhảy chuyển đổi số của doanh nghiệp
Là ngành đặc thù, ngân hàng được xếp vào hàng chuyển đổi số “thức thời”, đặc biệt là khi dịch bệnh COVID-19 ập đến, vì nó tạo ra hai lợi ích cơ bản là giảm thiểu chi phí giao dịch và gia tăng lợi nhuận. Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, COVID-19 đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số của ngành này nhanh hơn từ 3-5 năm, tạo bước nhảy vọt cho thanh toán số.
Thống kê cho thấy trước khi COVID-19 bùng phát, chỉ 20% doanh nghiệp để ý đến chuyển đổi số. Sau 6 tháng, có đến hơn 70% chú ý đến quá trình này và trên 50% đang thực hiện. Họ nhận ra COVID-19 là thách thức, cũng như cơ hội để thực hiện chuyển đổi số.
Điều này, một phần đến từ sự “thúc ép” của chính khách hàng. Ông Phùng Duy Khương - PTGĐ, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, Ngân hàng VPBank cho biết: CMCN 4.0, đặc biệt là dịch COVID-19 bùng phát đã khiến hành vi của khách hàng thay đổi. Theo thống kê, tỷ lệ sử dụng Mobile banking đã tăng trưởng từ 42% trong năm 2019 lên gần 70% trong năm 2020 và 2021; hay là Internet banking cũng đã tăng gấp đôi, từ 32% lên đến 72 % trong 2 năm qua.
Kết quả từ một cuộc khảo sát của Nielsen trong năm 2021 cho thấy gần 40% người tiêu dùng tại Việt Nam đang dùng ngân hàng số cho biết họ sẽ sử dụng thường xuyên hơn ngay cả khi COVID-19 được kiểm soát. “Người tiêu dùng đang tìm kiếm công nghệ thông minh, an toàn và nhanh hơn”, ông Khương nói và nhấn mạnh rằng các ngân hàng cũng phải “thông minh hơn, tự động hóa nhanh hơn và cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa tới khách hàng tốt hơn”.
Theo số liệu từ ví điện tử MOMO, chỉ sau một năm vừa rồi, số khách hàng của MOMO đã tăng gấp đôi từ 10 triệu lên đến 20 triệu, tức là sau 1 năm, số khách hàng tăng lên bằng cả 10 năm trước cộng lại. Còn theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có đến 95% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược hoặc tích hợp trong định hướng phát triển kinh doanh và công nghệ thông tin.
Mới đây, “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của NHNN xác định mục tiêu hướng đến vào năm 2025 đảm bảo 60% tổ chức tín dụng có tỉ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%. Để đẩy nhanh chuyển đổi số, mới đây, Thống đốc NHNN đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác chuyển đổi số ngành ngân hàng, do chính Thống đốc NHNN là Trưởng ban, 2 Phó Thống đốc là Phó trưởng ban…
Cùng với ngân hàng, một lĩnh vực cực kỳ quan trọng của nền kinh tế là tài chính cũng đang quyết liệt chuyển đổi số- đây là 2 lĩnh vực trong danh mục định hướng ưu tiên của Chính phủ. Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết, thời gian qua, ngành Tài chính đã ghi nhận những thành công trong cải cách, trong việc ứng dụng tin học hóa và số hóa. Đặc biệt là hai lĩnh vực nổi trội về quản lý thuế và hải quan đã có bước tiến vượt bậc, mang tính chất thay đổi căn bản, chuyển từ phương thức quản lý dịch vụ công dựa trên giấy tờ, giao tiếp trực tiếp, chuyển sang phương thức quản lý hiện đại, dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thiết bị hiện đại hóa để số hóa. 98% doanh nghiệp, người dân rất hoan nghênh và đón nhận.
Đặc biệt, trong bối cảnh các hoạt động giao tiếp trực tiếp không thực hiện được do dịch COVID-19. “Trong ngành Hải quan, hiện có đến 99% thủ tục thông quan đều đã được thông quan điện tử và gần như các doanh nghiệp đều tiếp nhận ngay phương thức này. Ngân hàng Thế giới đã có đánh giá khách quan và thừa nhận thành công này của Hải quan. Ước tính sự cắt giảm thời gian nhờ thông quan điện tử đã tiết kiệm 200 triệu USD/năm. Điều đó không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực cho doanh nghiệp, người dân, mà còn tăng tính công khai, minh bạch; làm thay đổi phương thức giao tiếp, giảm thiểu tiêu cực, tạo ra môi trường kinh doanh có lợi cho doanh nghiệp, thu hút nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh trong nền kinh tế”, ông Cường thông tin.
Với hàng loạt ngành nghề khác, việc chuyển đổi số cũng đang “dàn hàng ngang” tiến bước. Ngay những người nông dân ở Hưng Yên, nông dân Lạng Sơn cũng đang tự mình chuyển đổi số để mang thương hiệu nhãn lồng, na Chi Lăng lên sàn điện tử Postmart bán; hay các mặt hàng khác như cá tra, cà phê… đều đã được các doanh nghiệp vận dụng công nghệ số để đưa sản phẩm tới tay khách hàng. Thậm chí, một ngành thoạt nghe chẳng liên quan gì đến chuyển đổi số là việc mua bán đất cũng đang được công cụ này làm thay đổi hẳn bộ mặt.
Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản đang áp dụng việc chuyển đổi số để đến gần hơn với khách hàng. Cụ thể, nếu như trước đây, thông tin quy hoạch bất động sản luôn trong tình trạng “rỉ tai”, mập mờ, khiến nhà đầu tư bơi trong bể thông tin, chịu thiệt đơn thiệt kép thì bây giờ, công nghệ số đã giúp minh bạch tất cả. Ông Hà Tuấn Khang, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Marketing, Công ty cổ phần Tập đoàn Meey Land cho biết, hệ sinh thái công nghệ số có thể giải quyết tất cả các bài toán, làm mượt mọi điểm chạm của khách hàng, thông suốt dòng chảy dữ liệu xuyên suốt giữa người mua và người bán, cũng như các đối tượng tham gia vào chuỗi cung ứng bất động sản hiện tại…
Còn ông Vũ Quốc Việt Nam, Giám đốc Cấp cao Tập đoàn Đất Xanh thì cho rằng, xu hướng sử dụng công nghệ trong kinh doanh bất động sản là tất yếu, đã diễn ra rõ hơn trong suốt 1-2 năm trước. Dịch COVID-19 đã đẩy tốc độ chuyển đổi số lên rất nhanh và là xu hướng không thể cưỡng lại được.
Chuyển đổi số từ chính tư duy
Lợi ích của chuyển đổi số thì đã rõ ràng, nhu cầu chuyển đổi số là cực kỳ bức thiết, tuy nhiên trên thực tế, không phải lĩnh vực nào, hay doanh nghiệp nào cũng dễ dàng bắt kịp với xu thế này. Theo số liệu khảo sát của Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020, khoảng 75% các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam đang có xu hướng áp dụng công nghệ số trong hoạt động và quản lý. Khoảng cách về tỷ lệ ứng dụng công nghệ giữa các doanh nghiệp SME và các doanh nghiệp lớn đã giảm từ trên 20% xuống chỉ còn 5%. Đây là điều khác biệt đáng kể so với thời điểm trước khi đại dịch diễn ra.
Tuy nhiên, theo nhận định của VCCI, nhìn chung mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ số của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Điều này tồn tại cả từ vấn đề nhận thức, quyết tâm, cho đến các hành động cụ thể để đưa hoạt động của doanh nghiệp lên không gian số.
TS. Vũ Tiến Lộc - đại biểu Quốc hội, người từng được xem là “vác tù và” của làng doanh nghiệp Việt cũng chia sẻ, chuyển đổi số không phải vấn đề mới, song trên thực tế vẫn còn khá nhiều tổ chức e ngại, chưa dám bước ra khỏi giới hạn an toàn để thay đổi. Họ không nghĩ rằng đầu tư cho chuyển đổi số là để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, chi phí ứng dụng công nghệ số vẫn còn cao, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/doanh nghiệp và đặc biệt là thiếu thông tin công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng... đang là những rào cản lớn nhất hiện nay.
Về điều này, theo TS. Nguyễn Thùy Linh - Học viện Tài chính, những rào cản này còn xuất phát từ đặc thù của doanh nghiệp Việt nên cần phải có những giải pháp để gỡ bỏ. Ví dụ như với ngành ngân hàng chuyển đổi số đặt ra một số vấn đề đòi hỏi cần tiếp tục có sự nghiên cứu để hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, định danh và xác thực điện tử, cơ chế quản lý, giám sát đối với các công ty Fintech... cũng như việc đảm bảo an toàn, bảo mật trước xu hướng gia tăng của các loại tội phạm trên môi trường mạng với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.
Còn với lĩnh vực tài chính, hải quan, ông Phan Đức Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV cho rằng, dù hải quan đã cắt giảm, đã số hóa nhiều lĩnh vực nhưng chỉ là tiến bộ so với chính mình, chứ chưa đạt như kỳ vọng của doanh nghiệp. Trước mắt, số hóa để tạo thuận lợi trong mùa dịch, nhưng trong tương lai, số hóa không thể trên nền tảng cũ, mà phải ứng dụng số trên nền tảng số hóa - nghĩa là tư duy chuyển đổi số cần thay đổi. Đồng qua điểm, TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “COVID-19 tạo ra cú huých mạnh, nhưng chỉ là cộng hưởng chứ không phải vấn đề nền tảng. Rồi COVID-19 sẽ qua đi, nếu trông chờ COVID-19 để chuyển đổi số thì cái giá chúng ta phải trả đắt quá”.
Chia sẻ thêm từ góc độ chuyên gia, TS Trần Đình Thiên cho rằng để chuyển đổi số cần 2 điều kiện. Thứ nhất, cần có cơ sở dữ liệu tốt thì quá trình số hóa mới nhanh được - tức là chi phí. Thứ hai cần nhân lực.
“Ở nước ta hay có kiểu, càng già thì chức càng to, mà khả năng tiếp cận công nghệ càng kém, tôi đã chứng kiến nhiều cản trở đến từ lực lượng lãnh đạo rồi. Nhân lực là yếu tố quyết định vì kinh tế số chính là trí tuệ con người. Còn về phía doanh nghiệp, then chốt là phải có chính sách hỗ trợ, bảo vệ phù hợp. Nói khởi nghiệp, đổi mới, ban đầu rất khó khăn nên cần phải có chính sách hỗ trợ. Tóm lại, cần có chính sách phù hợp, nếu không đảm bảo an toàn và có chính sách tốt thì khó chuyển đổi số. Yếu tố thể chế là yếu tố quyết định đối với phát triển kinh tế số, chứ công nghệ không phải vấn đề quá ghê gớm, mà là môi trường văn hóa, xã hội, thể chế, chính sách”, ông Thiên phân tích.
Đón đọc Kỳ 4: Cơ sở dữ liệu dân cư - Nguồn tài nguyên số nền tảng
“Vấn đề bây giờ là thay đổi nhận thức để mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp tìm cách bước vào nền kinh tế số một cách thiết thực nhất và hiệu quả nhất. Nhìn vào bức tranh kinh tế và thực tế sự chuyển đổi của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, có thể tin tưởng những mục tiêu nói trên là khả thi” - TS. Vũ Tiến Lộc.
Thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
(Quyết định phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ)