Bài 2: “Cú hích” trong giáo dục
Với quy mô hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo (GD&ĐT), 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành Giáo dục xác định thực hiện tốt chuyển đổi số sẽ góp phần triển khai thành công chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số. Tuy nhiên, có lẽ phải đợi đến khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chuyển đổi số mới trở thành câu chuyện “sống còn” đối với giáo dục.
Với phương châm “tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng việc học”, toàn ngành đã “kích hoạt” từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến, đồng thời, từng bước đưa phương thức dạy học bổ trợ này trở thành chủ đạo trong các nhà trường, từ tiểu học đến bậc đại học.
“Kích hoạt” dạy và học trực tuyến toàn hệ thống
Từ mới mẻ, lúng túng, đến nay việc dạy và học trực tuyến trở nên quen thuộc với trẻ từ lớp 1 đến sinh viên đại học, nghiên cứu sinh và cả những học viên các khóa học ngắn hạn. Các cơ sở giáo dục công lập, lẫn dân lập cũng đều bắt nhịp nhanh chóng với xu thế mới này. Nhìn lại gần 3 năm ứng phó với đại dịch COVID-19, nhiều cán bộ quản lý giáo dục đều cho rằng, dịch COVID-19 mang đến áp lực cho hoạt động giáo dục nhưng cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn; tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng với việc dạy và học trực tuyến.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, dịch COVID-19 có thể xem là “phép thử” đối với cơ quan quản lý, các nhà trường và đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Trong đó, việc biết sử dụng công nghệ để hỗ trợ học sinh, thực hiện việc dạy học trong những tình huống bất ngờ cũng là một đòi hỏi thực tiễn. Giáo viên không phải truyền tri thức theo kiểu rót nước mà phải truyền thụ linh hoạt, qua nền tảng công nghệ là xu hướng không thể đảo ngược. Đòi hỏi này buộc giáo viên phải nhập cuộc. Nhiều giáo viên sau thời gian thử sức cũng đã tìm thấy được niềm vui, động lực sáng tạo, nhìn ra được sức mạnh của công nghệ, biết tích hợp nhiều học liệu để bài giảng không khô cứng.
Đại uý, TS Phan Thị Thu Trang, Khoa Khoa học xã hội nhân văn và tâm lý, Học viện Chính trị CAND cũng cho rằng: Cuộc chuyển mình trong bối cảnh dịch bệnh không mong muốn lại là cơ hội để các thầy cô giáo chủ động, tích cực và buộc phải thay đổi. Nhiều thầy cô ở mọi lứa tuổi, chức vụ với kinh nghiệm công tác khác nhau, đặc biệt là các giảng viên trẻ đều cùng tham gia vào quá trình tích lũy và chia sẻ kiến thức trên nền tảng Internet. Hệ thống hồ sơ giáo án được thiết kế hiện đại, dễ sử dụng, dễ khai thác, đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp và các nhiệm vụ chuyên môn, tiết kiệm rất nhiều cho việc in ấn giáo án một cách lãng phí. Đồng thời, các thầy cô dành nhiều thời gian hơn vào việc đọc, nghiên cứu, thao tác cùng máy móc để soạn ra những bài giảng thu hút, lôi cuốn học sinh, sinh viên trong các giờ học online.
Đối với học sinh, từ một phương thức học tập lạ lẫm, các em cũng đã dần làm quen với học tập trực tuyến trong suốt gần 3 năm học vừa qua. Không chỉ các trường đại học, học trực tuyến đã trở thành phương thức học tập chủ đạo của học sinh lớp 1 tại những địa phương dịch bệnh diễn biến phức tạp trong năm 2021. Thậm chí, tại nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi “lõm” sóng Internet, nhiều học sinh đồng bào dân tộc đã rủ nhau lên đồi dựng chòi, đón sóng 3G để học online.
Theo báo cáo PISA năm 2020 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố gần đây, việc học trực tuyến để phòng, chống COVID-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Việt Nam có khoảng 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Còn theo thống kê của Bộ GD&ĐT, không chỉ các trường đại học mà hầu hết các trường Tiểu học, THCS, THPT - nơi có dịch bệnh phức tạp trên toàn quốc đều triển khai phương thức dạy học trực tuyến và xem đây là phương thức dạy học chủ đạo, song hành với dạy học trực tiếp.
Đặc biệt, việc học trực tuyến đã buộc nhiều nghiệp vụ quản lý trường học phải số hoá, thực hiện trên nền tảng ứng dụng CNTT. Việc phát triển học liệu số đã được Bộ GD&ĐT chú trọng triển khai, đến nay đã có trên 5.000 bài giảng e-learning; trên 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, 200 thí nghiệm ảo và hơn 35.000 câu hỏi trắc nghiệm. Bộ GD&ĐT cũng đã số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý của ngành Giáo dục (53.000 trường học mầm non, phổ thông; Gần 24 triệu học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, thể chất...), hơn 1,4 triệu giáo viên (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn, lương...); Số hóa thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học, tài chính, báo cáo chuyên sâu về dạy-học ngoại ngữ…
Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn nhằm tạo hành lang pháp lý để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành. Một số chính sách tạo ra hiệu ứng tốt như hướng dẫn quản lý, tổ chức đào tạo trực tuyến trong các trường đại học; Hướng dẫn mô hình triển khai ứng dụng CNTT trong trường phổ thông; Các văn bản hướng dẫn dạy học trên Internet, dạy học trên truyền hình, công nhận kết quả dạy học qua mạng; Hướng dẫn sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; tập huấn giáo viên và tổ chức các hoạt động chuyên môn qua mạng.
Đẩy nhanh việc phủ sóng ở vùng “lõm”
Trong đại dịch COVID-19, giáo dục là một trong những lĩnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, với việc đẩy mạnh chuyển đổi số mà biểu hiện sinh động nhất là chuyển từ phương thức dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến, toàn ngành đã đảm bảo được mục tiêu “kép” là vừa giữ an toàn cho học sinh, vừa đảm bảo hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học. Mặc dù vậy, chuyển đổi số trong giáo dục cũng đã và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, đối với việc dạy và học trực tuyến hiện nay, khó khăn nhất là thiếu thiết bị, thiếu dung lượng đường truyền, cơ sở dữ liệu thống nhất toàn ngành. Thống kê ban đầu cho thấy, cả nước có khoảng 1,8 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, toàn quốc vẫn còn khoảng hơn 2.000 điểm lõm sóng Internet. Mặc dù chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT phát động đặt mục tiêu hỗ trợ 1 triệu máy tính cho học sinh nghèo, xoá các điểm lõm sóng Internet trong năm 2021 song nếu so với nhu cầu thực tế, vẫn còn 800.000 học sinh thiếu thiết bị học tập. Bên cạnh đó, việc hơn 20 triệu học sinh, sinh viên học trực tuyến cũng gây áp lực lên hệ thống đường truyền, khiến chất lượng đường truyền có nhiều thời điểm bị quá tải, ảnh hưởng đến việc dạy và học trực tuyến.
Trong khi đó, kho học liệu học trực tuyến dù đã được xây dựng nhưng vẫn còn nghèo nàn so với nhu cầu thực tế. Các phần mềm dạy học trực tuyến chưa có sự đầu tư nên vừa không đảm bảo chất lượng, vừa chưa đảm bảo an toàn. Ngoài ra, bên cạnh đội ngũ thầy cô năng động, say mê đổi mới sáng tạo, vẫn còn một bộ phận giáo viên ngại đổi mới, hạn chế trong việc ứng dụng CNTT vào bài giảng, bê nguyên bài giảng trực tiếp vào dạy trực tiếp nên chưa tạo được hứng thú cho học sinh… Những nguyên nhân khách quan, chủ quan này đã và đang làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trực tuyến.
Nhận định chuyển đổi số trong giáo dục là đòi hỏi tất yếu và không thể chậm trễ, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đưa ra 3 vấn đề mà ngành Giáo dục cần tập trung ưu tiên. Đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, cơ sở dữ liệu này phải đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia. Trên cơ sở dữ liệu đó để xây dựng các trung tâm điều hành, quản lý ngành và cuối cùng là xây dựng các nhà trường thông minh.
Ông Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cũng cho rằng, có 3 nhóm vấn đề chính cần giải quyết khi triển khai chuyển đổi số trong giáo dục. Nhóm vấn đề đầu tiên là công nghệ. Nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến con người, học liệu, phương pháp học tập. Cuối cùng là quản trị và chính sách, trong đó yêu cầu quản trị từ Bộ GD&ĐT đến các nhà trường phải thay đổi, kèm theo đó là chính sách kịp thời để công nhận kết quả ứng dụng được từ công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thì nhấn mạnh: Nếu phải chọn một cái để đột phá trong giai đoạn 5 năm tới thì ngành Giáo dục và đào tạo rất nên cân nhắc chọn chuyển đổi số, coi đây là giải pháp lâu dài, mang tính chiến lược chứ không phải là giải pháp tình huống ứng phó với COVID-19. Công nghệ số và chuyển đổi số có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề kéo dài của ngành Giáo dục và đào tạo. Lời giải chính cho chuyển đổi số giáo dục là các nền tảng số dùng chung.
Thừa nhận còn nhiều khó khăn, thách thức khi triển khai chuyển đổi số giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đó chính là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, là nhận thức, tư duy, năng lực, văn hóa số, sự chuẩn bị của thể chế, hệ thống văn bản quản lý điều hành, vấn đề tài chính. Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành Giáo dục và đào tạo, chuyển đổi số là đột phá, vì vậy, sẽ phải từng bước khả thi hóa từng nội dung, mục tiêu đặt ra trên tinh thần không chủ quan, nóng vội nhưng cũng không quá cầu toàn.
Đón đọc Kỳ 3: Sống, còn và động lực phát triển của doanh nghiệp
- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Ngành Giáo dục xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng trong giáo dục và đây là công việc không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được, song cần phải bắt đầu ngay và phải được làm thường xuyên, với hy vọng 5-10 năm sau công cuộc chuyển đổi số của ngành sẽ đạt kết quả.
- Hơn 2.000 điểm lõm sóng Internet: Cả nước có khoảng 1,8 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, toàn quốc vẫn còn khoảng hơn 2.000 điểm lõm sóng Intrernet. Mặc dù chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT phát động đặt mục tiêu hỗ trợ 1 triệu máy tính cho học sinh nghèo, xoá các điểm lõm sóng Internet trong năm 2021 song nếu so với nhu cầu thực tế, vẫn còn 800.000 học sinh thiếu thiết bị học tập. Bên cạnh đó, việc hơn 20 triệu học sinh, sinh viên học trực tuyến cũng gây áp lực lên hệ thống đường truyền, khiến chất lượng đường truyền có nhiều thời điểm bị quá tải, ảnh hưởng đến việc dạy và học trực tuyến.
- Kết quả ban đâu về phát triển học liệu số: Trên 5.000 bài giảng e-learning; trên 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình; 200 đầu sách giáo khoa phổ thông; 200 thí nghiệm ảo; hơn 35.000 câu hỏi trắc nghiệm.