Xử lý tham nhũng và bài học trọng danh dự
Dấu ấn nổi bật trong đấu tranh chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay là việc xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vốn là vấn đề nổi cộm trước đây.
Khẳng định những kết quả đạt được về phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua là rất quan trọng, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khoá XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt, và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá; khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.
Tổng Bí thư cũng lưu ý thời gian tới cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. “Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm! Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có ý chí, quyết tâm cao, có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời, đừng “nhìn gà hoá quốc”; “đừng thấy đỏ tưởng là chín”! – Tổng Bí thư nêu rõ.
Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn luôn bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng để cụ thể hoá thành các chương trình làm việc và lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Đã có nhiều đổi mới rất tích cực trong lĩnh vực công tác này như: Ban hành quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó đã bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, bao gồm cả chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, coi đây là gốc của mọi vấn đề. Đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Thực tiễn cho thấy, với sự quyết tâm, quyết liệt chống tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm bất kể là ai, ở cương vị nào đã cho thấy quan điểm nhất quán của Đảng giữa nói và làm, giữa việc ban hành nghị quyết, chỉ thị với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, từ đó tạo ra sự cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa chung rất hiệu quả. Tuy nhiên, trong dư luận đã xuất hiện những luồng quan điểm có xu hướng sai lệch với sự chỉ đạt nhất quán trên. Đó là những ý kiến cho rằng, thời gian qua, chúng ta xử lý tham nhũng, tiêu cực “quá mạnh tay”, “bắt bớ quá nhiều”, tạo ra sự lo ngại, trì trệ trong công tác và lao động, sản xuất.
Đã xảy ra hiện tượng nhiều cơ quan, đơn vị chùn tay, không dám làm vì sợ trách nhiệm, thậm chí đùn đẩy, né tránh khi phải xem xét, ký kết các văn bản, kế hoạch, hợp đồng tài chính, các văn bản liên quan đến đấu thầu. Đặc biệt, nhiều người lấy lý do vụ Việt Á, vụ “bay giải cứu” có số lượng bị can lớn, liên quan nhiều cơ quan, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương nên họ lý lẽ rằng, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực là do cơ chế, do chính sách nên rơi vào hoàn cảnh đó “ai đen thì chịu” và “muốn tránh cũng khó”! Từ đó, có xu hướng quy cho việc chúng ta đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực, kỷ luật, bắt giam, xét xử nhiều thành nguyên nhân dẫn tới cán bộ, đảng viên, công chức lo lắng, không dám làm, dẫn tới sản xuất có dấu hiệu đình trệ, tư tưởng làm việc cầm chừng, nghe ngóng…
Những quan điểm trên là không đúng với chủ trương, tinh thần của Đảng, được thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) là: Kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt… Việc chống tham nhũng vừa phải kiên quyết, vừa kiên trì, làm thường xuyên, bài bản chứ không có khái niệm làm cầm chừng hay “làm thế đủ rồi”, “bắt thế nhiều rồi”!
Nhìn nhận khách quan, tham nhũng có những nguyên nhân do cơ chế chính sách pháp luật còn sơ hở, lỏng lẻo, có những quy định bị lợi dụng. Cũng có những nguyên nhân mang tính bối cảnh, môi trường. Chẳng hạn, trong vụ “bay giải cứu” hay vụ kit test Việt Á, khi sai phạm xảy ra từ chính một số lãnh đạo bộ, ngành ở Trung ương, lại thể hiện tính tổ chức, cấu kết chặt chẽ, chỉ đạo cấp dưới thực hiện khiến nhiều cơ sở y tế các địa phương bị kéo vào vòng xoáy và giám đốc nhiều CDC đã coi việc cầm “tiền lại quả” khi mua kit test như một món “hoa hồng” thông thường khi mua hàng hoá.
Nghĩa là họ coi việc vi phạm luật pháp, lấy đồng tiền phi pháp thành chuyện nhận lại quả như một sự hiển nhiên. Đấy là điều nguy hại bởi khi nhiều người coi việc đưa, nhận hối lộ là bình thường thì tạo ra thông lệ xấu, trở thành luật bất thành văn, lẽ ra phải đấu tranh, chống việc đưa và nhận hối lộ thì họ lại coi đó như một khâu cần phải có để đảm bảo lợi ích cho cả bên đưa và bên nhận.
Và suy cho cùng, dù có những bối cảnh, nguyên nhân khách quan tác động khi thực hiện hành vi tội phạm thì nguyên nhân chính vẫn là ở con người. Việc điều tra, xử lý nghiêm vụ án kit test Việt Á, vụ “bay giải cứu” ngoài xử lý các cá nhân cụ thể thì điều quan trọng hơn là chúng ta ngăn chặn chuỗi hành vi vừa vi phạm đạo đức, vừa vi phạm pháp luật, không để nó “sống bám” như những tác nhân gây hại mà không bị luật pháp sờ tới, sẽ sinh sôi nảy nở gấp bội. Từ đó, tạo ra bài học cảnh tỉnh, răn đe lớn trong xã hội, thức tỉnh các cơ quan, cá nhân, tổ chức khác biết sợ mà dừng, mà quay lại lề lối làm việc chuẩn chỉ.
Xem ra trong “công cuộc đốt lò” nhiều năm nay, quan chức cấp cao ở bộ, ngành, địa phương “vào lò” đã khá nhiều và tâm lý dân chúng cũng có những cung bậc khác nhau. Có người bị bắt, xử lý vì những sai phạm xảy ra trước đó nhưng người dân cũng phân minh giữa lý trí và tình cảm, ngoài cái sai do cán bộ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thì họ cũng rủ lòng thương về tình cảm, thái độ, khâm phục về năng lực, trình độ. Ngược lại, có những vụ bị can “vào lò” là người dân hỉ hả, như tháo gỡ được ung nhọt, bức xúc trong lòng bấy lâu.
Thế mới thấy, câu nói “quan nhất thời, dân vạn đại” thật đúng lắm thay; làm gì, ở đâu thì điều cốt yếu là sống làm sao để dân thương, dân trọng. Có bao nhiêu trăm tỷ, nghìn tỷ hay vạn tỷ cũng đã thấm vào đâu với “túi mười hai gang”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần răn dạy: “Tiền nhiều để làm gì, vật chất chỉ là phù vân, chết có mang theo được đâu. Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”! Mà xem ra trong xã hội ta, quan tham gây bức xúc trong dân chúng hiện diện không ít, lại biến ảo, sinh sôi, nảy nở dưới nhiều vỏ bọc khác nhau. Thế thì làm sao mà dừng lại cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực? Làm sao mà nói dừng cuộc chiến này để “lo phát triển kinh tế”?
Rõ ràng, phải làm tiếp, làm nghiêm như lòng dân mong đợi...