Từ thợ điện trở thành nghệ sĩ lớn

Thứ Bảy, 20/08/2022, 21:36

Nói đến những nghệ sĩ thanh nhạc hàng đầu của Việt Nam, không thể không nhắc đến cố NSND Mai Khanh (1923 - 2011). Ông là giáo sư bậc I, nguyên Chủ nhiệm khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam ngày nay).

Chẳng những là một nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng mà ông còn là người đào tạo nên nhiều ca sĩ tài năng, cũng trở thành những NSND và NSƯT tên tuổi như Thanh Huyền, Tường Vi, Vân Khánh, Trần Chất, Doãn Tần, Tô Lan Phương…

Ít ai có thể nghĩ một nghệ sĩ lớn, được đào tạo chính quy ở Bắc Kinh (Trung Quốc), rồi học thêm ở Ki-ép (Ucraine), về nước làm giáo sư thanh nhạc tại một trung tâm đào tạo nghệ sĩ âm nhạc lớn nhất nước lại xuất thân từ một thợ điện.

Từ thợ điện trở thành nghệ sĩ lớn -0
Cố NSND Mai Khanh.

Vâng. Mai Khanh quả là một trường hợp hiếm hoi, độc đáo.

Ông tên khai sinh là Mai Trung Ngọc, chào đời năm 1923 ở Hải Dương, có người mẹ hát đúm, hát ví rất hay, nổi tiếng khắp vùng. Vậy nên ngay từ nhỏ, cậu bé Ngọc đã ngấm những điệu dân ca ngọt ngào đó. Học hết trung học ở quê, cậu lên Hà Nội thi và đỗ vào Trường Kỹ nghệ thực hành rồi trở thành thợ điện. Nhưng đó chỉ là nghề sinh nhai. Cái máu đam mê âm nhạc, ca hát đã ngấm vào cậu từ trước và đã như một cứu cánh cho cuộc sống vất vả, lam lũ kiếm sống hàng ngày. Ở đâu, lúc nào có thể là cậu cũng hát, chỉ là để thỏa niềm yêu thích. Nhưng mọi người xung quanh đã khích lệ cậu rằng: Có giọng hát hay như thế, ai nghe cũng thích thú mà làm thợ điện thì phí quá. Hãy hát cho nhiều người nghe. Không thể là "áo gấm đi đêm".

Năm 1944, tại Hà Nội, bắt đầu ra đời các quán Tân nghệ sĩ ở Bờ Hồ, Thiên Thai ở Hàng Bông, Thăng Long ở Hàng Gai. Thường hay hát vào các tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Mai Khanh cùng với Thương Huyền tham gia. Giọng hát của ông nhanh chóng được ưa thích qua các bài đang nổi tiếng khi đó như "Trương Chi", "Suối mơ", "Đàn chim Việt", "Thiên Thai" của Văn Cao, "Giọt mưa thu", "Con thuyền không bến" của Đặng Thế Phong, "Cô láng giềng" của Hoàng Quý…

Tháng 8/1945, trong cao trào khởi nghĩa hừng hực khí thế cách mạng ở khắp nơi, Mai Khanh tham gia hát ở Đài phát thanh Hà Nội, biểu diễn trong Tuần lễ vàng và Hũ gạo cứu đói do Hồ Chủ tịch kêu gọi. Đến tháng 2/1946 trở đi, Mai Khanh rời bỏ nghề thợ điện, toàn tâm toàn ý tham gia Đoàn kịch Giải phóng do Bộ Thông tin - Tuyên truyền tổ chức, biểu diễn phục vụ công tác tuyên truyền cho sự ra đời của Chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ. Từ năm 1950, ông về hát cho Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam cùng Thương Huyền và Trần Thụ. Năm 1953, được điều động sang Đoàn Văn công nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Ở đây, ngoài hát ca khúc mới, ông còn hát cả chèo, sắm vai Điền trong vở chèo "Chị Tấm anh Điền" nổi tiếng lúc bấy giờ.

Thấy Mai Khanh có nhiều triển vọng phát triển tài năng, năm 1955, Nhà nước cho ông sang tu nghiệp ở Nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc). Về nước, ông giữ cương vị Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam. Đến năm 1968, đi học tiếp cao học ở Nhạc viện Ki-ép (Ucraine).

Mai Khanh có giọng nam cao (ténor) sáng, vang, khoẻ, âm vực rộng tới 2 quãng 8. Do được học hành chính quy, bài bản mà ông xử lý mọi kỹ thuật thanh nhạc một cách nhuần nhuyễn. Nhưng lại vận dụng được cách hát dân ca của các nghệ nhân dân gian nên dễ thuyết phục được người nghe. Những bài ông để lại được dấu ấn đặc biệt với phong cách riêng, không lẫn với bất cứ ca sĩ nào đã khiến người nghe không thể quên như: "Nhớ về quê mẹ" (Vân Đông), "Bế Văn Đàn sống mãi" (Huy Du), "Giờ hành động" (Lưu Hữu Phước), "Người Hà Nội" (Nguyễn Đình Thi),"Ngọn đèn đứng gác" (Hoàng Hiệp - Chính Hữu)… Ông có lối hát nhẹ nhàng, tự nhiên, lên cao cũng như xuống thấp uyển chuyển, thoải mái.

Tôi nhớ mãi những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) thường diễn ra những đêm biểu diễn đơn ca, độc tấu các nhạc cụ Tây phương (pi-a-nô, vi-ô-lông, cello..), bên cạnh những tên tuổi ca sĩ nổi tiếng lúc ấy như Quốc Hương, Quý Dương, Trung Kiên, Trần Hiếu, Bích Liên, Thanh Huyền, Mỹ Bình, Tường Vi… luôn có Mai Khanh. Ông và Quốc Hương là thế hệ đàn anh của những ca sĩ còn lại.

Từ thợ điện trở thành nghệ sĩ lớn -0
NSND Thanh Huyền - một trong những học trò xuất sắc của Mai Khanh.

Mai Khanh là giáo sư thanh nhạc, là người soạn thảo ra nhiều tài liệu giảng dạy môn này trong các trường nhạc. Ông có phong cách nghiêm túc, chỉn chu như một nhà khoa học, nhà quản lý. Chất nghệ sĩ của ông, ta chỉ có thể thấy trong cách hát, giọng hát luôn rực lửa và phóng khoáng chứ không bộc lộ ở phong cách, ngôn từ hoặc trang phục hàng ngày. Mặc dù được đào tạo rất chính quy theo lối hát ben-căng-tô của dòng nhạc bác học (académique) nhưng do rất ý thức về dân tộc hóa mà ông đã xử lý nhuần nhuyễn hai yếu tố dân tộc và hiện đại trong cách hát của mình. Một lần đến chơi với Mai Khanh khi ông chưa vào công tác ở TP.Hồ Chí Minh, tôi thấy ông đang chăm chú nghe những băng ghi âm các nghệ nhân dân gian hát dân ca. Tôi hỏi ông:

- Ngoài hát và giảng dạy, anh còn nghiên cứu thêm cả dân ca?

Ông nói rất say sưa và tâm đắc:

- Làm nghề âm nhạc, không thể không thường xuyên nghiên cứu dân ca. Mình nghe để học cách hát của các nghệ nhân dân gian. Họ không được học gì về thanh nhạc mà hát nghe rất thú vị. Họ nhả chữ, lấy hơi đâu ra đấy. Cậu có thấy là họ hát rất nhẹ nhàng, thoải mái chứ không vất vả như một số ca sĩ hát ca khúc hiện đại?

Tôi nói với ông:

- Nhưng em tưởng anh đã nghe rất nhiều rồi nên mới có cách hát rất gần với lối hát của các nghệ nhân chứ ạ.

- Nghe đi nghe lại không bao giờ là thừa. Vấn đề chỉ là có thời gian không mà thôi.

Tôi nêu một thắc mắc của nhiều người để ông giải đáp:

- Vì sao có những ca sĩ khi chưa vào học trường nhạc hát lại hay, nhưng học xong hát lại dở hơn? Anh có thấy như vậy không ạ?

-Đúng thế. Có nhiều trường hợp như thế. Bởi vì những  người đó quá nệ vào kỹ thuật, lúc thể hiện tác phẩm chỉ chú trọng đến xử lý kỹ thuật sao cho vang, cho đẹp giọng mà không lưu ý đến yếu tố đầu tiên là phải có hồn, phải diễn tả được hết ý tình của tác giả gửi gắm trong ca khúc. Chính vì vậy mà nhiều bậc giáo sư giỏi luôn dặn học trò của mình là khi học thì cố mà nhớ mọi điều thu lượm được. Nhưng khi hát thì phải quên hết đi để trước mắt chỉ có tác phẩm mình cần thể hiện mà thôi.

Mai Khanh là một trong những người chủ trương cần gia tăng thêm thời lượng dạy hát dân ca trong các trường nhạc và cần coi đó là một môn chính, quan trọng. Không phải ai cũng dễ dàng đồng tình với ông, bởi đã từng có người nói: "Vậy thì nói học sinh đến học các nghệ nhân dân gian chứ không cần phải học trong trường nhạc làm gì".

Một lần, tôi chứng kiến một học sinh của Mai Khanh đến nhờ ông bồi dưỡng, hướng dẫn thêm một bài hát để tham dự hội diễn ca nhạc toàn quốc. Cô học sinh có người cha là một nhạc sĩ quen biết, tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng. Ông nói với cô:

- Tốt nhất là em hãy hỏi chính cha mình xem bài này cần thể hiện như thế nào. Hơn ai hết, ông sẽ nói được cho em hiểu sâu sắc bài hát. Còn về kỹ thuật thanh nhạc, bài này không có vấn đề gì. Âm vực không rộng, không có gì khó khăn phải dùng đến kỹ thuật. Hãy hát mềm mại, thoải mái ngay cả chỗ được coi là cao trào…

Có những ca sĩ chỉ hát thu thanh hay chứ không có khả năng giảng dạy hoặc biểu diễn trên sân khấu. Mai Khanh là một ca sĩ khá toàn diện trong các hoạt động trên: Hát thu thanh, hát biểu diễn, giảng dạy đều sở trường. Lại không ít những học sinh thanh nhạc, sau khi học xong chỉ có thể làm công việc giảng dạy mà không thể làm nghệ sĩ. Học trò của Mai Khanh phần lớn học xong đều trở thành nghệ sĩ biểu diễn mà một số tên tuổi đã kể ở trên là minh chứng.

Cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đánh giá rất cao những cống hiến của Mai Khanh trong việc phát triển lĩnh vực đào tạo thanh nhạc ở nước ta. Sau ngày thống nhất đất nước, ông đã mời người ca sĩ này vào giảng dạy trong Nhạc viện TP Hồ Chí Minh để tiếp tục phát huy tác dụng ở một thành phố lớn nhất và các tỉnh phía Nam của đất nước.

NSND, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Mai Khanh qua đời năm 2011, hưởng thọ 88 tuổi.

Nguyễn Đình San
.
.
.