Nhớ mãi Vân Đông
Vân Đông sinh năm 1919 ở Đức Phổ (Quảng Ngãi). Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động tuyên truyền văn nghệ ở Liên khu 5. Sau năm 1954, tập kết ra Bắc, ông được sang tu nghiệp về âm nhạc ở Nhạc viện Kyiv (thủ đô Ukraina). Về nước, ông làm Phó Giám đốc Nhà hát Hợp xướng Nhạc vũ kịch Việt Nam rồi chuyển sang Hội Nhạc sĩ Việt Nam làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Âm nhạc.
Tôi nhớ khoảng năm 1980 -1981. Một buổi sáng mùa thu, trời xanh ngắt, trong veo, không một gợn mây. Tôi đang ngồi trực ở tòa soạn Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật (cơ quan của Bộ Văn hóa - Thông tin) tọa lạc ở ngôi nhà có mái hình lục giác tại 26 phố Điện Biên Phủ, Hà Nội. Đang thả hồn theo mây gió thì bỗng có một người đàn ông đã đứng tuổi xuất hiện.
Ông tự giới thiệu là Vân Đông - nhạc sĩ, đang làm Thư ký tòa soạn ở Tạp chí Âm nhạc thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông tìm gặp tôi với mục đích mời về làm việc cho tạp chí này. Tôi rất đỗi vui sướng và thấy vô cùng hân hạnh vì được một nhạc sĩ nổi tiếng, bậc thầy đến tìm mình, lại gợi ý về công tác. Khi ấy chưa có điện thoại di động nên gặp nhau phải đến tận nơi, lại không thể hẹn trước.
Vân Đông trong tôi là rất quen thuộc bởi từ lâu tôi đã biết, thuộc lòng nhiều bài hát của ông. Tuy nhiên, trước đó, chưa một lần gặp. Nhưng nghe hai bài hát rất nổi tiếng của ông là “Nhớ về quê mẹ” và “Nhớ đàn xe nước” tôi hiểu là ông có quê mẹ ở Huế và quê cha ở Quảng Ngãi. Ngoài hai bài trên, ông còn có nhiều bài khác như “Dưới ánh sao vàng”, “Việt Nam mình có Cụ Hồ Chí Minh”, “Bước chân chiến sĩ”, “Tâm sự với sông Trà”, “Bức tranh xuân Vĩnh Phú”, “Tiếng hát người thợ” ... Đặc biệt là bài “Đêm trăng rừng Cúc Phương” - một trong những ca khúc du lịch hay nhất từ trước đến nay: “Đêm trăng Cúc Phương như đêm trăng thần thoại/ Trăng dát vàng trên lá dát trên hoa/ Cây chò chỉ trăng nằm đu cành bổng/ Cây trò xanh trăng ngả trĩu cành la...”.
Người nhạc sĩ nổi tiếng hôm đó có dáng người tầm thước, nước da hồng hào thật đẹp, mái tóc bạc chải ngược ra phía sau để lộ vầng trán cao với gương mặt đầy đặn, phương phi rất sáng sủa, ánh lên vẻ trí tuệ khiến tôi rất ấn tượng và đầy thiện cảm. Khi ấy, tôi mới ngoài 30 tuổi, Vân Đông đã ở tuổi trên 60. Kể thì ông đáng tuổi cha nhưng tôi đã xưng hô với ông là “anh, em” bởi thấy ông gần gũi, thân thiện, không có khoảng cách. Tôi càng quý trọng ông hơn khi ở vai vế bề trên, lại đang là một nhạc sĩ nổi tiếng, bậc thầy, mà nói: “Mình đến đột ngột không biết có làm phiền gì Nguyễn Đình San không? Hôm nay San có thể nói chuyện lâu lâu một chút chứ?”. Tất nhiên là tôi nói không bận gì và rất hân hạnh được hầu chuyện. Ông nói:
- Chắc San biết Tạp chí Âm nhạc là cơ quan ngôn luận của Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa ra đời, mới chỉ có Đỗ Nhuận là Tổng biên tập, mình là Thư ký tòa soạn lo toàn bộ bài vở. Ngoài một vài người ở bộ phận hành chính, trị sự thì chưa có cán bộ biên tập. Vậy nên mình muốn mời San về, biên chế hẳn ở bên đó. Nếu San đồng ý thì mình sẽ báo cáo để Đỗ Nhuận ký công văn xin San về. Mọi thủ tục hành chính chắc là sẽ nhanh.
Vân Đông nói có đọc nhiều bài viết về âm nhạc của tôi đăng trên Văn hóa - Nghệ thuật, Nghiên cứu nghệ thuật và nhiều tờ báo, tạp chí khác, thích lối viết sắc sảo, thẳng thắn của tôi. Tôi quá vui khi được ông ghi nhận. Khi ấy, tôi cũng đã có một vài ca khúc được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng chưa có hai bài “Chiều nắng” và “Trên dòng sông Lai Hạ” nên chưa nhiều người biết đến với tư cách nhạc sĩ sáng tác. Vân Đông nói thêm:
- Anh Đỗ Nhuận nói San là một trong những người còn trẻ đang được các anh lãnh đạo Hội chú ý đặc biệt về phương diện lý luận. Sang bên đó sẽ có nhiều đất để San chuyên sâu vào âm nhạc hơn.
Tôi đã nói rất thật. Về sau, có dịp gặp Đỗ Nhuận, vị đứng đầu Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng nói với tôi như Vân Đông nói lần ấy. Vô cùng cảm kích nhưng tôi rất khó xử vì lúc ấy, vừa được Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật lấy về từ cơ quan Fafim Trung ương. Tôi không thể dứt áo ra đi, tuy sang Tạp chí Âm nhạc sẽ thích hơn, nhiều đất viết lách và chuyên sâu về âm nhạc hơn. Vân Đông rất nhạy cảm. Tôi không tiện từ chối ngay nhưng ông biết được khúc mắc của tôi nên đã nói:
- San cứ suy nghĩ kỹ. Có thể chưa về ngay mà một thời gian nữa cũng được. Có thể khi ấy mình sẽ nghỉ hưu nhưng sẽ có nhạc sĩ khác thay thế. Ai cũng sẽ vì tờ tạp chí mà đón nhận San.
Tôi không thể chuyển sang Tạp chí Âm nhạc làm việc, ngay cả vài năm sau đó. Nhưng cái quý là được quen biết và trở nên thân thiết với Vân Đông. Tôi coi ông như một bậc thầy về sáng tác và cả lý luận vì ngoài sáng tác, ông còn viết nhiều bài nghiên cứu, lý luận chất lượng đăng trên hai tờ tạp chí là Âm nhạc và Nghiên cứu nghệ thuật (Bộ Văn hóa khi ấy).
Vân Đông có tính cách điềm tĩnh, nói năng nhỏ nhẹ, ôn hòa. Sau đó, tôi chủ động lui tới, gặp gỡ ông nhiều hơn. Tôi đặc biệt học được ở ông ý chí, lòng say mê nghề nghiệp và có lối tư duy luôn sâu sắc, đến nơi đến chốn. Ông không vội vàng bất cứ điều gì kể cả khi thời gian gấp gáp. Nhận lời sáng tác cho đâu, bao giờ ông cũng yêu cầu trước là không khống chế thời gian. Nếu nơi nào tỏ ra cần tác phẩm nhanh, ấn định thời gian phải hoàn thành gấp thì ông thường từ chối. Ông nói sáng tác phải hết sức thoải mái về mọi phương diện: tinh thần, cảm xúc và thời gian.
Thường một ca khúc để viết xong với ông có khi chỉ một vài giờ, nhưng ông không coi là đã hoàn thành mà luôn phải cần một khoảng thời gian có khi vài tuần, thậm chí vài tháng để suy ngẫm, tu chỉnh cho thật vừa ý, đến lúc hoàn toàn yên tâm mới công bố tác phẩm.
Lần sáng tác bài “Đêm trăng rừng Cúc Phương”, Vân Đông cho biết ngành Du lịch Ninh Bình mời một tốp nhạc sĩ vào thâm nhập thực tế sáng tác trong 5 ngày. Có mấy vị đã hoàn thành bài tại chỗ và báo cáo ngay. Một vài vị sau một tuần gửi tác phẩm vào. Riêng Vân Đông phải một tháng sau. Thực ra, ông viết xong chỉ sau 1 - 2 ngày nhưng tự thấy chưa yên tâm nên cố gắng sửa lại cho bằng vừa ý mới thôi.
Đúng dịp đó, tôi đến thăm, thấy ông có phần không tập trung vào việc tiếp khách mặc dù khi tôi xuất hiện, ông rất vui, còn nói người nhà đi mua bia về đãi. Sau vài câu thăm hỏi, ông nói luôn bài đang sáng tác và hát cho tôi nghe. Ông bắt tôi phải phát biểu thật đúng ý nghĩ để sửa. Quả là tôi thấy rất hay, đã hoàn chỉnh, không thể khác nên nói ông không phải sửa gì nữa. Khi đó ông mới yên tâm khép lại công việc. Đợt sáng tác ấy, 5 nhạc sĩ sáng tác được 7 bài, chỉ có ông và Trần Chung là thành công với 2 bài hay, về sau đã sống mãi, được người Ninh Bình truyền tụng (Trần Chung có bài “Cúc Phương ơi!”).
Mỗi lần tiếp xúc với Vân Đông, tôi thấy ông chỉ nói hai chuyện: Âm nhạc và quê hương Quảng Ngãi. Đã sống ở miền Bắc từ sau ngày hòa bình lập lại (1954), đến cuối thế kỷ 20 mà ông cứ như là vừa đi tập kết. Lúc nào cũng đau đáu nhớ về miền quê có núi Ấn sông Trà nên thơ. Ngọn núi và con sông này đã đi vào nhạc của ông thật ngọt ngào, dạt dào cảm xúc.
Vùng quê Đức Phổ (Quảng Ngãi) ngày trước có những đàn xe nước độc đáo là một vật dụng để nông dân tưới tiêu nước, phục vụ công tác thủy lợi. Ông có bài “Nhớ đàn xe nước” một thời rất nổi tiếng, người Quảng Ngãi truyền tụng đến tận hôm nay tuy giờ đây đã không còn: “Rì rào dòng sông ấm vang đôi bờ/ Mênh mang sông nước tiếng đàn xe...”. Với quê mẹ, ông có bài “Nhớ về quê mẹ” ra đời từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, ai nghe cũng thấy da diết, bồi hồi: “Trăng sáng sông Hương, miền Trung xứ Huế có kinh thành xưa cũ với giọng hò cao vọi âm vang đôi bờ...”. Cho đến nay, bài này vẫn là một trong những bài hát hay nhất viết về Huế.
Vân Đông sinh năm 1919 ở Đức Phổ (Quảng Ngãi). Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động tuyên truyền văn nghệ ở Liên khu 5. Sau năm 1954, tập kết ra Bắc, ông được sang tu nghiệp về âm nhạc ở Nhạc viện Kyiv (thủ đô Ukraina). Về nước, ông làm Phó Giám đốc Nhà hát Hợp xướng Nhạc vũ kịch Việt Nam rồi chuyển sang Hội Nhạc sĩ Việt Nam làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Âm nhạc. Ông mất năm 2001, hưởng thọ 83 tuổi. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật ngay từ đợt đầu tiên và được đặt tên một đường phố ở thành phố Quảng Ngãi.