Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện và liều “vaccine tinh thần”

Thứ Năm, 30/09/2021, 20:06

Những ngày này sống giữa tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, tác giả của những ca khúc quen thuộc "Ơi cuộc sống mến thương", "Ngày đầu tiên đi học" đã sáng tác và cho ra mắt 6 MV ca khúc về đề tài chống dịch COVID-19 rất được yêu thích. Tới đây khi tình hình dịch ở thành phố được kiểm soát, ông sẽ tập hợp để ra Album "Mỉm cười thì sẽ qua" như một kỷ niệm, một nỗi niềm của riêng ông trong cơn "biến động" mà "kẻ thù vô hình" mang lại.

Âm nhạc không phải là nghề kiếm sống

Trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện qua trang Facebook cá nhân, tôi đã được biết những điều thú vị về người nhạc sĩ có những sáng tác gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Nếu như âm nhạc của ông sôi động, trẻ trung, trong sáng, trữ tình, lãng mạn thì con người ông lại trầm lặng, ít nói và không được hoạt bát cho lắm.

Chia sẻ về điều này, ông cho biết, mặc dù sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng ông chịu ảnh hưởng tính cách từ quê mẹ Vĩnh Long. Vốn yêu thích âm nhạc ngay từ thời tiểu học, trung học khi thường xuyên thổi harmonica, chơi ghi ta và sau đó là sáng tác thế nhưng âm nhạc lại không là nghề chính mà ông theo đuổi. Ông là một bác sĩ nha khoa từng tốt nghiệp Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh và có thời gian dài công tác tại Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương thành phố Hồ Chí Minh. Ông coi âm nhạc là một cuộc rong chơi, một người bạn tri kỷ, không và chưa bao giờ nghĩ đó sẽ là nghề để kiếm sống.

thiênj 3.jpg -0
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện.

Tuy không chọn âm nhạc là nghề chính nhưng dường như nó lại bám riết lấy cuộc đời ông từ thuở còn là học sinh cho đến bây giờ khi đã bước vào tuổi 70. Ông luôn cho mình gặp may mắn khi vào trường học luôn được các thầy cô, bạn bè ủng hộ, động viên theo con đường âm nhạc. Khi ông học ở trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Thành phố Hồ Chí Minh) thầy hiệu trưởng đã khuyên: "Em hãy cố gắng giữ lấy nghề âm nhạc để làm rạng rỡ cho trường ta như cựu học sinh - Giáo sư, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước". Rồi khi học ở Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, ông được các thế hệ nhạc sĩ đàn anh trong phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" là nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập động viên phát triển phong trào âm nhạc trong giới sinh viên nhà trường. (Cùng lứa với nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện còn có nhạc sĩ Từ Huy ở Đại học Văn khoa, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên ở Đại học Kinh tế). Và với sự ra đời của ca khúc "Ơi cuộc sống mến thương" (viết năm 1976 khi ông đang là sinh viên năm cuối y khoa) đã dần phát lộ một tên tuổi nhạc sĩ tài năng trong tương lai.

Tuy coi là nghề phụ nhưng chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ "nghiệp dư hóa" các sáng tác. Bằng chứng là vào giai đoạn 1984-1989 khi ra nghề bác sĩ và có thu nhập ổn định, ông đã đi học Khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy ở Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh dưới sự hướng dẫn trực tiếp của nhạc sĩ Thế Bảo. Với sự siêng năng, chăm chỉ, 19 năm sau kể từ khi "Ơi cuộc sống mến thương" ra đời, ông đã sáng tác ca khúc thiếu nhi nổi tiếng "Ngày đầu tiên đi học". Và đó dường như cũng là sự khởi đầu đưa ông với mảng sáng tác cho lứa tuổi thiếu nhi. Dễ dàng nhận thấy trong sáng tác dành cho lứa tuổi này, ông luôn viết với tiết tấu nhanh, sôi động, mỗi bài hát là một bài học giáo dục lý tưởng sống để hướng các em đến với giá trị chân - thiện - mỹ.

Âm nhạc và nha khoa tưởng chừng mâu thuẫn nhưng qua lý giải của ông thì chúng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. "Nghề bác sĩ nha khoa của tôi chủ yếu là chăm sóc cho đối tượng là trẻ em. Tôi thấy các em thể hiện cảm xúc rất rõ ràng, như đang bị bệnh thì nhăn nhó, lo sợ rồi khi được chữa khỏi, các em đều rất vui vẻ và nếu có gặp ngoài đường vẫn cúi chào thân thiện. Bởi thế mà tôi luôn muốn viết ca khúc lạc quan, trẻ trung để mong muốn người bệnh đến với tôi sẽ hết bệnh và vui vẻ trở lại. Riêng chuyện bác sĩ lại sáng tác nhạc thì tôi xin khẳng định anh em trong ngành y tế rất đông người là ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công, chỉ huy dàn nhạc hoặc có anh em ban đêm trực bệnh viện họ cũng trở thành những nhà thơ, nhà văn… chứ không chỉ riêng tôi", nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện trải lòng.

Mỉm cười thì sẽ qua

Nối tiếp sự sôi động, lạc quan, yêu đời trong các sáng tác giai đoạn trước, trong thời gian này nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã cho ra mắt ca khúc "Thành phố ơi! Ngày mai trời lại sáng": "Cả thành phố sáng nay dường như ngủ say/ Dù nắng vẫn lấp lánh trên vai/ Mọi nẻo đường bao năm rộn rã/ Sao bây giờ im quá những tiếng bước chân qua…" rồi ở lời 2 "Cả thành phố sáng nay chỉ nghe lá rơi/ Chẳng có tiếng chim chào ngày mới/ Mặt trời buồn nên chim ngừng hót/ Ta mong chờ đêm tối bước qua cho nụ hôn bắt đầu…". Hay ở ca khúc "Triệu trái tim lên tiếng", ông đã viết: "Hàng triệu trái tim đau chung một đau/ Hàng triệu trái tim đang tháng ngày ba đào/ Cần thật nhiều bàn tay chắp từng nụ cười/ Cần thật nhiều bàn tay ta xoa dịu lòng người…". Rõ ràng ở trong tâm dịch được nghe những ca từ như thế này sẽ làm cho người nghe thêm ấm lòng hơn bởi sự sẻ chia, đùm bọc, đồng cảm của biết bao trái tim hướng về thành phố mang tên Bác.

thiện 1.jpg -0
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện trong một chương trình của Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Từng là một bác sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả, hiểm nguy mà các đồng nghiệp của mình đang là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch gặp phải. Bởi thế khi biết thông tin ở cơ quan cũ của mình - Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương thành phố Hồ Chí Minh có gần 90 bác sĩ tình nguyện tham gia chống dịch tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn thành phố, ông đã viết lên ca khúc "Đôi mắt cười". "Đôi mắt cười" chính là sự chắt lọc tinh tế của ông qua những dòng chia sẻ mà các đồng nghiệp cũ chia sẻ trên trang Facebook. Bài hát đã thành công ngoài mong đợi khi chính những người đồng nghiệp cũ của ông thổ lộ rằng, họ nhìn thấy hình bóng của mình trong ca khúc của ông.

Thậm chí trên trang Facebook của Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt thành phố Hồ Chí Minh đã lan tỏa MV này với những dòng chia sẻ: "Vì niềm tin mãnh liệt vào ngày toàn dân sẽ chiến thắng đại dịch, lực lượng y, bác sĩ bệnh viện đã tham gia các hoạt động chống dịch suốt gần 3 tháng qua: Tiêm vaccine, lấy mẫu cộng đồng và điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến. Họ đã luôn nỗ lực kề vai sát cánh cùng nhau vượt qua mọi khó khăn. Chúng ta hãy cùng lắng nghe giai điệu bài hát "Đôi mắt cười" của nhạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện viết tặng cho các chiến sĩ trẻ ngày đêm chống dịch của Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và ngành y tế nói chung như lời gửi sự cảm ơn và động viên tinh thần đến các chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Trong thời gian tới, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện sẽ tập hợp 6 ca khúc viết trong năm nay về chủ đề COVID-19 là: "Triệu trái tim lên tiếng", "Đôi mắt cười", "Thành phố ơi! Ngày mai trời lại sáng", "Xin", "Mỉm cười thì sẽ qua" và "Bớt dịch rồi mình hẹn hò nhau nhé!" để làm album lấy tên chung là "Mỉm cười thì sẽ qua". "Mỉm cười thì sẽ qua" không chỉ là thông điệp mà ông muốn gửi gắm tới mọi người trong tình hình dịch bệnh như hiện nay mà trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào chúng ta cũng cần vui tươi, lạc quan, tự tin. Trong những ca khúc "Bớt dịch rồi mình hẹn hò nhau nhé", người nhạc sĩ, bác sĩ đáng kính này cũng đã truyền đến thông điệp: "Dịch có thể bớt nhưng COVID-19 thì không hề mất đi vì vậy chúng ta phải xác định dần thích nghi và sống chung với nó như một bệnh cảm cúm thông thường".

Ngô Khiêm
.
.
.