Nhà thơ Nguyễn Trác - Một hồn thơ Hà Nội tinh tế

Thứ Bảy, 30/03/2024, 13:52

Dáng người nho nhã, ít nói và lịch thiệp, ngay từ khi biết nhà thơ Nguyễn Trác cách đây hơn ba chục năm, tôi đã thấy ông có phẩm chất tinh tế của thi sĩ đất Hà Thành. Tuy quê họ nội ở làng Nôm, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên nhưng nhà thơ Nguyễn Trác lại là người chính gốc Hà Nội khi ông sinh ra và lớn lên ở phố cổ Gia Ngư, quận Hoàn Kiếm vào năm 1945.

Ông thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ nhưng tác phẩm chủ yếu lại gối đầu sang thời hậu chiến sau 1975.

Tháng 10/1972, sau khi tốt nghiệp Sư phạm, Nguyễn Trác vào chiến trường khu V, công tác tại Ban giáo dục đặc khu Quảng Đà. Từ 1975-1977 ông là cán bộ phòng công tác chính trị Sở Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng, từ 1977-1983 là biên tập viên Tạp chí Đất Quảng, từ 1983-1985 học khóa II Trường Viết văn Nguyễn Du, năm 1988-1989 biên tập viên NXB Tác phẩm mới rồi về Tạp chí Nhà văn làm thư ký tòa soạn, Phó tổng biên tập và Tổng biên tập. Năm 2012 ông chuyển về cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam, làm Phó ban Văn học chuyên đề cho đến khi nghỉ hưu. Nguyễn Trác đã in 15 tập thơ và được trao nhiều giải thưởng văn học.

Nhà thơ Nguyễn Trác - Một hồn thơ Hà Nội tinh tế -0
Nhà thơ Nguyễn Trác.

Mùa xuân là mùa hy vọng của đất trời khi muôn hoa tươi tốt sau chuỗi ngày mùa đông lạnh giá. Còn mùa xuân trong thi ca chính là mùa sáng tạo của mỗi thi nhân. Trong tuyển tập thơ Nguyễn Trác vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 12/2023, tôi khá ấn tượng với bài thơ “Mùa xuân anh lên Yên Tử” với những câu thơ: “Ăn măng trúc chống gậy tre/Mũ cói bạn vừa mua tặng/ Mùa xuân anh lên Yên Tử/ Miệng nam mô a di đà/ Tìm dấu chân vua chẳng thấy/ Thấy nhiều bậc đá trơn và hàng tùng xưa/ Tùng hỏi: Anh có chí tìm Vua hay chỉ đi ngắm cảnh/ Đá bảo: thời gian có thể xóa nhòa/ Đây là làng Nghĩa Hổ /Còn ấm hơi nhân từ/ Đây là suối Ngài tăm/ Để sạch làu tâm tư/ Ba mươi lăm tuổi Trần Nhân Tông bỏ quyền lực và vàng son lên núi/ Anh giờ tuổi năm mươi/ Năm mươi tuổi chân như đã mỏi/ Mà chùa Đồng chửa tới nơi”.

Tôi chú ý đến cái thi vị trong bài thơ trên khi tác giả để cây Tùng hỏi: “Anh có chí đi tìm vua hay chỉ đi ngắm cảnh” rồi mượn đá trả lời: “thời gian có thể xóa nhòa”. Vậy, nhà thơ đã để cho thiên nhiên đối thoại với thiên nhiên, để cảnh vật trả lời câu hỏi của cảnh vật nhằm mở rộng trường mỹ cảm nhân học của thi ca.

Dòng thơ trữ tình tự sự của suy tư và ngẫm ngợi

Có thể nói bài thơ trên cùng nhiều bài thơ của Nguyễn Trác có phong vị, có hơi thở của dòng thơ trữ tình tự sự lấy suy tư, ngẫm ngợi làm mạch chính và mang dấu ấn của phong cách thơ anh. Trong bài thơ "Ngày về" viết cách đây hơn ba chục năm cũng đẫm tràn những nét ưu tư thế sự như vậy: "Anh trở về/ Sông đã phù sa/ Thành phố không còn tháng bảy/ Thành phố muộn màng như một bàn tay/ Dưới những vòm cây/ Xao xác niềm cô đơn tuổi nhỏ/Gió/ Những vì sao ban mai và những kí ức cũ/ Ta từng xanh trong nhau/ Không ai bắt đầu từ chỗ trống/ Gió đầy vai/ Em mang chiều đi tắm/ Buổi chiều mềm và ấm/ Sông Hồng như gương mặt người say/ Anh đối diện thời gian uống rượu/ Chàng Trương Chi gõ mạn thuyền đầy”.

Thơ Nguyễn Trác là vậy, sự suy tư luôn hàm ẩn trong cảnh sắc thiên nhiên và tâm thế con người, sự suy ngẫm và suy tưởng luôn ẩn tàng dưới mạch câu chữ như anh từng cho rằng: “Thơ là sự phản ánh những phản ứng của con người nhà thơ trước trời đất và cuộc đời, là cuộc đối thoại giữa số phận nhà thơ và cuộc đời”.

Tâm sự gửi gắm ấy xuất lộ đặc biệt như trong bài "Thơ cho bạn" viết tặng cố nhà thơ Trần Quốc Thực sau đây: “Một đĩa ốc nhồi/Cút rượu Thạch Sanh/ Những nàng tiên múa quanh Đức Phật/ Gương mặt em như hoa dại lúc sương mờ/ Chúng ta ngồi trên phố Nguyễn Du/ Nói những điều Nguyễn chưa từng viết/ Ốc có từ ngày xưa/ Rượu có từ ngày xưa/ Nhưng rực rỡ chưa một lần chạm tới/ Những đắng cay chua chát đã dư thừa/ Những chùm hoa bí ẩn trong thơ/ Mái ngói mũi hài những ngôi chùa cổ/ Những điều thiêng liêng và những điều gàn dở/ Chiếc xe đạp quèn và mùa thu/ Gương mặt ai như hoa dại lúc sương mờ/ Bóc hết mình ra như trẻ con bóc chuối/ Đập vỡ nhân tìm một vị bùi/ Chúng ta trẻ như những người trẻ nhất/ Chúng ta già hơn các bậc tiền nhân”.

Ngày ấy, cách đây hơn ba chục năm, những bạn thơ nghèo ở Hà Thành chơi được với nhau, thi thoảng vẫn tụ tập ở mấy quán rượu ốc dọc phố Nguyễn Du và mấy phố quanh đấy, để đàm đạo về thi ca và đọc cho nhau nghe những bài thơ mới viết. Tôi cũng may mắn được ngồi khề khà không ít cuộc với các bạn thơ như thế. Và, bài "Thơ cho bạn" của Nguyễn Trác ra đời trong cảnh ngẫu hứng như vậy.

Sự tinh tế trong cảm nhận, cảm hứng thăng hoa của thi sĩ là một phẩm chất nổi trội trong thơ Nguyễn Trác khi thơ ông luôn giản dị và khúc triết như vậy, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi viết về thơ Nguyễn Trác đã từng nhận định: “Cho đến nay, Nguyễn Trác đã xuất bản hơn mười tập thơ. Anh giữ nhịp khá đều với sự vận động của thơ ca nói chung. Hiện thực lớn của đất nước qua mỗi giai đoạn phát triển đều để lại trong thơ anh nhiều dấu ấn đặc biệt. Cùng với đó là sự vận động của tâm hồn anh qua nhiều trải nghiệm. Cách viết cũng có nhiều thay đổi nhằm bắt kịp những đổi thay của đời sống. Nhưng trước sau ta vẫn bắt gặp một Nguyễn Trác sâu đằm và đa cảm. Trong chiều sâu của sự cảm nhận, thơ Nguyễn Trác thường lấy cảm hứng ở những sự việc bình thường. Việc bình thường nhưng cảm xúc thì khác thường. Đó là nhờ ở khả năng phát hiện”.

Đổi mới thơ trước hết phải đổi mới tâm hồn

“Chính nhờ khả năng phát hiện mà thế giới trở nên luôn luôn mới. Thế giới được mới hóa vì tâm hồn nhà thơ luôn khắc khoải không yên. Đọc thơ Nguyễn Trác thấy rất rõ điều đó. Những câu thơ rất giản dị nhưng ta thấy tâm hồn anh chấn động. Như vậy thì, muốn đổi mới thơ trước hết phải đổi mới tâm hồn. Nhà thơ phải luôn luôn chống lại những cái cằn cỗi, ốm yếu từ trong bản thân mình. Đó phải chăng là tâm lý tự thỏa mãn, tâm hồn nguội lạnh, không còn khát vọng nữa. Đó không chỉ là căn bệnh giết chết cảm xúc mà còn làm thui chột tài năng. Chống lại căn bệnh đó là chấp nhận một trận chiến ở ngay trong lòng mình”, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết thêm.

Một trong những bài thơ khá hay của Nguyễn Trác đã từng gây xúc động trong lòng độc giả là bài “Lặng lẽ thiên nhiên” với tứ thơ khá độc đáo: “Đã bao lần anh đứng trú mưa/ Mà quên cây đang ướt/ Mưa nói gì với cây với buổi chiều và gió/ Có thể mưa đã gọi anh khản cổ/ Cây đã hờn đã dỗi như em/ Đã bao lần anh mải ngắm trăng/ Quên cỏ buồn trong tối/ Đi bên hoa mà mắt anh không thấy/ Hoa thơm ở phương ngày lòng anh ở phương đêm/ Và bao lần tựa đá để lên/ Anh quên ơn của đá/ Cốc rỗng không cứ tưởng là đầy rượu/ Từ bao giờ anh đã hay quên/ Những sinh linh bên mình và lặng lẽ thiên nhiên”. Với những câu thơ tưởng như giản dị nhưng lại rất khó viết ra như vậy, phải chăng trong khoảnh khắc xuất thần, Nguyễn Trác đã chạm được vào cõi thẳm sâu của lý trí bằng ngôn ngữ hình tượng của thi ca.

“Trên bến Bồ Đề” là một bài thơ dài của Nguyễn Trác, nói về tâm trạng của Lê Lợi trước khi vào thành Đông Quan để lên ngôi vua vào một chiều mùa xuân: “Chiều mùa xuân/ Đức Vua đứng trên lầu/ Nhìn sang phía Đông Quan/ Sau lưng là mười năm trận mạc/ Chiều mùa xuân/ Sông mang màu thượng võ/ Nhưng đêm đêm/ Bóng nguyệt vẫn tràn/ Đức Vua đứng trên lầu/ Đối lũy với Đông Quan/ Áo trận còn vương mùi hỏa khí/ Trống trận còn kinh động lân bang/ Mai ta vào thành/ Thuận thiên thừa vận/ Đời ta chưa từng lên Điện Kính Thiên/ Bình sinh ngày ngày chỉ ham kinh sử/ Đánh giặc vì không muốn làm tôi tớ/ Chứ không màng phú quý công danh”.

Đây là bài thơ mang sắc màu huyền sử, Nguyễn Trác viết trong dịp kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn, cho thấy cái nhìn sử thi của tác giả đã phần nào đó khái quát được những dấu tích thăng trầm và góp phần khắc họa được chân dung một vị đế vương lừng lẫy trong sử Việt như trong “Đại cáo bình Ngô” của đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi từng ngợi ca.

Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn khi viết về thơ Nguyễn Trác đã nhận xét: “Tôi nhận ra nơi anh một giọng điệu riêng, một “điệu tâm hồn không dễ lẫn”. Có thể chân thành hơn không khi phải nói ra những điều khó nói nhất: “Những đêm như đêm nay/ Anh muốn ném trả cuộc đời tất cả/ Những ngôi sao xa vời, những cốc nước không có thật/ Để sống cuộc đời bình dị bên em”. Thơ Nguyễn Trác vang lên âm hưởng của sự chối bỏ, của một bắt đầu trở lại “anh không chịu đựng nổi những gì bằng phẳng nữa”, và khi chối bỏ những gì “không chịu đựng nổi” ấy anh tìm đến cái đích thực của tâm hồn mình, thực thà, lặng lẽ và xa xót. Nhưng nói cho cùng, không ai có thể tự nắm tóc mình để nhấc mình lên khỏi mặt đất, cũng không ai có thể chối bỏ chính mình”.

Nguyễn Việt Chiến

.
.
.