Người như tranh bước ra từ ngọn lửa

Thứ Bảy, 20/04/2024, 12:53

Tôi không nhớ đã gặp họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng lần đầu tiên ở đâu, rất ít gặp anh, song ấn tượng về anh hàng chục năm vẫn không thay đổi. Anh sang trọng mà xuề xòa, nghiêm ngắn mà tinh nghịch, cái gì cũng thông tuệ mà cái gì cũng lơ mơ, nhưng tấm lòng với anh em bè bạn văn chương đều trước sau như một tuyệt không thay đổi.

Với giới văn nghệ sĩ, người đời đã nhầm khi từng cho rằng Đỗ Ngọc Dũng quý nữ giới hơn nam bởi tranh của anh nhìn đâu cũng thấy chị em mơn mởn. Có giao người mẫu U80 để Đỗ Ngọc Dũng thể hiện thì tranh vẫn cứ mơn mởn mười tám đôi mươi. Cơ mà Dũng ta luôn quý trọng tài năng, đặt tài năng lên hàng đầu, chứ đã là nghệ thuật làm sao rạch ròi nam - nữ? Điều này không chỉ riêng tôi biết. Nhưng tôi biết rất chắc chắn rằng, nếu đặt lên bàn cân hai tiềm năng văn nghệ nam và nữ, nếu đồng cân đồng lạng, Dũng ta sẽ chọn kẻ mang giới tính nam. Có gì sai sai chăng? Đời người, nhất là đời giới văn chương nghệ thuật làm sao rạch ròi sai đúng? Cái đúng cái sai nhiều khi cũng như cánh bướm mỏng sang sông.

họa sĩ đỗ ngọc dũng.jpg -0
Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng.

Trong hành trình lên Điện Biên mùa hoa ban đầu xuân, không khí vùng đất Tổ càng mười phần lung linh sóng sánh vẫy mời. Các bạn văn Phú Thọ luôn yêu quý tôi thì Đỗ Ngọc Dũng là một trong những người hăm hở nhất mỗi cuộc tôi xuất hiện giữa muôn hồng ngàn tía thập diện mai phục như ngày vua Hùng kén rể tứ phương. Nếu hỏi cuộc đời thế nào là sung sướng thì tôi cứ lấy luôn cuộc đời tôi ở lúc giữa giới văn hồng tía đất Tổ kèm thêm Đỗ Ngọc Dũng chính là lúc hoa bay dưới kiếm, nước bạc trăng thanh, hồ rượu biển thơ bát ngát cung mây vui sướng tưởng như không bao giờ dứt. Đó cũng là niềm khoái thú tự tay mình cầm tặng hoa cho mình chứ khi tàn canh tỉnh rượu đâu lại đóng đấy, nghiêm ngắn khác thường, cái gì cũng sợ, nhất là sợ vợ.

Nhắc đến vợ hiền thơm thảo, Đỗ Ngọc Dũng khác gì tôi đang giữa bầy tiên nữ bỗng giật mình thon thót mồ hôi mồ kê ướt đầm dưới gió thổi điều hòa 19 độ. Thì mới buổi chiều, khi Đỗ Ngọc Dũng dẫn tôi và bạn văn chương xem từng phòng tranh, từng bức tranh bỗng thấy phu nhân của anh thoáng hiện nơi cầu thang, tôi đã nói một câu như thần đồng mách nước: “Xem tranh Đỗ Ngọc Dũng tất thảy đều vị cái đẹp vị nhân sinh mà xem ra phần gái đẹp luôn là chính yếu. Các tiên đồng ngọc nữ từ thuở hồng hoang đến kỷ Hồng Bàng đến thời Bà Trưng, Bà Triệu kéo một mạch đến thời nay đều là những nữ nhân mặt hoa da phấn sắc đẹp cứu người ở đây là cứu ngài họa sĩ, vừa là lẽ sống của ngài vừa là pháp luật của ngài.

Ông anh ơi, chỉ có tài năng như ông anh mới bức nào bức nấy đều là một người xinh đẹp như mộng, hiện thực đến từng milimet, sát sàn sạt, nóng hôi hổi bên cạnh ông anh, vừa là thần tiên vừa là quan tòa công minh chính trực dẫn dắt sắc màu toan cọ mở nhiều lối thoát mà cũng rất biết đóng khung chắc chắn lồng lộng lưới trời như năm ngón tay Phật tổ. Ông anh dẫu có là Tề Thiên Đại Thánh tài hoa kế sách tinh quái cỡ nào, thậm chí dám cả gan tè vào cột thiên đình cũng đời nào ra khỏi bàn tay của chủ nhân?

Thôi thì ông anh hãy nghe em, một kẻ đã sớm phải chịu kiếp nạn như ông anh đây khuyên, rằng chúng ta hãy cứ cam tâm tình nguyện phục tùng, chân thành cũng được mà giả vờ giả tảng cũng được mới là đại kế vẹn toàn. ''Chủ nhân'' sáng suốt ắt sẽ biết ban công ban thưởng nhắm mắt cho qua những tội lỗi nam nhi thường tình cũng là đạo lý mà nữ nhân buộc phải dành cho nam nhân vậy. Còn như ông anh cậy tài cậy đảm, mũ ni che tai, bỏ nặng tìm nhẹ, theo đàn ong bướm phù vân, tưởng là tới được cảnh giới tiên mộng của mình, làm cha thiên hạ, kỳ thực cũng chỉ là ảo mộng mò kim đáy bể, bắt cá trong trăng mà thôi”.

Chả hiểu những lời có cánh ấy bay vào tai ông anh thế nào nhưng chính là để ra thông điệp với nữ thần chủ của ngài họa sĩ đứng cạnh, thấy cả hai đều cười ngất. Đã tự cười được mình, nghe người khác nói câu nửa nịnh hót nửa châm biếm mà vẫn cười tóa lên khoan khoái chắc chắn đã ở một đẳng cấp khác rồi.

Bốn tầng tranh hàng trăm bức của Đỗ Ngọc Dũng tại tư dinh thành phố Việt Trì chính là phần lớn cuộc đời anh đã hiện hình ở đó. Đỗ Ngọc Dũng đã và đang bán được rất nhiều tranh. Anh ngày nào cũng vẽ mà ngày nào cũng giao lưu bè bạn nơi nơi bất kể đêm ngày sớm tối trừ lúc nữ chủ nhân tuyên gọi. Tranh Đỗ Ngọc Dũng vừa hấp dẫn vừa khơi gợi, gửi thông điệp, khẳng định những dòng suy tư lớn, từng câu chuyện khác nhau từ thượng tầng lịch sử quốc gia tới bách dân trăm họ, tới từng con người cụ thể, nhất là những bức anh vẽ phụ nữ một mình đều đậm cá tính riêng - đó là sự dâng hiến đến tận cùng.

Tranh của Đỗ Ngọc Dũng là trí tuệ và tài hoa của người nghệ sĩ dâng mật cho đời tuyệt không đòi hỏi mảy may cho riêng cá nhân mình. Những người phụ nữ trong tranh Đỗ Ngọc Dũng từ thuở hồng hoang đến thời đại mới, dù trong đám đông lễ hội trang nghiêm trang phục hoành tráng hay lúc một mình không mảnh xiêm y đều là tận hiến vẻ đẹp trí tuệ và vẻ đẹp thần thái khúc thức, tinh túy, cơ thể vừa lặn sâu ở bên trong vừa toát ra thần thái bên ngoài có khi không nằm trong tranh, mỗi người cảm nhận khác nhau tùy theo tri thức, tri giác, tri ngộ của mình.

Nhiều người cho rằng, tranh Đỗ Ngọc Dũng luôn tả thực, tả một một, tả mẫu nào y sì mẫu đó, nhưng đó chỉ là cái vỏ bên ngoài. Cái lõi bên trong tranh Đỗ Ngọc Dũng luôn là rất khác. Anh luôn thấm đẫm một triết lý cái đẹp nhất, tinh chất nhất đều phải được bắt nguồn từ lao động. Lao động sản sinh con người. Lao động càng sản sinh cái đẹp bao gồm cả người đẹp trong tranh đến người đẹp ngoài đời. Tranh của anh từ tả thực, ẩn dụ, trừu tượng, biểu hiện, siêu thực… đều là truy tìm và tôn vinh cái đẹp đến tận ngọn nguồn phát tích. Đó chính là vẻ đẹp từ sự lao động của nhân dân cần lao của dân tộc ta đã mấy nghìn năm.

vợ chồng hoạ sĩ đỗ ngọc dũng.jpg -1
Vợ chồng họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng.

Tôi luôn ngạc nhiên không hiểu tại sao cánh họa sĩ luôn thân thiết với các nhà văn, nhất là những người viết tiểu thuyết, càng tiểu thuyết lịch sử thì càng thân thiết còn có phần chiều chuộng. Tôi cũng chẳng ngạc nhiên biết chắc cánh họa sĩ bán được tranh như Đỗ Ngọc Dũng chẳng hạn không chỉ giàu có về vật chất, tinh thần mà còn luôn rất hào sảng với cánh văn chương chữ nghĩa. Có lẽ nào họ từ thương thân mình sang thương thân người khác, có khi chỉ biết thương người không biết thương thân mà tình nguyện thù tiếp, bao sân, gánh gánh gồng gồng chầu này hiệp khác, lên xe xuống ngựa, chiêu đãi cánh văn chương tiểu thuyết thùng đào thùng đấu, ngày đêm sáng tối chỉ biết cắm mặt vào trang giấy, vợ đặt đâu ngồi đấy tuyệt không biết miếng ngon miếng ngọt là gì, nên động lòng trắc ẩn chăng? Thôi cũng chả nên rạch ròi mà hãy lập tức thưởng thức những gì ông anh ông bạn họa sĩ thiết thân trao tặng.

Buổi ấy, trong không khí đậm đặc chất văn chương nghệ thuật. Tôi ngồi giữa các bậc đa đề là nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, nhà thơ Kim Dũng, họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng và tám “tiên nữ” đều là những tài hoa Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Những ly rượu thần tiên cũng chẳng biết đắng ngọt thế nào cứ vơi vơi cạn cạn, trong tâm tưởng tôi như có cả voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao… cảm giác như đang sống ở thời Hùng Vương mở hội, phấn chấn lạ thường.

Sau cuộc ấy, với tư cách nhà văn áo lính, chúng tôi hành quân một mạch lên Điện Biên tới các bản làng, nơi có tượng đài ghi tội ác thực dân Pháp sát hại 444 đồng bào ta chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ nhỏ ở bản Noong Nhai, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên với những xúc động đến tột cùng. Tiếp đó là cuộc đi biên giới tới nơi xa nhất tỉnh Điện Biên - mỏm A Pa Chải càng thấy cuộc sống cần lao, gian khó, thử thách trùng trùng của đồng bào và chiến sĩ ta nơi núi rừng biên cương Tây Bắc rất cần được sẻ chia, đùm đậu.

Thật lạ, đêm núi rừng A Pa Chải, trong bập bùng ngọn lửa, trong hơi ấm của vô số ánh mắt, nụ cười người già, trẻ nhỏ, thiếu nữ, người chiến sĩ biên phòng sao bỗng thấy họ như đang từ trong tranh của Đỗ Ngọc Dũng ùa ra. Có lẽ nào đó là sự thực? Có lẽ nào người từ trong tranh bỗng chốc ùa ra mười mươi có thực cười nói, trao bát rượu, nắm bàn tay bập bùng nơi ánh lửa biên cương.

Nhìn ngọn lửa cháy, nắm chặt bàn tay người thiếu nữ và người chiến sĩ biên phòng, tôi bỗng thấy thật rõ ràng, tất cả các tác phẩm tranh của Đỗ Ngọc Dũng đều bước ra từ ngọn lửa.

Phùng Văn Khai
.
.
.