Mạch ngầm của thơ

Thứ Sáu, 03/01/2025, 11:10

Người thơ, lao động sáng tạo là nguồn mạch chảy theo năm tháng không ngừng nghỉ, có khi cả trong giấc mơ như mang một trọng trách, một duyên nợ.

Khi tôi trở về sum vầy sớm chiều với gia đình, không còn lo lắng công việc cơ quan, tâm hồn thư thái, một đêm nằm mơ thấy câu thơ:

Ngày ra đi chợ Cò Đông xao xác
Ngày trở về náo nức chợ Thánh Quan

Tỉnh dậy, tôi phân vân không biết có địa danh thật hay không. Mấy năm sau, tình cờ đọc trên báo mới biết ngày xưa có chợ Cầu Đông bên sông Tô Lịch, Hà Nội. Nhưng chợ Cò Đông có phải tên chợ gọi chệch chợ Cầu Đông? Còn chợ Thánh Quan thì không biết có hay không, hay là cái tên chợ Thánh Quan chỉ mang một ý nghĩa ẩn dụ?

Mạch ngầm của thơ -0
Ảnh minh họa

Sực nhớ nửa thế kỷ trước, khi tôi đang học Trường Mỹ thuật, nơi sơ tán trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ở lán trại bên sông “Cầu huyện Hiệp Hòa” năm 1966, lần đầu tiên tôi mơ thấy câu "Trăng sáng trời mây trắng thắp trời". Trong đêm không đèn, tôi ngồi dậy cầm bút ghi lại trên một mảnh giấy nâu như một dòng nhật ký. Hơn hai mươi năm sau, câu thơ đó tôi đã in trong tập thơ đầu tay “Tặng phẩm trong vườn” do Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh xuất bản năm 1989.

Câu thơ đứng độc lập, trở thành bài thơ một câu.

Ngày tôi ra trường lên công tác ở Ty Thông tin Lai Châu, một đêm trên vùng cao biên giới huyện Tủa Chùa, trong giấc mơ tôi đọc: "Khi nhạc ngựa đã bắt đầu rong ruổi". Trong đêm giá lạnh mùa thu Tây Bắc, câu thơ như ngọn lửa ấm áp, cổ vũ tôi không ngừng lùi bước trước mọi thử thách trong cuộc sống. Sau này, anh tôi đã nối thêm ba câu để thành bài tứ tuyệt:

Khi nhạc ngựa đã bắt đầu rong ruổi
Núi đèo cao chấp chới thoáng bên mình
Khi mưa bão dập dồn trên khóm trúc
Tâm tình càng sâu rộng trí anh minh

Ở vùng cao Tây Bắc, mùa mưa kéo dài suốt ba tháng liền. Đường bị sụt lở. Đi công tác phải đi bộ. Rừng núi heo hút, mây mù sà xuống mặt đường, lặng lẽ. Có một lần tôi cùng với người bạn trong cơ quan đi bộ từ Phong Thổ về thị xã Lai Châu hơn một trăm cây số. Đến Pa Tần trời tối, chúng tôi vào bản nghỉ. Đêm ấy, ngủ trên nhà sàn, trong giấc mơ tôi đọc bài thơ mang danh Đỗ Phủ:

Vườn cây tĩnh mịch nhớ Bác
Vườn ươm hương ngọt tiếng chào

Đỗ Phủ đời nhà Đường đã ngót nghìn năm. Hai câu thơ lại mang tính tượng trưng hiện đại. Có lẽ tôi từng đọc thơ Đỗ Phủ nên ám ảnh chăng?

Hình tượng "vườn cây" tượng trưng cho sự trưởng thành, là người dân nhớ ơn Bác. Còn "vườn ươm" là hình tượng các thế hệ tiếp nối chào đón Bác như Người bao giờ cũng hiện hữu. Hai câu thơ tôi đã đọc trong giấc mơ của ai?

Gần đây, khi tôi trở về quê sinh sống, được hòa nhập với thiên nhiên, đồng ruộng, tâm trí tự do, một đêm nằm mơ thấy câu "thời gian sung túc" đã gợi mở cho tôi viết bài thơ "Thời gian".

Dọn lại đêm mở ra ngày mới
âm thanh sum vầy với cỏ cây
mưa đã xa nắng đã gọi
thời gian tiêu đi lại đầy
trời đất đựng đêm ngày
đựng thời gian sung túc.

Người thơ, lao động sáng tạo là nguồn mạch chảy theo năm tháng không ngừng nghỉ, đôi lúc cả trong mơ như sứ mệnh, như số phận giao phó.

Thơ có tính dự báo. Dự báo chính cuộc đời nhà thơ và xa hơn dự báo thời đại. Linh giác dẫn đường cho ngôn ngữ biểu hiện trạng thái cuộc sống ở một thời gian nào đó. Thơ có sức mạnh hướng các giác quan trở về vùng trời tự do cảm thụ sự bí mật của vũ trụ. Cảm xúc thơ đã vượt thoát mọi ràng buộc, mọi sự bức bách của đời sống, tự nó làm nên một diện mạo.

Phan Quốc Bình
.
.
.