Khi bác sĩ cầm lấy cây đàn
Nhớ quãng tám năm trước, một sáng tôi đến cơ quan được cô bạn đồng nghiệp cho biết: “Tối qua em được nghe VTV phát bài hát phổ thơ của anh”. Tôi ngạc nhiên: “Thế mà anh không biết”. May quá, cô bạn đã kịp nhìn bảng chữ màn hình nói cho tôi biết tên người nhạc sĩ phổ nhạc và địa chỉ cơ quan của người đó.
Lại gặp may, tôi sau khi nhờ đứa cháu làm việc tại Viện Quân y 108 tìm giúp số điện thoại của người bác sĩ đã phổ nhạc cho bài thơ của mình. Tôi bốc máy lên và gọi, phía đầu kia “alo”, tôi vội hỏi “Xin lỗi. Có phải máy của nhạc sĩ Trọng Lưu không?”. Đầu bên kia im lặng chừng một hai giây rồi cũng hỏi lại: “Có phải nhà thơ Nguyễn Trọng Văn không?”. Thế là chúng tôi làm quen với nhau và khi đã quen thân tôi mới hỏi thật: “Như thế nào mà Trọng Lưu biết người gọi máy là mình nhỉ?”. Trả lời: “Em thấy hỏi có phải “nhạc sĩ không” thì biết chắc người gọi là anh rồi”. Tôi hỏi thêm: “Thế bác sĩ Trọng Lưu học nhạc ở đâu?”. Trả lời: “Em học nhạc ở “trường bố dạy” và tự học thôi”.
Thì ra PGS, TS, Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Lưu có một “gia thế khủng”. Người đàn ông đa tài này quê ở phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội. Ông có chú ruột là GS, NSND Trọng Bằng, có cha là Đại tá - Nhạc sĩ Trọng Loan (Tác giả những bài hát đi cùng năm tháng: “Người Châu Yên em bắn máy bay”; “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng”; “Lời ca dâng Bác”; “Nếu em đến thăm đảo”) và 6 trong tổng số 7 anh chị em đang hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Nghe thế tôi hỏi cho rõ thêm: “Vậy thế nào mà Trọng Lưu lại đi học ngành y?”.
Năm 1978, khi vừa học xong cấp 3 chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Lưu lúc đó mới 17 tuổi, đã thi đỗ vào Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y), ông cho biết khóa ấy có hơn trăm học viên thì đại đa số là các anh bộ đội thi đỗ vào trường, số là học sinh phổ thông không nhiều lắm. Nguyễn Trọng Lưu đã trở thành “anh bộ đội” một cách “phải thi” như thế vì chưa đủ 18 tuổi. Sau 6 năm học tại trường, cũng như các bác sĩ mới ra trường khác, bác sĩ Quân y trẻ Nguyễn Trọng Lưu được điều lên biên giới. Anh công tác tại Đội điều trị 39 thuộc Binh trạm 30, đóng quân ở Thị trấn Điện Biên Phủ (nay là Thành phố Điện Biên Phủ) của tỉnh Lai Châu.
Năm 1987, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ và được giải thể, bác sĩ Nguyễn Trọng Lưu rời biên giới cùng tấm Huân chương Chiến công Hạng 3 về công tác tại Khoa Phục hổi chức năng, Viện Quân y 108. Ông lần lượt nhận Học hàm Tiến sĩ năm 2001, nhận Học hàm Phó giáo sư năm 2009 và Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2010. Tôi chúc mừng: “Về chuyên môn y khoa thì vô cùng thành đạt. Vậy còn “con đường âm nhạc” thì thế nào?”.
Nhạc sĩ Trọng Lưu bấy giờ mới cho hay: “Hồi bé tôi được bố tôi cho theo học Piano do thầy Hoàng My hướng dẫn. Thú thực lúc đó tôi đi học chỉ là để cho biết thôi chứ không có khái niệm học đàn để thành nghề và đi theo nghề âm nhạc”. Vậy là chàng sinh viên Đại học Quân y mang theo “hành trang âm nhạc” ít ỏi từ gia đình và từ lớp học đàn vào trường nhưng chính cái “vốn âm nhạc” ấy đã khuyến khích để anh tham gia vào các hoạt động văn nghệ của Trường. Nhạc sĩ Trọng Lưu cho biết: “Bài hát đầu tiên mà tôi sáng tác là bài “Tự hào là Học viên Đại học Quân y” năm 1980, nghệ danh Trọng Lưu cũng ra đời từ đấy. Bài hát đầu tay ấy cũng đã mở ra “con đường” viết ca khúc liên tục cho đến bây giờ.
Tích cực học tập chuyên môn và cũng rất hăng hái tham gia phong trào văn nghệ, nhạc sĩ Trọng Lưu kể, thời còn là sinh viên năm nào cũng được Giải thưởng về sáng tác bài hát tham dự Hội diễn Văn nghệ quần chúng. Năm 1981, Đội Văn nghệ Đại học Quân y tham dự Hội diễn Tổng cục Hậu cần và đoạt giải Nhất với ca khúc mở màn có tên là “Những mùa xuân theo Đảng” của tác giả, học viên Nguyễn Trọng Lưu. Nhạc sĩ Trọng Lưu kể thêm: “Hội diễn năm ấy đã “phát hiện” ra giọng hát Hồng Liên đấy anh ạ”.
Tôi hỏi thêm nữa: “Quan điểm về âm nhạc của Lưu là thế nào?”. Không vội trả lời tôi ngay, nhạc sĩ Trọng Lưu im lặng vài giây rồi ông với tay cầm lấy cây đàn ghi ta. Ông dạo một đoạn nhạc rồi mới trả lời: “Hồi học ở trường và nhất là dạo được lên biên giới công tác tôi nhận thấy âm nhạc, dĩ nhiên là các ca khúc rất có ích. Học hành chúi mũi hay công tác chuyên môn bận rộn và căng thẳng. Những lúc như thế tôi lại cầm lấy cây đàn để hát và để sáng tác những bài hát giúp mình được khuây khỏa, được xua đi bận rộn và căng thẳng”.
“Thật là có lý”. Tôi nghĩ thầm trong đầu. Công việc của một bác sĩ là chữa bệnh cứu người. Giữa ranh giới mong manh ấy những bài hát đã đem lại niềm tin, đem đến niềm hứng khởi để công việc được hoàn thành. Khi một bác sĩ tranh thủ những giờ phút nhàn rỗi ít ỏi để đến với âm nhạc quả thực đó như là một liều thuốc tinh thần vô cùng bổ ích.
Nhạc sĩ Trọng Lưu còn bổ sung thêm: “Gì thì gì âm nhạc đã ăn vào máu của tôi. Tôi sinh ra trong môi trường ngập tràn những âm thanh, ngập tràn những cung bậc cảm xúc. Do vậy sau những giờ làm chuyên môn tôi lại cầm lấy cây đàn ghi ta để sáng tác, để duy trì mạch cảm xúc và để thấy tin yêu hơn công việc và cuộc sống của mình”.
Những bài hát mà Nhạc sĩ Trọng Lưu sáng tác thường tập trung vào mảng đề tài: Người chiến sĩ - quê hương và mẹ. Ông thường tìm đọc các bài thơ được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đây cũng là tờ Tạp chí mà những sáng tác của ông được công bố. Việc tìm những bài thơ hay trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã giúp ông “cất lên câu hát”. Được biết chính tờ Tạp chí Văn nghệ Quân đội đầy uy tín này cũng đã mấy lần trao tặng “Giải tác phẩm xuất sắc trong năm” cho những bài hát của Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Lưu, đó là các bài như: "Khúc mẹ ru" và "Cây ngàn hát khúc ru anh".
Nghe Nhạc sĩ Trọng Lưu nói thế tôi chợt nhớ đến bài hát “Lá cờ Tổ quốc giữa biển Đông” ông viết năm 2014. Ông kể rằng: “Hôm đó như thường lệ tôi cầm cuốn Tạp chí Văn nghệ Quân đội số mới in lên để đọc. Tôi bắt gặp bài thơ “Có lá cờ Tổ quốc giữa biển Đông” của nhà thơ Nguyễn Trọng Văn. Họ và tên đệm của tác giả không chỉ “trùng” với họ và tên đệm của tôi mà cái chính là bài thơ ấy đã gieo vào tôi những âm hưởng hùng ca với câu thơ: “Có lá cờ Tổ quốc vươn xa/ Giữa biển Đông, như tấc lòng chiến sĩ/ Máu có đổ nhưng vẹn nguyên màu đỏ/ Tổ quốc tự hào lồng lộng gió đại dương/ Có lá cờ Tổ quốc ở trong tâm/ Máu trộn biển xanh, máu hòa nhịp sống/ Đất nước thêm một lần kiêu hãnh/ Có lá cờ Tổ quốc mãi tung bay”. Và thế là giai điệu hùng tráng vang lên trong đầu, tôi vội cầm cây đàn ghi ta và bài hát được hình thành”.
Bài hát “Lá cờ Tổ quốc giữa biển Đông” do Nhạc sĩ Trọng Lưu phổ nhạc cũng nhanh chóng được Ban Văn nghệ của Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức dàn dựng và ghi hình, được NSND Quốc Hưng (Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) trình bầy đã vang lên trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và một số Đài truyền hình khác.
Tôi chuyển hướng câu chuyện: “Sáng tác ca khúc đều đều vậy nhạc sĩ cho biết chút ít về thành tích chuyên môn đi”. Nhạc sĩ, à mà lúc này là Bác sĩ Nguyễn Trọng Lưu nói “sơ sơ”, đó là ông từng nhiều lần làm Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học, khi thì cấp Viện, khi thì cấp Bộ và khi thì cấp Nhà nước. Ở cấp độ nào những đề tài khoa học đó đều được đánh giá cao. Đấy là chưa kể hơn một trăm bài báo khoa học của ông đã được công bố. Rồi còn đi giảng bài ở Học viện Quân y, ở Trường Đại học Y Hà Nội và ở ngay trong Viện 108 nữa. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam.
“Bận thế mà tôi thấy đôi khi ông vẫn “vác máy” ảnh đi sáng tác, rồi còn thường xuyên treo ảnh trong các triển lãm nữa?”. Nhạc sĩ Trọng Lưu thật thà: “Cũng là một cách duy trì cảm hứng nghệ thuật mà anh. Tôi mới vào Nghệ An dự Lễ hội Đền Diên Cờ, nơi thờ Tướng quân Nguyễn Xí. Cũng chụp được mấy bức ảnh ưng ý anh ạ”.
Nhạc sĩ Trọng Lưu là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội âm nhạc Hà Nội. Năm 2019, ông được nhận “Giải thưởng hàng năm” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với ca khúc “Lội qua vùng khát”. Cho đến nay ông đã sáng tác hơn trăm ca khúc, đáng chú ý là các bài: “Khúc mẹ ru”; “Đại dương rừng đảo”; “Lá cờ Tổ quốc giữa biển Đông”; “Mẹ gọi tên anh”; “Qua đò nhớ mẹ”; “Có những tấm lòng” và bài “Vinh quang Bệnh viện 108 anh hùng” của ông đã thành bài hát truyền thống của bệnh viện đầu ngành quân đội này.