Tổng thống Ebrahim Raisi: Nhà lãnh đạo cứng rắn của Iran
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi là nhà lãnh đạo có đường lối cứng rắn, được đánh giá là có vai trò then chốt trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng hơn nữa của Iran tại khu vực Trung Đông.
Hãng tin PressTV của Iran trưa nay (20/5) dẫn lời ông Pir-Hossein Koulivand, người đứng đầu Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Iran (IRCS) cho biết, các nhóm cứu hộ đã tìm thấy mảnh vỡ chiếc trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi sau nhiều giờ tìm kiếm tích cực ở khu rừng Dizmar phía Tây Bắc Iran.
Ông Koulivand xác nhận, "không có dấu hiệu nào cho thấy có người sống sót" sau vụ tai nạn, theo PressTV. Hình ảnh hiện trường cho thấy chiếc máy bay bị phá hủy hoàn toàn sau cú va chạm vào sườn núi hiểm trở.
Sự cố với ông Raisi đánh dấu vụ tai nạn nghiêm trọng nhất với một nhà lãnh đạo Iran kể từ sau Cách mạng Hồi giáo Iran (1979). Trên máy bay cùng ông Raisi còn có Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan Malek Rahhmati.
Tổng thống Raisi sinh năm 1960 trong một gia đình sùng đạo ở thành phố Mashhad, thánh địa của người Hồi giáo Shiite ở Iran. Khi còn là sinh viên, ông Raisi tham gia các cuộc biểu tình trong cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ tinh thần Ayatollah Khomeini.
Sau Cách mạng Hồi giáo, ông Raisi tiếp tục học tập, nghiên cứu tại Đại học Shahid Motahari ở Tehran và nhận bằng tiến sĩ về luật học và luật Hồi giáo. Raisi gia nhập ngành tư pháp, trở thành phó công tố viên trưởng Tehran từ năm 25 tuổi.
Những năm tiếp theo, ông Raisi tiếp tục làm việc trong lĩnh vực tư pháp, trở thành trưởng công tố viên Tehran rồi lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Nhà nước của Iran. Năm 2006, ông Raisi được bầu vào Hội đồng Thông thái, cơ quan bầu ra lãnh tụ tinh thần tối cao. Các thành viên Hội đồng Thông thái phải được Hội đồng Giám hộ đầy quyền lực của Iran phê chuẩn.
Theo Guardian, ông Raisi trở thành tổng công tố Iran vào năm 2014. Ông bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt năm 2019. Cùng năm, ông trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng Thông thái của Iran.
Năm 2017, ông tranh cử Tổng thống Iran, nhưng không vượt qua người tiền nhiệm Hassan Rouhani khi đó cũng ra tranh cử nhiệm kì Tổng thống Iran thứ hai. Năm 2021, ông Raisi chiến thắng bầu cử với số phiếu cao, trở thành Tổng thống Iran.
Ông Raisi được đánh giá là người có quan điểm cứng rắn trong các vấn đề còn khúc mắc giữa Iran và phương Tây. Những năm qua, Iran tăng cấp độ làm giàu uranium, trong bối cảnh các cuộc đàm phán cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015 không mang lại kết quả.
Tổng thống Raisi cũng được đánh giá là có vai trò then chốt trong việc dẫn dắt Iran vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây; đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng hơn nữa của Iran tại Trung Đông, khi vị thế của Tehran được thể hiện trong nhiều vấn đề khu vực.
Theo Financial Times, số liệu mới nhất của riêng quý I/2024 cho thấy Iran xuất khẩu lượng dầu cao chưa từng có trong 6 năm qua, mang lại cho Iran khoản tiền 35 tỷ USD. Dữ liệu của Vortexa cho thấy Tehran bán được 1,56 triệu thùng dầu/ngày, với Trung Quốc là khách hàng lớn nhất.
Năm 2023, GDP của Iran tăng trưởng 5,4%, mức tốt nhất kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Tehran vào năm 2018 và thuộc nhóm cao nhất thế giới. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Iran có thể tăng trưởng ở mức 3,7% trong năm tài chính 2024.
Về đối ngoại, tháng 3/2023, Iran đã công bố thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao với Arab Saudi sau nhiều năm bất đồng. Đây được đánh giá là thỏa thuận rất quan trọng giúp hạ nhiệt một phần căng thẳng ở Trung Đông giữa các quốc gia Hồi giáo.
Iran cũng cải thiện quan hệ với Nga. Hai nước đạt một loạt thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự và năng lượng, bao gồm một thỏa thuận cho Nga quyền khai thác một mỏ dầu khí khổng lồ trên Biển Caspian.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Iran và Israel xấu đi liên quan đến tình hình Dải Gaza và cuộc xung đột ở Syria. Hai bên đã tiến hành các đợt tấn công qua lại nhắm vào mục tiêu của nhau trong năm 2024, dẫn đến nguy cơ leo thang nghiêm trọng. Trong khi đó, quan hệ của Iran với phương Tây tiếp tục tuột dốc do chương trình hạt nhân Iran, các diễn biến ở Syria, Iraq hay Lebanon.