Kosovo – "Thùng thuốc súng" luôn trực chờ nổ giữa lòng châu Âu

Thứ Ba, 02/08/2022, 16:46

Cuộc can dự quyết liệt của NATO cách đây hơn hai thập kỷ đã vạch rõ ranh giới chia tách Kosovo và Serbia, nhưng cũng từ đó, căng thẳng âm ỉ nhiều năm qua vẫn đang trực chờ bùng phát trở lại.

Nhìn lại chiến dịch ném bom Nam Tư của NATO

Sau sự kiện Liên Xô tan rã, liên bang Nam Tư hùng mạnh một thời đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử xuyên suốt thập niên 1990. Đến năm 1998, 4 nước cộng hòa của nhà nước liên bang, gồm Croatia, Slovenia, Macedonia (nay là Bắc Macedonia), Bosna và Hercegovina đã tách khỏi quyền kiểm soát của chính quyền Belgrade. Nam Tư còn hai nước cộng hòa là Montenegro và Serbia, với Kosovo là một tỉnh thuộc Serbia.

Kosovo – thùng thuốc súng luôn trực chờ nổ giữa lòng châu Âu -0
Các thực thể thuộc Nam Tư cũ. Ảnh: Paweł Goleniowski

Âm ỉ bởi những căng thẳng từ khi nhà lãnh đạo Slobodan Milosevic hủy quy chế tự trị của Kosovo từ năm 1989 và cuộc trưng cầu dân ý bí mật của người Albani sinh sống ở Kosovo vào năm 1992, một cuộc xung đột đã bùng lên dữ dội giữa lực lượng đòi ly khai tại Kosovo và quân đội do Belgrade kiểm soát vào năm 1998.

Đến năm 1999, đụng độ ngày càng leo thang với số người thiệt mạng gia tăng nhanh chóng. Tháng 1/1999, sự cố với người Albani ở Racak trở thành nguyên nhân kéo phương Tây vào cuộc. Hội nghị Rambouillet tại Paris, Pháp, được triệu tập mùa xuân năm đó với ý định tìm kiếm giải pháp chính trị nhưng bất thành.

Kosovo – thùng thuốc súng luôn trực chờ nổ giữa lòng châu Âu -0
Pháo từ các hệ thống phòng không ở Belgrade khai hỏa ngăn đòn tập kích của NATO.
Ảnh: Getty Images

Tháng 3/1999, khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu quyết định can dự chống quân đội của Tổng thống Milosevic, bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia, trong đó có Nga, Trung Quốc; và việc không được Liên Hợp Quốc (LHQ) cho phép, đánh dấu lần đầu tiên Washington cùng đồng minh công khai "qua mặt" LHQ để thể hiện "năng lực" tự giải quyết những vấn đề khủng hoảng trên thế giới.

Ngày 24/3 năm đó, các chiến hạm Mỹ trên biển bắt đầu phóng tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu của quân đội Serbia. Một chiến dịch ném bom đường không cũng được khởi động. NATO thực hiện khoảng 35.000 chuyến oanh tạc, huy động gần 1.000 máy bay và trực thăng các loại, ném xuống Nam Tư 79.000 tấn thuốc nổ, gồm hàng ngàn quả bom chùm.
Kosovo – thùng thuốc súng luôn trực chờ nổ giữa lòng châu Âu -0
Sứ quán Trung Quốc ở Belgrade bị phá hủy vì bom NATO hồi tháng 5/1999. Mỹ sau đó nói NATO nhầm tọa độ. Ảnh: Getty Images

Ngoại trừ Hy Lạp, toàn bộ các nước thành viên NATO đều tham gia chiến dịch ở những mức độ khác nhau. Với sức mạnh quân sự áp đảo, đặc biệt là sự xuất hiện tham chiến của máy bay ném bom tàng hình F-117A Nighthawk và các vũ khí dẫn đường công nghệ cao, NATO đã đánh bại sức mạnh quân đội Nam Tư của người Serbia.

Các đợt không kích của NATO đã gây thiệt hại khổng lồ về cơ sở hạ tầng cho các thành phố lớn ở Nam Tư và khiến gần 2.000 dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em. Tiếng gầm của máy bay quân sự NATO khiến người Serbia khiếp sợ.

Từ Moscow, Nga coi chiến dịch của NATO là một thảm kịch. Nga có quan hệ bền chặt và mối liên hệ tình cảm với người Serbia. Ở giai đoạn Liên Xô vừa tan rã và cuộc nổi dậy của phiến quân Chechnya khiến Điện Kremlin đau đầu, người Nga hiểu rõ tình cảnh mà người Serbia phải đối mặt.

Kosovo – thùng thuốc súng luôn trực chờ nổ giữa lòng châu Âu -0
Lực lượng người Serbia rút khỏi Kosovo khi lính NATO tiến vào. Ảnh: Getty Images
Nhiều người Nga đã phản ứng bằng các cuộc biểu tình, một số thậm chí đã tình nguyện đến Nam Tư chiến đấu cùng người Serbia. Tuy nhiên, với tư cách quốc gia, Nga đã không thể làm điều gì đáng kể để hỗ trợ người bạn lâu năm của mình.

Qua 78 ngày đêm không kích, quân đội của Tổng thống Milosevic cuối cùng chấp nhân thất bại và ký Hiệp ước Kumanovo, rút quân khỏi Kosovo và trao quyền quản lý lại cho lực lượng quốc tế được lập ra bởi LHQ theo nghị quyết số 1244 của Hội đồng Bảo an. Kosovo sau đó được bảo đảm an ninh chủ yếu bởi lực lượng gìn giữ hòa bình KFOR của LHQ.

Thùng thuốc súng trực chờ nổ

Kosovo rộng khoảng 10.000km2, với dân số 2 triệu dân. Sau sự can dự của NATO, dù chưa chính thức tuyên bố độc lập khỏi Serbia, người Albani ở Kosovo coi "chiến thắng" đó đồng nghĩa với việc họ đã tách biệt khỏi sự kiểm soát của Belgrade.

Sự kiện này cũng trở thành động lực để những người Albani phải chạy trốn vì chiến sự trước đây được trở lại quê nhà, chấm dứt những năm tháng tị nạn nơi đất khách quê người.

Kosovo – thùng thuốc súng luôn trực chờ nổ giữa lòng châu Âu -0
Người Serbia rời Kosovo sau biến cố năm 1999. Ảnh: Getty Images

Nhưng với người Serbia, ngày quân đội NATO tiến vào Kosovo gìn giữ hòa bình cũng là ngày mà họ phải rời đi. Một nửa dân số gốc Serbia nhanh chóng bị trục xuất khỏi Kosovo, biến Serbia trở thành quốc gia có số người tị nạn cao nhất châu Âu. Khoảng 200.000 người Serbia và Romania buộc phải rời khỏi Kosovo, nơi họ đã sinh sống hàng thế kỷ.

Sau chuỗi sự kiện năm 1999, theo các thỏa thuận của Nga với phương Tây, Moscow được triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình của riêng họ tại Kosovo để hỗ trợ người Serbia, nhưng quân nhân Nga đã rút đi vào năm 2003.

Tại Nam Tư, Tổng thống Milosevic bị lật đổ năm 2000, sau đó bị đưa ra xét xử vì một loạt cáo buộc. Nam Tư năm 2003 trở thành Liên minh Nhà nước Serbia và Montenegro. Đến năm 2006, ông Milosevic qua đời trong nhà tù giam của LHQ ở Hà Lan. Năm đó, Montenegro ly khai khỏi liên minh với Serbia, trở thành hai quốc gia riêng biệt.

Kosovo – thùng thuốc súng luôn trực chờ nổ giữa lòng châu Âu -0
Ông Milosevic hầu tòa năm 2001. Ảnh: DPA
Dù từng xảy ra một số cuộc thanh trừng sắc tộc ở Kosovo, nhưng tình hình tại đây không có nhiều xáo trộn trong giai đoạn 2006-2007. Đến tháng 2/2008, Kosovo bất ngờ tuyên bố độc lập. Một loạt nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Pháp, Anh, Đức công nhận Kosovo. Tuy nhiên, Serbia cùng nhiều nước, trong đó có Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc... không công nhận.

Việc Kosovo tuyên bố độc lập đã bị Serbia kiện ra tòa quốc tế. Vụ tranh chấp này gây trở ngại cho Serbia khi nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), đồng thời khiến tình hình ở Kosovo thêm phức tạp. Khoảng 10 năm sau đó, EU đã nỗ lực hòa giải Kosovo và Serbia, nhưng Belgrade trước sau vẫn không thể công nhận Kosovo như một quốc gia.

Năm 2018, chính quyền ở thủ phủ Pristina của Kosovo có bước đi táo bạo khi tuyên bố thành lập quân đội riêng. Quyết định trên đã gặp phải phản ứng dữ dội từ phía Serbia bởi họ lo ngại mục đích chính của động thái này là để xua đuổi người Serbia thiểu số hiện đang chiếm số đông dân số tại miền Bắc Kosovo ra khỏi khu vực này.

Kosovo – thùng thuốc súng luôn trực chờ nổ giữa lòng châu Âu -0
Lực lượng Nga triển khai ngoài sân bay Pristina ngày 12/6/1999. Ảnh: Reuters

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khi đó tỏ ý lấy làm tiếc, cho đó là quyết định không đúng lúc, đồng thời kêu gọi hai bên bình tĩnh, tránh gây căng thẳng. Ngược lại, Đại sứ quán Mỹ tại Kosovo cho rằng, Kosovo có quyền chủ quyền để thành lập quân đội từ lực lượng an ninh hiện có. Rất may, đợt căng thẳng này chưa dẫn đến đụng độ.

Cuối tuần vừa qua, giữa lúc châu Âu bất ổn vì chiến sự Ukraine, tình hình có dấu hiệu nóng trở lại với tiếng súng và còi báo động không kích vang lên ở miền Bắc Kosovo, khi những người thiểu số Serbia trong khu vực biểu tình phản đối việc chính quyền Pristina buộc họ phải đổi biển số và giấy tờ tùy thân theo mẫu của chính quyền Kosovo.

Trong khi lãnh đạo Kosovo Albin Kurti cáo buộc Serbia kích động người biểu tình nổ súng vào lực lượng an ninh Kosovo và làm căng thẳng gia tăng ở biên giới, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố nước này sẽ không nhượng bộ. "Nếu họ tìm cách bắt bớ, ngược đãi hay giết hại người Serbia, chúng tôi sẽ chiến đấu và chiến thắng", ông Vucic nói.

Kosovo – thùng thuốc súng luôn trực chờ nổ giữa lòng châu Âu -0
Binh sĩ NATO xuất hiện gần những chiếc xe tải do người Serbia đậu ngang đường ở Kosovo. Ảnh: Getty Images

Hôm 31/7, căng thẳng leo thang tới đỉnh điểm với việc lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo do NATO lãnh đạo (KFOR) tuyên bố họ sẵn sàng can thiệp nếu xung đột nổ ra. Trong khi đó, Tổng thống Serbia Vucic đã tham vấn Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang.

Nhờ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Kosovo ngày 1/8 nhượng bộ bằng cách hoãn lịch áp đặt chính sách giấy tờ mới với người Serbia. Các cuộc biểu tình sau đó đã kết thúc và cảnh sát Kosovo đã dọn sạch những chiếc xe, rào chắn mà người Serbia dựng lên gần khu vực ranh giới giữa Serbia và Kosovo.

Trong quá khứ, Serbia gặp khó trong nỗ lực chung sống với người Albani ở Kosovo dưới cùng mái nhà. Ngày nay, ranh giới đã được thiết lập, Kosovo cũng thấm thía những khó khăn nếu muốn kiểm soát 50.000 người gốc Serbia sinh sống ở phía Bắc vùng lãnh thổ.

Theo giới quan sát, dù đã hạ nhiệt phần nào, những diễn biến gần đây ở Kosovo là chỉ dấu cho thấy những mâu thuẫn sắc tộc tại khu vực Balkan giống như thùng thuốc súng trực chờ nổ nếu không có giải pháp chính trị nào sớm được thông qua.

Guardian ngày 2/8 dẫn lời quan chức phụ trách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell tin rằng, Kosovo và Serbia cần tìm cách "bình thường hóa quan hệ toàn diện", bởi đó là điều tối cần thiết "cho con đường hội nhập EU của họ".

Thiện Nhân
.
.
.