Khí đốt châu Âu chia cho Ba Lan lấy từ nguồn nào?
Ba Lan đang nhận khí đốt từ các nước láng giềng trong Liên minh châu Âu (EU) sau khi bị Nga cắt nguồn cung. Cùng thời điểm, lưu lượng khí đốt mà các nước châu Âu khác mua của Nga lại tăng lên...
Tập đoàn Gazprom, nhà cung cấp khí đốt chính của Nga sang châu Âu, từ ngày 27/4 đã đình chỉ toàn diện việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan và Bulgaria với lí do hai quốc gia EU này từ chối thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng ruble theo chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin.
Không lâu sau, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen tiết lộ, Ba Lan và Bulgaria đã bắt đầu nhận khí đốt từ các nước láng giềng nhằm bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Nga, đồng thời tuyên bố châu Âu sẽ đầu tư mạnh mẽ vào các nguồn năng lượng thay thế trong tương lai.
"Đây là điều mà Uỷ ban châu Âu đã chuẩn bị với các quốc gia thành viên và đối tác quốc tế. Chúng tôi sẽ đáp trả một cách nhanh chóng và thống nhất. Đầu tiên chúng tôi sẽ hành động để đảm bảo quyết định của Gazprom sẽ có tác động ít nhất người tiêu dùng châu Âu", bà nói.
Interfax cho biết, Ba Lan đã nhận một phần khí đốt do Đức chia sẻ. Tuy vậy, Đức cũng là một nước nhập khẩu khí đốt từ Nga và các nước khác trong khu vực, bởi vậy, để có khí đốt chia sẻ cho Ba Lan, Berlin phải nhập khẩu thêm khí đốt từ đâu đó, nếu không muốn trích từ kho dự trữ chiến lược.
Nga hiện nay chuyển khí đốt tới châu Âu qua một số đường ống dẫn chính, như Nord Stream 1 (chạy dưới đáy biển Baltic từ Nga sang Đức), Yamal-Europe (trên đất liền từ Nga qua Belarus tới Ba Lan rồi sang Đức), và Brotherhood (từ Nga sang châu Âu qua Ukraine).
Theo Interfax, số liệu của các ứng dụng theo dõi lưu lượng khí đốt ở châu Âu cho thấy, lưu lượng khí đốt mà châu Âu đăng kí mua của Nga thông qua các đường ống chạy qua lãnh thổ Ukraine đã gia tăng trong hai ngày 27 và 28/4.
Trong đó, đơn đặt hàng ngày 27/4 tăng từ 49,8 triệu mét khối lên 64,8 triệu mét khối; đơn đặt hàng ngày 28/4 là 63,4 triệu mét khối, cao hơn khoảng 30% so với lưu lượng thông thường.
Cùng thời điểm, theo Interfax dòng chảy khí đốt ngược từ Đức sang Ba Lan thông qua đường ống dẫn khí Yamal-Europe đạt mức 1,3 triệu mét khối mỗi giờ. Lượng khí đốt này được cho tương ứng khối lượng khí đốt mà Ba Lan mua hàng năm của Nga (khoảng 10 tỷ mét khối), Interfax mô tả.
Châu Âu chưa bình luận gì về mối liên hệ giữa lượng khí đốt mua gia tăng của Nga và nguồn cung mà họ chia sẻ cho Ba Lan và Bulgaria.
Trong khi đó, sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo đang giảm sút. Dữ liệu của WindEurope chỉ ra rằng, nguồn điện từ tuabin gió, vốn chiếm 17% sản lượng điện của châu Âu trong tuần từ 18 đến 24/4, đã giảm xuống 7,2% theo dữ liệu mới nhất, thấp nhất kể từ tháng 9/2021.
Khi mùa Đông qua đi, châu Âu phải lập tức khởi động giai đoạn mua khí đốt để lưu trữ vào các cơ sở đặt ngầm. Dự trữ hiện đạt 32% công suất, khá thấp, và châu Âu cần lấp đầy các kho lưu trữ này trước mùa Đông sắp tới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang đà khôi phục từ giai đoạn COVID-19, đẩy nhu cầu năng lượng ngày một tăng lên.
Trong phát ngôn đưa ra ngày 27/4, Điện Kremlin cảnh báo có thể ngừng cung cấp khí đốt cho các khách hàng châu Âu nếu họ từ chối thanh toán bằng ruble, sau khi cắt nguồn cung với Ba Lan và Bulgaria.
"Khi thời hạn thanh toán đến gần, nếu một số bên vẫn từ chối thanh toán theo hệ thống mới, sắc lệnh của Tổng thống tất nhiên sẽ được áp dụng", Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh.
Ông Peskov cũng nêu quan điểm, việc cương quyết từ chối trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng ruble phản ánh mong muốn của phương Tây là "trừng phạt Nga bằng mọi giá, ngay cả khi gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng, người đóng thuế và các nhà sản xuất của họ".