Chuyên gia hé lộ điểm yếu trong thiết kế tàu lặn Titan
Các chuyên gia lo ngại, phần thân vỏ của tàu lặn Titan được chế tạo bằng cách kết hợp các vật liệu khác nhau trong một thiết kế không tối ưu, khiến nó dễ bị tổn thương trước áp lực dưới đáy biển.
SkyNews hôm nay (24/6) dẫn lời các chuyên gia hàng đầu cho hay, thiết kế khoang dài hình ống trụ, thay vì khoang hình cầu như những chiếc tàu lặn truyền thống có thể là lí do khiến tàu Titan dễ bị tổn thương trước áp lực nước khổng lồ dưới đáy biển.
Theo SkyNews, thiết kế hình cầu khiến áp lực nước được chia đều lên toàn bộ thân vỏ tàu. Nếu vận hành ở độ sâu 4.000m, tàu Titan phải chịu áp lực nước trung bình khoảng 4.200 tấn/m2. Do thiết kế trụ ống dài, áp lực lên phần vỏ giữa tàu có thể cao hơn so với đầu và đuôi tàu.
Tàu lặn Titan được làm từ sợi carbon và titan, theo OceanGate – chủ sở hữu và cũng là bên vận hành tàu. Với kích thước 6,7 m x 2,8 m x 2,5 m, OceanGate mô tả Titan được thiết kế để chở 4 hành khách và một lái tàu. Tàu nặng hơn 10 tấn, di chuyển ở tốc độ tối đa 5,6 km/h và lặn xuống độ sâu 4.000 m.
Hình ảnh do truyền thông đăng tải cho thấy, tàu Titan không có hệ thống lái chuyên biệt, mà được điều khiển bằng tay cầm giống như loại trên máy chơi game PlayStation. Để liên lạc với tàu mẹ, Titan gửi tin nhắn thông qua hệ thống định vị thủy âm (USBL).
Giám đốc điều hành (CEO) của OceanGate, ông Stockton Rush trước đây từng tiết lộ, ông đã "phá vỡ một số quy tắc" để chế tạo tàu Titan với "kỹ thuật tốt".
Tuy nhiên, tàu Titan đã gặp nạn ngày 18/6 khi đang chở 5 người thực hiện chuyến tham quan xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương, cách Newfoundland của Canada khoảng 600 km.
Cả 5 người trên khoang đã thiệt mạng gồm: CEO Rush; tỷ phú người Anh Hamish Harding, 58 tuổi; Shahzada Dawood, 48 tuổi, doanh nhân Anh gốc Pakistan và con trai Suleman, 19 tuổi; nhà hải dương học người Pháp Paul-Henri Nargeolet, 77 tuổi.
Trong khi OceanGate quảng bá cấu trúc kết hợp giữa sợi carbon và titan giúp con tàu có "trọng lượng nhẹ hơn và vận hành hiệu quả hơn so với các tàu lặn sâu khác", các chuyên gia lo ngại, vật liệu carbon có "tuổi thọ hạn chế" khi chịu tải lớn.
Victor Vescovo, một nhà thám hiểm đáy biển nổi tiếng nói với Sky News rằng, việc sử dụng kết hợp các vật liệu khác nhau "rất khó kiểm soát" và có thể "gây ra các vết nứt do ứng suất".
Ông Vescovo chỉ trích OceanGate đã sản xuất con tàu mà không hợp tác rộng rãi với giới chuyên gia để đánh giá khả năng hoạt động. "Thử nghiệm toàn diện là rất cần thiết để đánh giá khả năng hoạt động thương mại của một chiếc tàu lặn", vị chuyên gia nêu quan điểm.
Ông Jasper Graham-Jones, Phó Giáo sư kỹ thuật cơ khí và hàng hải tại Đại học Plymouth (Anh) nhận xét, phần thân làm từ sợi carbon dày 12,7cm của tàu Titan dường như đã chịu áp lực liên tục khi thực hiện hàng tá vụ lặn trước đó, tờ Fortune dẫn lời. OceanGate bắt đầu các chuyến thám hiểm kiểu này từ năm 2021, với giá khoảng 250.000 USD/ hành khách.
Mỗi chuyến thám hiểm trước kia có thể tạo ra những vết nứt nhỏ trong cấu trúc vỏ tàu, ông Graham-Jones nêu. "Các vết nứt khó phát hiện khi mới xuất hiện, nhưng sẽ nhanh chóng trở nên nghiêm trọng đến mức không kiểm soát được", ông nói thêm.
Reuters ngày 23/6 đưa tin, Ủy ban An toàn Giao thông Canada (TSB) đã thông báo rằng nước này có trách nhiệm điều tra về yếu tố an toàn trong thảm kịch tàu lặn Titan vì tàu mẹ hỗ trợ cho chuyến thám hiểm là chiếc Polar Prince, treo cờ Canada.
Chiếc Polar Prince từng thuộc biên chế lực lượng tuần duyên Canada trước khi được chuyển giao cho giới chức khu vực Miawpukek ở phía Nam đảo New Foundland. Các điều tra viên đã xuất hiện tại nơi tàu Polar Prince neo đậu để tìm hiểu chi tiết.