Bất đồng cách thức viện trợ Syria sau thảm họa động đất

Thứ Tư, 08/02/2023, 11:15

Chính phủ Syria muốn là bên trực tiếp phân phối hàng viện trợ quốc tế trong khi phương Tây từ chối hợp tác cùng chính quyền ở Damascus của Tổng thống Bashar al-Assad.

Dù hứng chịu thiệt hại nặng nề sau hai trận động đất xảy ra ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria hôm 6/2, nhưng nhiều người dân tại vùng thảm họa trong lãnh thổ Syria lại chưa thể nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ cộng đồng quốc tế do tình hình bất ổn trong nước và căng thẳng với phương Tây.

Bùng căng thẳng chuyện viện trợ Syria sau thảm họa động đất -0
Người dân và lực lượng Mũ bảo hiểm Trắng đào bới một tòa nhà ở Tây Bắc Syria với hi vọng tìm kiếm những người sống sót. Ảnh: Twitter/WhiteHelmets

Sau hơn một thập kỷ kể từ khi xung đột nổ ra năm 2011, một phần lãnh thổ ở Tây Bắc Syria, vốn chịu ảnh hưởng đáng kể từ động đất, hiện vẫn do lực lượng đối lập thân Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ, một phần rộng lớn khác nằm trong tay những tay súng phiến loạn mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 7/2, Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Bassam Sabbagh khẳng định, Chính phủ Syria phải là bên đứng ra nhận trách nhiệm phân phối mọi hàng hóa viện trợ trên lãnh thổ nước này, bao gồm cả những khu vực mà quân đội Syria không nắm giữ.

Damascus cũng đề nghị hàng hóa viện trợ đi vào lãnh thổ Syria thông qua một cửa khẩu biên giới để kiểm soát. Theo Guardian, nhà chức trách Syria lo ngại việc mở rộng viện trợ có thể làm suy yếu chủ quyền của Syria và giảm cơ hội để Damascus giành lại kiểm soát khu vực Tây Bắc.

Bùng căng thẳng chuyện viện trợ Syria sau thảm họa động đất -0
Vùng Tây Bắc Syria hứng chịu thiệt hại nặng nề từ hai vụ động đất ngày 6/2. Ảnh: NYTimes

Tuy nhiên, có hai vấn đề phát sinh từ cách tiếp cận của Chính phủ Syria. Đầu tiên, do không nắm quyền kiểm soát thực tế, giới chức Syria không thể đưa hàng hóa viện trợ tới tận tay người dân ở các khu vực do phe đối lập hoặc các nhóm cực đoan nắm giữ. Không dễ gì để các lực lượng đối lập cho phép lực lượng của chính phủ Syria đi vào khu vực của họ.

Thứ hai, Mỹ và phương Tây từ chối mọi hình thức hợp tác với chính quyền ở Damascus của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nên việc trợ giúp người dân không thể diễn ra thống nhất, khẩn trương.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Áo, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 8/2 khẳng định, "ở Syria, chúng tôi có các đối tác nhân đạo do Mỹ tài trợ đang phối hợp hỗ trợ cứu nạn", dù không nêu tên các "đối tác nhân đạo" kể trên.

"Chúng tôi cam kết hỗ trợ người Syria vượt qua thảm họa. Chúng tôi luôn là nhà tài trợ nhân đạo hàng đầu của người Syria kể từ khi cuộc chiến bắt đầu". ông Blinken nói. "Những khoản tiền đó là dành cho người Syria chứ không phải chính quyền. Quan điểm này sẽ không thay đổi".

Trước đó, Ngoại trưởng Đức Baerbock thậm chí đã thúc giục Nga gây sức ép với Syria. "Tất cả các bên, bao gồm Nga, nên có áp lực lên chính quyền Syria nhằm đảm bảo các khoản viện trợ nhân đạo cho nạn nhân được đến nơi", Reuters dẫn lời bà Baerbock nói tại cuộc họp báo cùng Ngoại trưởng Armenia.

"Điều quan trọng là vũ khí lúc này nên bị dẹp sang một bên, và tất cả mọi nỗ lực trong khu vực tập trung vào viện trợ nhân đạo, vào tìm kiếm và bảo vệ nạn nhân", Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh.

Bùng căng thẳng chuyện viện trợ Syria sau thảm họa động đất -0
Các nhân viên Mũ bảo hiểm Trắng cố gắng đưa một thi thể khỏi đống đổ nát do động đất. Ảnh: Twitter/WhiteHelmets

Anh, một đồng minh khác của Mỹ, thì nói rằng, họ sẽ làm việc với Mũ bảo hiểm Trắng, một lực lượng nhân đạo địa phương bị chính quyền Syria nhiều lần lên án.

Hiện chưa thể ước tính khối lượng và trị giá các gói viện trợ mà phương Tây cung cấp cho người Syria. Đến nay, hai ngày kể từ thời điểm xảy ra động đất, Nga được xem là đối tác quốc tế tham gia tích cực nhất nỗ lực cứu nạn ở Syria, bên cạnh Iran. Moscow này sở hữu hai căn cứ quân sự lớn tại các tỉnh Tartus, Latakia và đã triển khai quân nhân, thiết bị và nhân viên y tế giúp chữa trị người dân bị thương.

Theo số liệu của Guardian, số người thiệt mạng vì động đất tại khu vực do chính phủ Syria nắm giữ tại các vùng Aleppo, Latakia, Tartus và Hama đã tăng lên 812 người chết. Trong khi đó, hơn 1.220 người khác được xác nhận thiệt mạng ở các địa phương do phe đối lập kiểm soát.

Các chuyên gia lo ngại, số nạn nhân thực tế ở phía Bắc Syria cao hơn rất nhiều con số thống kê, bởi hàng trăm ngôi nhà đổ sập vẫn chưa thể được tiếp cận và nhiều thị trấn chưa có đội cứu hộ nào xuất hiện.

Trong trường hợp các bên không tìm được những giải pháp chính trị phù hợp để khai thông các tuyến gửi hàng cứu trợ, hàng triệu người Syria có thể rơi vào thảm họa nhân đạo.

LHQ ước tính 90% trong số 18 triệu người Syria đã sống trong cảnh nghèo đói từ trước khi động đất xảy ra, do nền kinh tế bị tàn phá, hạn hán và đại dịch COVID-19 cũng như tình hình bất ổn ở các nước láng giềng.

LHQ được cho là đang rất tích cực tìm cách mở các lối chuyển hàng cứu trợ vào Syria từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy vậy, nỗ lực này gặp khó bởi các tuyến đường biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ bị hư hại nghiêm trọng hơn trong động đất và nhiều vấn đề hậu cần khác.

Thiện Nhân
.
.
.