Pujol - “Điệp viên hai mang vĩ đại nhất Chiến tranh thế giới thứ 2”

Thứ Bảy, 01/10/2016, 09:38
Cơ quan Lưu trữ Quốc gia tại London (Anh) ngày 28-9 đã công bố tài liệu mật liên quan đến một điệp viên huyền thoại trong giới tình báo. Nếu không nhờ công lao của ông, cục diện Chiến tranh thế giới thứ hai có lẽ đã khác.

“Garbo” với “Alaric Arabel”

Ông chính là Juan Pujol Garcia, sinh ngày 14-2-1912 tại Tây Ban Nha. Vì bản thân vốn là người chuộng chủ nghĩa hòa bình nên khi Adolf Hitler xâm lược Ba Lan năm 1939, Pujol đã quyết định chống lại những tư tưởng man rợ của Đức Quốc xã. Nhằm đánh lừa phát xít Đức, thoạt đầu Pujol đã đề nghị được cộng tác với Cơ quan tình báo quân sự Đức, sau đó mới “đầu quân” cho Cơ quan tình báo Anh MI5.

Pujol đã tự tạo nhân thân giả là một quan chức Chính phủ Tây Ban Nha thân phát xít Đức. Với Cơ quan tình báo quân sự  phát xít Đức, ông là điệp viên mang bí danh “Alaric Arabel”, trong khi MI5 đặt cho ông mật danh “Garbo”. Để đề phòng bị “cháy nhà ra mặt chuột”, Garbo đã lập ra hẳn một mạng lưới cộng sự “ảo” khiến Đức Quốc xã đổ không ít tiền vào “mạng lưới” do ông phụ trách.

Ông đã cung cấp cho Đức Quốc xã 300 báo cáo  được “xào xáo vô cùng tinh vi” và được phía Đức coi là một nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy. Mãi cho tới cuối Chiến tranh thế giới thứ 2, tình báo Đức vẫn tin rằng Garbo đang nắm trong tay một mạng lưới có tới 27 điệp viên làm việc cho Berlin.

Cuộc đổ bộ của quân Mỹ trên bãi biển Utah ngày 6-6-1944. Ảnh tư liệu.

“Xỏ mũi” Adolf Hitler

Trong sự kiện D-Day hay còn gọi là ngày quân Đồng minh bắt đầu chiến dịch đổ bộ lên bãi biển Normandy của Pháp ngày 6-6-1944, chính thức mở mặt trận thứ 2 tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức, Garbo đã cung cấp những thông tin sai lệnh đánh lạc hướng quân đội Đức Quốc xã giúp chiến dịch thành công.

Trong ghi chép bí mật ngày 13-6-1944 của liên lạc viên Tomas Harris, Garbo đã thông báo với chính quyền Đức Quốc xã rằng: "Cuộc tấn công hiện nay là một chiến dịch đánh lạc hướng quy mô lớn với mục đích thiết lập một khu vực chiếm đóng trọng yếu nhằm dụ tối đa binh sĩ Đức tới khu vực này để tóm gọn, từ đó có thể đảm bảo cuộc tổng tấn công thứ hai thắng lợi hoàn toàn".

Garbo đã thuyết phục chính quyền Đức Quốc xã rằng, chiến dịch Normandy chỉ đơn thuần là “nghi binh” hòng đánh lạc hướng chú ý trước khi một chiến dịch có quy mô lớn hơn sắp diễn ra ở khu vực Pas de Calais, dọc bờ biển miền Bắc nước Pháp, cách địa điểm đổ bộ Normandy khá xa.

Bản tin hỏa tốc từ Garbo gửi cho Cơ quan tình báo quân sự Đức ngày 8-6 có nội dung: “Từ các mối quan hệ đã nêu có thể thấy rõ ràng rằng, cuộc tấn công hiện nay (ở Normandy) là một chiến dịch rộng lớn nhằm tạo ra một điểm tựa mạnh và thu hút tối đa lực lượng của chúng ta tới khu vực này để cầm chân lại, tạo cơ hội tác chiến thắng lợi ở hướng chủ đạo. Cụ thể, mục tiêu này có thể được minh chứng bởi các đợt ném bom không ngừng xuống Pas de Calais - con đường ngắn nhất hướng tới điểm cuối cùng, Berlin”. Bản tin hỏa tốc gửi về Berlin còn cụ thể hơn: “Sư đoàn bộ binh số 3 đang ở Normandy”.

Kết quả là 3 ngày sau khi quân Đồng minh đã đổ bộ vào Normandy, các lực lượng Đức Quốc xã vẫn tập trung phòng thủ khu vực gần Pas de Calais. Thậm chí, trùm phát xít Adolf Hitler còn cấm 2 sư đoàn xe tăng chủ lực rời Pas de Calais để cứu viện cho Normandy. Đây là quyết định chết người dẫn đến việc quân Đức Quốc xã thua liểng xiểng ở mặt trận phía Tây.

Trước khi bị xử tử năm 1946 trong phiên toà Nurenberg, Nguyên soái Đức Quốc xã Wilhelm Keytel  đã thừa nhận rằng, mệnh lệnh  của Adolf Hitler  đã dựa tới 99% vào thông tin mà Alaric Arabel cung cấp. Trong khi đó, về sau, Tướng Mỹ Eisenhower cũng đã viết: “Nếu lực lượng Đức đang tập trung ở Pas de Calais lao vào trận trong tháng 6, tháng 7-1944 thì hẳn chúng ta đã thất bại. Đóng góp của Pujol ngang với cả một sư đoàn. Ông ấy đã cứu được vô số mạng người”.

Theo Independent, Garbo được mô tả trên trang web của MI5 là “điệp viên hai mang vĩ đại nhất Chiến tranh thế giới thứ 2”, trong khi các nhà làm phim Tây Ban Nha xem ông là “điệp viên đã cứu mạng thế giới”.

“Anh hùng” qua ải “vợ”

Chặng đường hoạt động của Garbo không hẳn hoàn toàn suôn sẻ và trớ trêu thay, khó khăn đó lại bắt nguồn từ chính trong gia đình ông. Tờ Independent dẫn dữ liệu do Cơ quan Lưu trữ Quốc gia tại London công bố cho biết, Pujol suýt nữa đã bị lộ vỏ bọc của mình do mâu thuẫn với người vợ tên Araceli.

Vợ chồng Pujol luôn trong trạng thái lo sợ bị nhận dạng trên đường phố London. Trong khi đó, vấn đề lớn nhất của Araceli là nhớ nhà. Araceli nhớ các món ăn Tây Ban Nha và luôn buồn phiền vì chồng thường xuyên đi vắng. Về phần mình, vì không muốn bị lộ, Pujol kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của vợ con. Chính điều đó khiến Araceli thấy cuộc sống tại London quá tù tùng.

Vào tháng 6-1943, một năm trước sự kiện D-Day, vì bất hòa, Araceli dọa sẽ tới Đại sứ quán Tây Ban Nha tiết lộ toàn bộ sự thật nếu như không được về quê thăm mẹ. “Tôi không muốn sống bên chồng, dù chỉ là 5 phút. Thậm chí kể cả họ có giết tôi thì tôi vẫn sẽ đến Đại sứ quán Tây Ban Nha”, Araceli hét vào mặt Tomas Harris.

Trước tình hình cấp bách đó, Tomas Harris nảy ra một ý là thông báo với Araceli rằng Pujol đã bị đuổi việc. Tuy nhiên, nhận thấy rằng đây chưa phải là biện pháp tối ưu,  Pujol đề nghị nên tìm cách thuyết phục Araceli rằng chỉ vì một phút nóng vội của mình mà chồng cô có thể bị bắt. Kế hoạch được triển khai sau đó.

Mọi chuyện tưởng chừng êm xuôi thì khi một sĩ quan MI5 được cử tới nhà kiểm tra tình hình, đã phát hiện Araceli mở tất cả các bình khí gas trong nhà, dường như để tự sát. “Ông ấy nhận định rằng 90% khả năng là Araceli chỉ đóng kịch, nhưng có 10% khả năng tai nạn thật sự sẽ xảy ra”, Tomas Harris tường thuật lại.

Chiều hôm sau, Araceli nước mắt ngắn nước mắt dài, bị bịt mắt, và được đưa tới trại thẩm vấn 020 của MI5 ở Tây London. Pujol xuất hiện trong bộ dạng râu ria bơ phờ, mặc đồ tù nhân. Trong cuộc đoàn viên đầy xúc động, Araceli thề thốt với chồng rằng cô không hề có ý định tới Đại sứ quán Tây Ban Nha như đã dọa. Cô chỉ muốn Pujol xem xét nghiêm túc đề nghị được về quê thăm mẹ. “Cô ấy hứa là nếu như Pujol được thả, cô sẽ giúp chồng bằng mọi cách để chồng cô tiếp tục chuyên tâm cho công việc hơn nữa”, Tomas Harris kể.

Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Theo lời Tomas Harris thì Cố vấn pháp lý của MI5 là Edward Cussen nói với Araceli rằng, ông đã quyết định thả Pujol và cho phép Pujol tiếp tục công việc hiện tại. Edward Cussen nhắc Araceli rằng không muốn lãng phí thời gian với những người gây phiền hà và nếu còn phải nghe đến cái tên Araceli một lần nữa thì ông sẽ ra lệnh nhốt cô lại.

“Cô ấy sau đó đã ngoan ngoãn về nhà đợi chồng được thả ra. Sự mưu trí của Pujol khi thực hiện kế hoạch này có lẽ đã cứu nguy một tình thế tưởng như không thể nào giải quyết nổi”, Tomas Harris viết.

Phương Linh (tổng hợp)
.
.
.