Những tổ chức Hồi giáo cực đoan trong danh sách đen của Mỹ

Thứ Bảy, 27/09/2014, 10:59
Cuộc không kích chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên đất Syria, lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu đã triển khai hơn 40 máy bay, thả 200 quả bom và bắn 47 tên lửa Tomahawk.

Đáng chú ý là cuộc không kích này không những phá hủy các căn cứ, kho bãi của IS mà còn tiêu diệt được thủ lĩnh của Mặt trận Al-Nursa và một thủ lĩnh khác của nhóm Hồi giáo cực đoan mới nổi Khorasan. Như Tổng thống Barack Obama đã khẳng định trong bài phát biểu trước Liên hợp quốc hôm 24/9, đây là cuộc chiến chống lại khủng bố và có ít nhất 3 nhóm Hồi giáo cực đoan tại Syria nằm trong tầm ngắm của Mỹ là IS, Al-Nursa và Khorasan.

IS – mối lo an ninh toàn cầu

Được miêu tả là dã man hơn cả mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, IS đã trở thành nỗi ám ảnh trên toàn cầu khi trong vòng 2 tháng qua, chúng liên tục tung lên trang mạng xã hội các đoạn băng video quay cảnh chặt đầu con tin phương Tây. Theo tin trên hãng CNN, IS là tên mới đổi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Cận Đông (ISIL). Tổ chức này muốn chiếm cả thế giới Arab, sau đó mở rộng ảnh hưởng ra khắp thế giới bằng cách thành lập các trường học đạo Hồi và chiêu mộ hàng ngàn người phương Tây vào hàng ngũ. Mục tiêu chính và chủ yếu của IS là thành lập một nhà nước đạo Hồi bao trọn thế giới Arab và mở đầu bằng việc chiếm lĩnh các vùng có đông người Hồi giáo theo dòng Sunni sinh sống ở Iraq và Syria. Cha đẻ của IS là Abu Musab al-Zarqawi, một tay chân thân tín của trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Năm 2006, IS (khi đó là ISIL) đã mở rộng phạm vi hoạt động từ Iraq sang các vùng biên giới với Syria. Năm 2010, khi Abu Bakr al-Baghdadi lên làm thủ lĩnh của IS, nhóm này ngày càng manh động. Chúng sẵn sàng tấn công Mỹ và các nước phương Tây và lên kế hoạch khủng bố các cơ sở của Mỹ và phương Tây ở nước ngoài.

Một điểm đáng chú ý là với ít nhất 5 cách kiếm tiền khác nhau, IS hiện đang trở thành một trong những nhóm khủng bố giàu có nhất trong lịch sử. Thống kê từ cơ quan tình báo Mỹ cho biết, IS có thể kiếm 3 triệu USD/ngày từ những khoản tài trợ được chuyển qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria; từ việc cướp tiền mặt trong các ngân hàng khi thực hiện những chiến dịch tấn công mới; hay từ việc buôn lậu cổ vật bị đánh cắp và thu thuế của các công ty khai thác khoáng sản tại Iraq và Syria. Riêng cách thức này, IS đã thu được ở thành phố Mosul (Iraq) là 8 triệu USD/tháng.

Thành viên của nhóm Al-Nursa đang chuẩn bị tổ chức một cuộc tấn công mới ở miền Bắc Syria. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, IS còn có nguồn cung tài chính là các mỏ dầu mà nhóm này chiếm được với mức thu cao nhất  là 1,2 triệu USD/ngày. Dầu thô hoặc dầu đã qua lọc với chất lượng thấp được chuyển ra nước ngoài bằng các con đường buôn lậu kiểu cũ và trà trộn vào thị trường chợ đen ở Thổ Nhĩ Kỳ. Việc bắt cóc con tin rồi tống tiền cũng đem đến nguồn lợi cho IS nhưng không nhiều. Mặc dù vậy, đến nay, IS vẫn kiếm được hàng triệu USD qua cách thức này.

“Khủng bố mới nổi” Khorasan

Cái tên Khorasan chỉ được biết đến cách đây 4 ngày khi các tờ báo của Mỹ đăng tải thông tin cho Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ  James Clapper cung cấp. Theo đó, Khorasan là nhóm khủng bố mới xuất hiện và được cảnh báo là nguy hiểm hơn cả IS. Nói thế là bởi lẽ trong suốt thời gian qua, Khorasan đã âm mưu lên kế hoạch chi tiết tấn công nhiều mục tiêu trên đất Mỹ và châu Âu hơn cả IS. Thậm chí, tình báo Mỹ còn có bằng chứng cụ thể cho thấy Khorasan đã cử 40 chiến binh thánh chiến của nhóm này xâm nhập vào đất Mỹ để tiến hành tấn công khủng bố. Cái đáng ngại hơn cả là tình báo Mỹ cũng như tình báo các nước phương Tây không hề biết nhiều thông tin về Khorasan. Họ chỉ biết sơ sơ rằng nhóm này được thành lập bởi các phần tử tách ra khỏi mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Chúng có căn cứ ở vùng núi biên giới Afghanistan-Pakistan và Iran. Các chiến binh của Khorasan có “sở trường” là dùng bom tấn công khủng bố.

Khoảng 2 tháng gần đây, các thành viên của Khorasan đã di chuyển đến Syria để hoạt động với sự hỗ trợ của nhiều chiến binh thuộc mạng lưới Al-Qaeda. Thậm chí, Khorasan còn công khai việc hỗ trợ IS bằng các tuyển mộ tân binh thánh chiến cho tổ chức này. Thủ lĩnh Khorasan là Mushsin al Fadhi, 33 tuổi. Hắn tới Syria từ tháng 4 năm 2013 và bắt đầu gia nhập Khorasan sau khi tham gia hoạt động cho Mặt trận Al-Nursa.

Mặt trận Al-Nursa – sự liên kết giữa IS và Khorasan

Tuy hình thành trước Khorasan nhưng Mặt trận Al-Nursa ngày nay dường như chỉ đóng vai trò cầu nối giữa IS và Khorasan cũng như giúp IS tổ chức mạng lưới hoạt động tại Syria. Song sự liên kết giữa 3 nhóm Hồi giáo cực đoan này đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh trong khu vực Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung. Vì thế, trong cuộc không kích hôm 23/9, Mỹ và các nước đồng minh đã xác định rằng, chiến dịch này là nhằm tiêu diệt các chiến binh thánh chiến của cả IS, Khorasan và Al-Nursa. Kết quả là, thủ lĩnh của Al-Nursa là Abu Yousef al-Turki đã thiệt mạng. Al-Nursa cũng đã thừa nhận thông tin này trên trang mạng xã hội Twitter. Tổ chức SITE Intelligence Group chuyên theo dõi các nhóm khủng bố trên mạng Internet cho biết, Mặt trận Al-Nursa thường được biết đến với tên gọi “Jabhat al-Nursa”, có nghĩa là “Mặt trận chiến thắng”.

Nhóm này được hình thành kể từ khi Syria lâm vào nội chiến cách đây 3 năm. Các thành viên của Al-Nursa thường xuyên có hoạt động chống phá chính quyền Damascus của Tổng thống Bashar al-Assad và kết hợp với các chiến binh nước ngoài, tham chiến tại Iraq và một số quốc gia khác ở châu Phi. Tham vọng của Al-Nursa cũng giống như IS là thành lập một nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Ngọc Khuê
.
.
.