Những cuộc gặp “nóng” bên lề APEC

Thứ Ba, 11/11/2014, 20:40
Bên lề Hội nghị APEC diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc, đã diễn ra nhiều cuộc gặp, hội đàm được dư luận mong chờ như cuộc hội đàm cấp cao Nhật – Trung, cuộc gặp Nga – Trung, cuộc gặp Nga – Nhật.

Quan hệ Trung – Nhật liệu có bớt “băng giá”?

Theo The Japan Times, trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Abe đã nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, trong mối quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc vẫn còn tồn tại những vấn đề khác biệt, song cũng cần phải tránh những bất đồng làm ảnh hưởng tới quan hệ toàn diện giữa hai nước. Ông nêu rõ: “Cuộc gặp gỡ giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới sẽ đóng góp quan trọng vào phát triển quan hệ hai nước, nhưng việc thực hiện dưới hình thức như thế nào trong phát triển quan hệ hai nước còn cần phải điều chỉnh”.

Thủ tướng Abe (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc gặp bàn mối quan hệ Nhật – Trung. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh, sự phát triển mang tính hòa bình của Trung Quốc cũng là cơ hội tốt đối với cộng đồng quốc tế và Nhật Bản. Thủ tướng Abe cũng đã thể hiện mong muốn đối với Chủ tịch Tập Cận Bình về việc xây dựng mối quan hệ Nhật - Trung trong thế kỷ XXI từ góc độ phát triển lâu dài và mang tính đại cục. Đáp lại lời ông Abe, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Mong muốn phát triển quan hệ Nhật-Trung dựa trên quan hệ chiến lược. Trung Quốc mong muốn Nhật Bản sẽ tiếp tục xây dựng đất nước bằng con đường hòa bình”.

Có thể nói, đây là cuộc gặp được dư luận mong chờ, bởi quan hệ hai nước có những ảnh hưởng nhất định tới tình hình khu vực. Giới phân tích khu vực từng đánh giá cuộc gặp này là một bước đột phá quan trọng nỗ lực phá vỡ tình trạng đóng băng trong quan hệ hai nước Nhật – Trung hiện nay sau những căng thẳng về tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và khác biệt trong quan điểm lịch sử về Thế chiến II. Mặc dù vậy, theo hãng Jiji Press, trong cuộc hội đàm, ông Abe đã nêu rõ sẽ tiếp tục kế thừa những nhận thức về vấn đề lịch sử của các bậc tiền bối, trong khi ông Tập lại nhấn mạnh rằng, vấn đề lịch sử có liên quan đặc biệt tới tình cảm của hơn 1,3 tỉ dân. Ông Tập cũng không đề cập trực tiếp tới việc viếng đền Yasukuni của ông Abe và nội các.

Rõ ràng, bên cạnh những lạc quan, lại xuất hiện nhiều ẩn ý khó lý giải sau cuộc gặp này. Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp kéo dài gần 30 phút với Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định: “Cuộc hội đàm lần này là một bước tiến bộ trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước với mong muốn trở lại mối quan hệ chiến lược. Đây là dấu ấn quan trọng để hướng tới việc cải thiện quan hệ hai nước”.

Cuộc gặp Nga – Trung: Hai giấc mơ trên một con đường

Tại cuộc gặp, cả hai nhà lãnh đạo đã dành cho nhau những lời nói đầy tình cảm về mối quan hệ hai nước. Và kết tinh của việc này là, Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã có 10% cổ phần trong dự án năng lượng khổng lồ ở vùng Siberia của Rosneft – Tập đoàn Năng lượng Quốc gia Nga. CNPC đạt thêm các thỏa thuận về cung cấp khí đốt và tuyến vận chuyển khí đốt. Ngoài ra, 17 văn kiện hợp tác ấy còn bao gồm nhiều lĩnh vực trao đổi khoa học kỹ thuật, phối hợp xây dựng hạ tầng - vốn là điểm mạnh của nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc rõ ràng cần Nga trong nhiều vấn đề, như năng lượng, vũ khí đặc biệt là ảnh hưởng quốc tế của Moskva để Trung Quốc thực hiện ý đồ của mình. Về phía Nga thì sao? Trong bối cảnh bị Mỹ cùng nhiều nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt, Moskva hiện đang phải tìm lối thoát cho nền kinh tế từ những nguồn đầu tư nước ngoài, trong đó, sẽ không có cái tên nào lý tưởng hơn Trung Quốc.

Vừa qua, bên trong khuôn khổ Diễn đàn APEC, ông Tập từng nhắc đến một giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương với vai trò dẫn dắt của Trung Quốc. Điều này làm người ta gợi nhớ đến giấc mộng Đại Trung Hoa mà chính ông ta đề ra và theo đuổi. Còn Tổng thống Putin, sau khi sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga, đã khẳng định thế giới giờ đã kết thúc thế đơn cực do Mỹ dẫn dắt, đồng thời nhắc đến một nước Nga hùng cường, với vai trò chính trị to lớn trên thế giới. Rõ ràng, Nga và Trung Quốc đang cần có nhau khi “Giấc mộng Đại Trung Hoa” và “Phục hưng nước Nga” đang vô tình gặp nhau như trên cùng một con đường.

Cuộc gặp Nga – Nhật: Củng cố quan hệ song phương

Bất chấp việc Tokyo áp các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva vì can thiệp vào tình hình Ukraine, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị APEC vào tối 9-11, Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe đã nhất trí tiếp tục củng cố quan hệ song phương. Trong cuộc gặp kéo dài 70 phút, hai nhà lãnh đạo thảo luận về sự hợp tác chung trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường, an ninh và chương trình phát triển vũ khí của CHDCND Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về vai trò quan trọng của vấn đề tranh chấp các đảo do Nga kiểm soát ở phía Bắc Nhật Bản. Hai bên cũng nhất trí rằng, ông Putin sẽ tới thăm Nhật Bản nhằm giải quyết những bế tắc trong vấn đề này vào năm 2015.

Cũng tại cuộc gặp, Thủ tướng Abe bày tỏ hy vọng Tổng thống Putin sẽ “đóng vai trò xây dựng” trong tiến trình hòa bình của Ukraine. Khẳng định việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ và củng cố quan hệ kinh tế với nước láng giềng phương Bắc là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Tokyo, ông Abe cam kết Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ song phương và ký kết hiệp ước hòa bình cơ bản, giải quyết căng thẳng giữa hai nước kể từ khi Nga chiếm quyền kiểm soát các đảo của Nhật Bản vào cuối Thế chiến II. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng ngỏ ý tham gia phát triển năng lượng vùng Viễn Đông của Nga

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.